Mô hình “Ấm áp ngày về” ở Bắc Phong phát huy hiệu quả

(NTO) Với mong muốn giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng có cơ hội làm lại cuộc đời, xã Bắc Phong (Thuận Bắc) đã xây dựng mô hình “Ấm áp ngày về”. Sau hơn 2 năm hoạt đông, mô hình thật sự mang lại hiệu quả, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng trở thành những công dân lương thiện.

Năm 2015, anh Trần Quang Sơn (SN 1984, ngụ thôn Mỹ Nhơn) trở về sau thời gian cải tạo với nhiều mặc cảm, tự ti. May mắn thay, khi trở về anh Sơn được người thân, xã hội đón nhận, động viên, tạo điều kiện cho anh vay vốn 50 triệu đồng để phát triển kinh tế. Anh Sơn chia sẻ: “Nhờ cải tạo tốt, tôi được đặc xá sớm hơn thời hạn, được gia đình an ủi, nhất là được chính quyền tạo điều kiện cho vay vốn, tôi mua bò, heo về nuôi. Vợ con bên cạnh luôn động viên nên tôi có thêm động lực vượt qua, quyết tâm không vi phạm pháp luật, làm ăn chính đáng”. Cũng như anh Sơn, trong thôn cũng có một số người sau khi ra tù trở về, được địa phương thăm hỏi, giúp đỡ, hỗ trợ, từ đó họ đã nhận thức được, tu tâm dưỡng tính, làm ăn lương thiện, có kinh tế ổn định như: anh Võ Minh Trung, chị Nguyễn Thị Nhung…

Anh Trần Quang Sơn được chính quyền, gia đình động viên nên đã quyết tâm làm ăn, không tái phạm.

Ngay khi thành lập, chính quyền xã luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của mô hình. Hàng năm, công an xã đều tiến hành điều tra, khảo sát toàn diện để đánh giá thực trạng tình hình người chấp hành xong án phạt tù về đang cư trú tại địa phương. Sau đó, phân công cụ thể cho từng bộ phận theo dõi, thường xuyên có kế hoạch phối hợp với các ngành, đoàn thể tiếp nhận, quản lý, cảm hóa giáo dục, hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lầm lỡ có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn để làm ăn chính đáng. Đến nay, toàn xã có 15 người được tha tù trở về, trong đó giao Xã đoàn quản lý giáo dục 4 người; Hội Phụ nữ xã 2 người, Mặt trận xã 1 người, Hội Nông dân xã 4 người và 4 người cho Ban quản lý các thôn. Nhìn chung, hầu hết các hội, đoàn thể đều làm tốt công tác quản lý nên những người tái hòa nhập đều không tái phạm, 8 người có việc làm ổn định. Để động viên những người lầm lỡ, địa phương thường xuyên tổ chức đến nhà thăm hỏi, tặng quà. Trong năm qua, xã đã tổ chức 26 lượt đến thăm, hỗ trợ vay vốn cho 3 trường hợp người lầm lỡ với số tiền hơn 70 triệu đồng.

Anh Võ Ngọc Tịnh, Trưởng Công an xã cho biết: Qua 2 năm triển khai, mô hình đã nhận được sự ủng hộ tích cực của cán bộ, nhân dân nên đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Trong thời gian tới, để công tác tái hòa nhập cộng đồng đi vào chiều sâu, xã tiếp tục tiếp nhận, phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm quản lý, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỡ; đồng thời vận động các doanh nghiệp, cơ sở giúp đỡ, tạo việc làm cho người chấp hành xong án phạt; kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ tiến tới thành lập quỹ tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi giúp cho người tái hòa nhập vay vốn làm ăn, ổn định cuộ cuộc sống.