Phước Trung nỗ lực giảm nghèo bền vững

(NTO) Trong năm 2018, xã Phước Trung (Bác Ái) đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 36,4% (năm 2017) xuống còn 31,3%. Có được kết quả đó là nhờ sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự đồng lòng của nhân dân toàn xã.

Xã Phước Trung hiện có 4 thôn, với 635 hộ dân; trong đó, 96% hộ dân là đồng bào Raglai. Kinh tế chủ yếu của người dân địa phương là sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế mang lại cho bà con chưa cao. Đồng chí Đạo Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Trung cho biết: Hiện nay, công tác giảm nghèo của địa phương vẫn còn gặp khó khăn bởi nhiều yếu tố như: Trình độ dân trí thấp; thói quen trông chờ, ỷ lại của bà con; việc ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất chưa cao… Đặc biệt, những năm gần đây, thời tiết nắng hạn kéo dài đã gây rất nhiều khó khăn trong gieo trồng hoa màu và chăn nuôi của bà con… Thêm nữa, ngoài việc làm nông nghiệp, người dân địa phương không có nhiều ngành nghề khác để làm thêm nên thu nhập bình quân của các hộ chỉ dưới 13 triệu đồng/người/năm.

Gia đình anh Tain Bếnh, thôn Rã Trên nuôi bò vỗ béo mang lại hiệu quả cao.

Để khắc phục những khó khăn trên, cấp ủy, chính quyền xã Phước Trung đã đề ra những giải pháp đồng bộ; xây dựng chương trình hành động cho từng năm, từng giai đoạn. Trong đó, địa phương chủ động nắm bắt rõ nguyên nhân, hoàn cảnh gia đình, tâm tư, nguyện vọng của các hộ nghèo, cận nghèo để xây dựng các giải pháp thích hợp, hiệu quả với từng trường hợp cụ thể. Qua khảo sát cho thấy, đa số hộ nghèo có nhu cầu mở rộng các mô hình sản xuất, đa dạng hóa cây trồng tuy nhiên lại thiếu vốn. Từ thực tiễn đó, xã đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn với tổng dư nợ gần 6,2 tỷ đồng. Song song đó, địa phương tổ chức đưa cán bộ địa phương đến hướng dẫn, giám sát người dân trong sử dụng vốn vay sao cho đúng mục đích, đúng đối tượng, tránh tình trạng lãng phí nguồn vốn. Đơn cử như hộ gia đình anh Tain Bếnh, thôn Rã Trên, một trong những hộ dân tiêu biểu của địa phương vươn lên thoát nghèo. Anh Bếnh chia sẻ: 2 năm về trước, nhờ địa phương tạo điều kiện, gia đình được vay 20 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bác Ái để mua bò và máy đập lúa. Đồng thời, được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do địa phương tổ chức, nhờ đó, có thêm nhiều kiến thức để áp dụng vào sản xuất. Sau thời gian nỗ lực lao động, đến nay, kinh tế gia đình trở nên khấm khá, thu nhập bình quân đạt 120 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, địa phương còn triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình hỗ trợ sản xuất từ các nguồn vốn của cấp trên theo hướng tiết kiệm nước, khai thác tiềm năng, tài nguyên và đặc trưng khí hậu của địa phương với các mô hình như: Mô hình bắp lai với diện tích 17ha, mô hình bobo với diện tích 53ha; mô hình nuôi heo đen... Từ những mô hình này đã giúp cho gần 100 hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện tiếp cận với giống cây chất lượng, có kiến thức áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Thêm vào đó, địa phương cũng quan tâm đến việc dạy nghề, tạo việc làm cho lao động địa phương. Hằng năm, xã phối hợp với UBND huyện triển khai lồng ghép đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất cho nông dân. Trong năm 2018, UBND xã đã mở 3 lớp về kỹ thuật chăn nuôi dê, bò cho 70 người, tư vấn xuất khẩu lao động sang Ả rập Xê út 5 người, qua đó góp phần tích cực vào chỉ tiêu giải quyết việc làm, giảm nghèo của địa phương.

Ngoài ra, xã Phước Trung còn thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người nghèo. Trong đó, xã thực hiện đầy đủ, công khai đúng quy định các chính sách của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ các đối tượng nghèo, cận nghèo. Trong năm 2018, địa phương đã cấp thẻ BHYT cho 2.605 đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ tiền điện với tổng số tiền 103 triệu đồng cho 199 hộ nghèo tại địa phương.

Với những kết quả đã đạt được, tin rằng trong những năm tiếp theo, xã Phước Trung sẽ đạt được những kết quả cao hơn nữa trong công tác giảm nghèo, từ đó, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển, nâng cao đời sống người dân.