Làng nghề vào Xuân

(NTO) Cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, những nghề truyền thống trong tỉnh như được “trỗi dậy”, không khí lao động nhà nhà, người người nhộn nhịp hẳn lên. Tất cả đang hối hả bước vào vụ sản xuất, chuẩn bị đủ số lượng hàng hóa, kịp mang đến cho mọi người những sản phẩm đặc sắc của địa phương mình, góp mặt cùng thị trường trong và ngoài tỉnh.

Từ hàng tiêu dùng...

Món bánh tráng cuốn hầu như không thể thiếu trong nhiều gia đình vào những ngày tết. Vì vậy, càng gần đến Tết Nguyên đán cũng là lúc các lò sản xuất bánh tráng tất bật hơn với công việc. Trong cái se lạnh của cuối đông quyện với ánh lửa bập bùng của những lò bánh tráng như đưa hương xuân về mỗi làng quê. Ở tỉnh ta có nhiều nơi làm bánh tráng, nhưng quy mô nhất là ở Xóm Bánh, thuộc phường Đài Sơn (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm). Khi xưa, Xóm Bánh được biết đến là “thủ phủ” của làng nghề sản xuất bánh tráng, với hàng trăm lò bánh hoạt động nhộn nhịp quanh năm. Ngày nay, cùng với xu thế phát triển chung của ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, hoạt động sản xuất bánh tráng truyền thống thu hẹp, chỉ còn vài chục hộ theo nghềVới thâm niên trên 40 năm theo nghề bánh tráng, chị Lê Thị Thu Hương, khu phố 1, phường Đài Sơn tâm sự: Nghề tráng bánh nay không còn hưng thịnh như trước nhưng gia đình tôi vẫn gắn bó, không bỏ được nghề truyền thống. Trung bình mỗi ngày, gia đình sản xuất khoảng 800-900 bánh, vào những ngày giáp tết, số lượng có thể tăng lên gấp 2-3 lần. Để đáp ứng lượng hàng trong dịp tết, gia đình tôi thuê thêm 2 nhân công thời vụ, tráng bánh từ 4 giờ sáng đến chiều tối mới nghỉ”. Bánh tráng Xóm Bánh có độ dai, dẻo, mùi thơm đặc trưng nhờ được làm bằng 100% bột gạo hạt tròn sản xuất ở vùng nắng gió nên được nhiều người ưa chuộng. Những ngày giáp Tết, từ sáng sớm các hộ đã sáng đèn, đốt lò tráng bánh nhộn nhịp. Bên cạnh lò lửa đỏ hừng, đôi tay các chị, các mẹ thoăn thoắt tráng bánh, khuôn mặt không giấu được niềm vui rạng rỡ được mùa. Tết như đang đến gần hơn!  

Chị Lê Thị Thu Hương, khu phố 1, phường Đài Sơn (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm)
tất bật tráng bánh, phục vụ nhu cầu dịp Tết.

Chia tay với nghề bánh tráng chúng tôi ngược lên huyện Ninh Sơn tìm hiểu về các nghề làm chổi của người dân nơi đây. Trải qua nhiều thăng trầm, nghề làm chổi ở xã Lâm Sơn (Ninh Sơn) vẫn được duy trì, phát triển cho đến ngày hôm nay, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương trong lúc nông nhàn, giúp họ tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống gia đình. Có thâm niên làm chổi trên 30 năm nên những ngày này, đơn đặt hàng của ông Võ Nhị, thôn Lâm Hòa cũng tăng đột biến. Vừa bó chổi, ông vui mừng chia sẻ: Chổi đót và chổi dừa được bà con nơi đây sản xuất quanh năm, trung bình mỗi ngày gia đình tôi xuất bán khoảng 5-10 cây chổi. Riêng tháng Chạp và nhất là những ngày cuối năm thì số lượng tăng lên gấp đôi hoặc gấp ba. Tết được coi là vụ chính của cả năm, bởi người dân địa phương không chỉ bận rộn với việc bó chổi mà còn cả thu hoạch đót. Vào mùa xuân, bông đót mới xuất hiện, do vậy, bà con 3 thôn: Lâm Hòa, Lâm Quý, Lâm Bình (xã Lâm Sơn) thường mua đót tươi về phơi khô để dự trữ. Nhờ chất lượng chổi tốt, lại đa dạng chủng loại nên chổi Lâm Sơn không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn vươn xa ra các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Có thể nói, nghề làm chổi ở Lâm Sơn góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, lưu giữ được nghề truyền thống của địa phương, tạo nên nét đẹp văn hóa riêng trong sắc xuân mới. 

