Tết cổ truyền bản sắc văn hóa Việt

Ngày tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam là ngày hội thăng hoa của văn hóa Việt, đó cũng chính là sự giao thoa giữa văn hóa đương đại và văn hóa truyền thống của dân tộc. Ngày tết cổ truyền luôn ẩn chứa một nét tâm linh huyền bí, một tình cảm thiêng liêng, ấm cúng, của dân tộc Việt Nam.

Ngày Tết cổ truyền là sự đoàn tụ sum họp gia đình, cũng là tình cảm của mối quan hệ giữa người với người, giữa tình làng nghĩa xóm với nhau. Ta có thể xem ngày Tết cổ truyền là ngày hội của mọi lễ hội. Bởi một lẽ đơn giản là trước khi đón chào một năm mới ai cũng muốn tất cả mọi thứ đều mới. Từ quần áo, nhà cửa, đến đường làng, ngõ xóm phải được dọn dẹp, phát quang sạch sẽ. Ngay cả đến lời nói với nhau người ta cũng dành cho nhau những lời hay, ý đẹp. Người Việt ta quan niệm rằng: Năm mới ra đường gặp người ăn nói tử tế, hòa nhã vui vẻ thì năm đó gặp được nhiều may mắn. Lời nói là âm hưởng của tâm hồn, không cứ gì ngày tết mà bình thường trong cuộc sống hàng ngày được tiếp xúc với người ăn nói nhẹ nhàng, dịu dàng ta cũng cảm thấy vui lây. Trong ba ngày Tết kiêng cự nhất là những ai nói gàn, nói gở, nói cục cằn thô lỗ, cãi cọ trách cứ lẫn nhau. Gặp phải những trường hợp kể trên thì cả người nói và người nghe đều có cảm giác xui xẻo cả năm. Chiều ba mươi Tết, ông, bà, cha, mẹ đều dăn con, dặn cháu phải kiêng cự những điều trên. Ở đâu cũng vậy hàng xóm láng giềng chung sống với nhau trong một năm tránh sao khỏi điều qua tiếng lại, làm mất lòng nhau, thậm chí còn giân nhau. Vậy mà khi xuân về Tết đến họ lại xóa bỏ tất cả những khúc mắc, oán tránh, giận hờn của năm cũ, sống với nhau như chưa hề có chuyện gì xay ra. Đó là một nét văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam.

 Quang cảnh đón Tết cổ truyền an vui, hạnh phúc. Ảnh: Văn Nỷ

Vì vậy, khi Xuân về, Tết đến con người lại sống thân thiện với nhau hơn, cuộc sống như lại tiếp thêm sức sống mới, vui vẻ, rộng lượng, vị tha, tình cảm lại ấm cúng hơn, tình làng nghĩa xóm lại được bồi đắp thêm. Có lẽ không có giây phút thiêng liêng nào bằng giây phút đón giao thừa, tất cả như đang sống trong một tâm trạng trân trọng và linh thiêng. Giây phút hồi hộp đó, con tim như ngừng đập, mọi sự vật xung quanh như ngưng đọng lại giây lát để rồi bừng nở ra những điều kỳ diệu khi phút giao thừa đã điểm. Ai cũng muốn giữ cho mình mọi hành vi cử chỉ lời nói trong thời khắc linh thiêng trọng đại ấy. Qua thởi khắc giao thừa mọi người cảm thấy như mình vừa mới lột xác bằng một con người mới hoàn toàn không phải là con người của một giây trước đó. Thêm một tuổi, sự thông minh khôn ngoan hình như cũng hơn lên, lời ăn tiếng nói cũng dịu dàng nhẹ nhàng hơn, hàng xóm láng giềng cũng thân thiện, cởi mở hơn. Lời hay ý đẹp không phải chỉ là để dùng trong mấy ngày Tết mà nó là công cụ phương tiện giúp con người giao tiếp với nhau thân mật hơn, ấm cúng hơn, cho đến khi ta nhắm mắt xuôi tay mới thôi. Không ai trong chúng ta lại không thích sự dịu dàng trong lời ăn tiếng nói trong lúc chuyện trò, ứng xử. Mùa xuân về ai lại không thích cái đẹp, thích được ngắm những bông hoa đẹp, có người đã ví “ Lời nói đẹp, dịu dàng lịch sự không riêng gì phụ nữ thích nghe…”.

Xuân về không những làm tăng thêm vẻ đẹp của thiên nhiên cỏ cây hoa lá, mà nó còn thức dậy trong mỗi con người một ý thức sống đẹp, sống có văn hóa, sống có trách nhiệm với cộng đồng xã hội. Xuân về Tết đến không những đánh thức tiềm năng từ mỗi con người mà còn đánh thức tiềm năng của một đất nước trên con đường xây dựng và phát triển trong thời đại công nghiệp lần thứ 4, đạt nhiều thành công rực rỡ.