Gốm Bàu Trúc hội nhập và phát triển

(NTO) Ninh Thuận có 3 làng nghề truyền thống của đồng bào Chăm là nghề bốc thuốc nam ở Phước Nhơn và An Nhơn, xã Xuân Hải (Ninh Hải), nghề dệt thổ cẩm ở Mỹ Nghiệp và nghề làm gốm thủ công truyền thống ở khu phố Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước).

Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm làng Bàu Trúc vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đối với đồng bào Chăm, sản phẩm gốm không chỉ là những vật dụng sử dụng trong đời sống sinh hoạt mà còn mang nhiều ý nghĩa, giá trị văn hóa tâm linh của đồng bào Chăm. Trong xu hướng hội nhập và phát triển, sản phẩm gốm Chăm đã vươn ra khỏi không gian làng trở thành mặt hàng mỹ nghệ có giá trị nghệ thuật được thị trường trong và ngoài nước đón nhận.

Ninh Thuận có tất cả 22 làng Chăm truyền thống, nhưng chỉ có duy nhất làng Bàu Trúc còn bảo tồn nghề làm gốm (tiếng Chăm gọi là Palei Hamu Craok). Làng Bàu Trúc được bao quanh bởi cánh đồng lúa có hệ thống thủy lợi sông Lu và sông Quao chảy qua hình thành lớp địa tầng đất sét được bồi đắp hằng năm. Ngày nay, chưa có nghiên cứu nào nói về việc phát hiện mỏ đất sét quý với trữ lượng lớn được ví như “vàng đen” đã được khám phá ra như thế nào? và ai là người đã tìm ra bí ẩn dưới lòng đất của cánh đồng làng Bàu Trúc? Trong dân gian truyền tai nhau qua nhiều thế hệ về vị tổ nghề gốm của làng là vợ chồng Po Klaong Can được người dân lập đền thờ và tổ chức cúng kính hàng năm vào các dịp lễ hội lớn của dân tộc Chăm như Rija Nagar, Yuer Yang, Katé và Ca-mbur...

Những năm đầu thế kỷ XXI, khi đất nước hội nhập và phát triển đã thu hút khách du lịch đến với Ninh Thuận. Nhiều đoàn khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến làng gốm Bàu Trúc tham quan, đặt hàng với số lượng lớn. Từ đó, thôi thúc những người thợ làm gốm truyền thống bắt đầu chuyển dần sang sản xuất loại hình gốm mỹ nghệ dùng trong trang trí, kiến trúc và xây dựng nhà cửa. Nắm bắt được xu hướng phát triển và thị hiếu của khách hàng, các nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc đã kiên trì tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thuật làm tượng, tháp, đèn trang trí, bình hoa với nhiều kích cỡ, bình phong thủy có điêu khắc hoa văn, sáng tạo ra nhiều mẫu mã thật ấn tượng.

Du khách trải nghiệm chế tác gốm tại Làng gốm Bàu Trúc. Ảnh: Văn Nỷ

Để làm ra một sản phẩm gốm truyền thống, cần phải tuân thủ theo từng quy trình nhất định. Mỗi công đoạn đều giữ vai trò quan trọng quyết định đến chất lượng sản phẩm. Về cơ bản, có 5 quy trình chính làm ra sản phẩm gốm là khai thác đất sét, xử lý đất sét, tạo hình khối tạo hoa văn, phơi gốm để tu chỉnh và nung gốm. Từ sản phẩm gốm truyền thống chuyển sang sản xuất gốm mỹ nghệ là một quá trình tìm tòi và nghiên cứu. Chính sự cần cù lao động của những người thợ làng Bàu Trúc, đã vực dậy thành công làng nghề truyền thống của đồng bào Chăm. Sản phẩm mỹ nghệ được thị trường đón nhận, mẫu mã đa dạng và phong phú đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng.

Các sản phẩm mỹ nghệ có giá bán cao hơn gấp nhiều lần so với các sản phẩm truyền thống. Nhiều hộ kinh doanh, sản xuất đã làm giàu từ khi kết hợp sản xuất mặt hàng truyền thống và mỹ nghệ. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, mô hình hợp tác xã lần lượt ra đời, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, làm giàu từ nghề gốm thủ công truyền thống.

Theo quan điểm nghiên cứu nhân học hiện nay, có ba yếu tố quan trọng của mưu sinh nhân loại, bất kể là ở trình độ nào hay thời gian nào. Ba yếu tố này bao gồm: Sản xuất, trao đổi và tiêu thụ. Thật vậy, các dòng sản phẩm gốm thủ công nhận được nhiều đơn đặt hàng để đưa mặt hàng gốm Chăm xuất khẩu ra nước ngoài. Từ đó, đã kích thích thị trường gốm Chăm phát triển, người thợ làm gốm không ngừng sáng tạo ra nhiều mẫu mã, xác lập nhiều kỷ lục mới về dòng sản phẩm gốm Chăm. Nhờ đó, mà gốm Chăm sớm hội nhập vào thị trường khu vực ASEAN và quốc tế.

Các nghệ nhân chỉnh sửa sản phẩm gốm.

Những sản phẩm gốm Chăm không những sử dụng rất phổ biến trong cộng đồng mà còn cung cấp, làm vật trao đổi, buôn bán trên khắp cả nước. Khoảng thời gian 30-40 năm về trước các vật dụng trong nhà chưa xuất hiện nhiều đồ nhựa, đồ nhôm, đồ đồng thì đồ dùng bằng gốm chiếm vị thế hàng đầu vì giá thành rẻ, sản xuất nhanh. Nếu hư hỏng thì bỏ không làm ảnh hưởng đến môi trường, thay thế đồ mới, tiết kiệm kinh tế hơn nhiều so với sử dụng sản phẩm khác.

Từ dòng sản phẩm phục vụ nhu cầu thường ngày và phục vụ trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo, gốm Chăm chuyển đổi phát triển thêm dòng sản phẩm mỹ nghệ. Quá trình hội nhập vào thị trường để phát triển của gốm Bàu Trúc thành công chính ở giá trị nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm, đó là kỹ thuật chế tác không sử dụng bàn xoay, mỗi con người trở thành một công cụ đặc biệt để làm ra sản phẩm. Hoa văn trang trí của gốm Chăm mộc mạc, gần gũi, màu sắc tự nhiên, có phần thô sơ. Người thợ có thể tận dụng bất cứ vật nhọn, họa tiết nào để sáng tạo ra hoa văn. Đặc điểm gốm Chăm là điêu khắc, chạm trổ trực tiếp lên sản phẩm, nên người thợ gởi gắm tất cả tình yêu và nghệ thuật vào đất làm cho hồn gốm sống mãi với thời gian.