...Đến phục vụ du lịch

Trước đây, đồng bào dân tộc Chăm chỉ quan tâm đến Lễ hội Ka-tê của mình, nhưng giờ đây, Tết Nguyên đán cũng là dịp để đồng bào Chăm hòa mình vào lễ hội chung của dân tộc với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc. Trong cái chớm nắng mai của những ngày đầu tháng Chạp, về thăm làng gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước), không khí làng nghề dường như tất bật hơn ngày thường. Dọc hai bên đường, các sản phẩm được bày bán cũng nhiều hơn, kiểu dáng, mẫu mã đa dạng, phong phú hơn. Trong nhà, những nghệ nhân miệt mài với công việc để kịp giao hàng cho khách…Ông Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc, cho biết: Thời gian qua, được tỉnh hỗ trợ nhiều chính sách như đầu tư hạ tầng, chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng tay nghề, quảng bá thương hiệu gắn với kinh doanh du lịch…nên sản phẩm gốm Bàu Trúc được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến, ưa chuộng. So với ngày thường, đơn hàng trong dịp tết thường tăng từ 40-50%, lượng khách đến tham quan khoảng 1.500 lượt/ngày. Nhằm phục vụ khách du lịch trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, ngoài việc đầu tư nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm chúng tôi còn chú trọng các hoạt động như: biểu diễn văn nghệ, trình diễn nghệ thuật làm gốm, giữ chân du khách bằng thái độ phục vụ chuyên nghiệp... Hiện bà con trong hợp tác xã đang khẩn trương hoàn thành các sản phẩm gốm với mẫu mã đẹp nhất để phục vụ thị trường ngày tết.

 Xuân về, không chỉ làng gốm Bàu Trúc mà làng nghề dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) cũng rộn ràng náo nức đón các đoàn khách du lịch đến tham quan tìm hiểu về nghề dệt truyền thống. Dọc con đường vào làng, cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, bên khung cửi, những nghệ nhân say sưa dệt nên sắc màu của mùa xuân. Cùng với việc duy trì và phát triển nghề truyền thống, các nghệ nhân đã chú trọng đầu tư khôi phục hoa văn thổ cẩm cổ kết hợp với cải tiến màu sắc, chất liệu dệt vừa giữ nét riêng của làng nghề truyền thống Chăm, vừa phù hợp với nhu cầu phát triển của thị trường. Bà Thuận Thị Trào, phụ trách cửa hàng trưng bày của Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp cho biết: Trong dịp Tết Nguyên đán, lượng khách đến tham quan tại khu trưng bày khá đông, có cả khách “ phượt lẻ” và khách đến từ các tỉnh, thành phố đi theo tour du lịch, ngoài ra còn có khách nước ngoài đến tìm hiểu văn hóa đặc trưng của làng nghề. Tết này, Hợp tác xã Làng nghề Mỹ Nghiệp chuẩn bị trên 100 mặt hàng bao gồm túi, áo, ví, ba lô, khăn choàng cổ, dây thắt lưng… đáp ứng nhu cầu tham quan, mua sắm của du khách. Ngoài việc trưng bày và bán các sản phẩm dệt, chúng tôi còn chuẩn bị sẵn khung dệt cho du khách trải nghiệm khi có yêu cầu.

Chứng kiến không khí náo nhiệt ở các làng nghề, nụ cười giòn tan của các nghệ nhân, xuân dường như đang về rất gần. Xuân Kỷ Hợi năm nay không những đem theo niềm vui của sự đoàn viên mà còn mang lại sự phồn thịnh, sung túc cho các làng nghề và mỗi hộ dân làm nghề trong tỉnh.