Khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng trên quy mô toàn cầu

“Khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng, làm thổi bùng lên ngọn lửa giận giữ toàn cầu”. Đây là những báo cáo mới nhất mà Tổ chức quốc tế Oxfam vừa đưa ra, trong bối cảnh Diễn đàn Kinh tế thế giới 2019 (WEF) đang diễn ra tại Davos, Thụy Sỹ. Điều này đặt các nước trên thế giới cần sớm có giải pháp để giải quyết tình trạng chênh lệch giàu nghèo gia tăng, để có thể giải quyết những nguy cơ đang nhen nhóm về sự bất ổn mới của toàn cầu.

Khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng

Trong báo cáo “Lợi ích Công hay Tài sản Tư” vừa được Oxfam công bố ngày 21-1-2019, cho thấy khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn đang hủy hoại cuộc chiến chống nghèo đói, gây tổn thất cho nền kinh tế cũng như châm ngòi cho làn sóng bất bình diễn ra trên toàn cầu. Báo cáo cho thấy các chính phủ đang khiến cho bất bình đẳng trở nên trầm trọng hơn qua việc đầu tư không thích đáng cho các dịch vụ công như dịch vụ chăm sóc y tế và giáo dục, mặt khác lại áp thuế thấp cho các tập đoàn và các nhóm giàu có, và thất bại trong việc chống trốn thuế. Báo cáo này cũng chỉ ra rằng phụ nữ và trẻ em gái là những nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do bất bình đẳng kinh tế gia tăng.

Báo cáo của Oxfam chỉ ra rằng, hiện số lượng tỉ phú đã tăng gấp đôi kể từ sau khủng hoảng tài chính. Trong giai đoạn 2017-2018, tính trung bình cứ 2 ngày lại có thêm 1 tỉ phú mới. Số tỷ phú trên toàn thế giới hiện đang ở mức kỷ lục là 2.208 người, sở hữu khối tài sản lớn hơn bao giờ hết. Tổng khối lượng tài sản của 26 người giàu nhất thế giới đạt 1,4 nghìn tỷ USD trong năm 2018 - tương đương với tổng tài sản của khoảng 3,8 tỷ người nghèo nhất thế giới. Tuy nhiên, thực tế các cá nhân và tập đoàn giàu có hiện lại đang đóng mức thuế thấp hơn so với mức họ phải đóng. Mức thuế mà các cá nhân và tập đoàn giàu có phải đóng cũng đang được cắt giảm đáng kể. Ví dụ, tỉ lệ cao nhất về thuế thu nhập cá nhân ở các nước giàu giảm từ 62% vào năm 1970, xuống còn 38% năm 2013. Tỉ lệ trung bình này ở các nước nghèo là 28%.

Do đó, Oxfam ước tính, nếu như chỉ cần 1% người giàu nhất thế giới đóng thêm 0,5% thuế tài sản, thì chúng ta đã có nhiều tiền hơn cả mức chi phí cho toàn bộ 262 triệu trẻ em đang thất học được tiếp cận giáo dục, và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cứu mạng sống cho 3,3 triệu người trên thế giới. Oxfam đưa ra khuyến cáo rằng, các quốc gia trên thế giới cần áp dụng hệ thống thuế công bằng hơn, nâng tỷ lệ thuế đối với thu nhập cá nhân và tăng thuế doanh nghiệp, cắt giảm tình trạng trốn thuế của các công ty lớn và siêu giàu.

Không những vậy, hiện nay ở nhiều quốc gia, một môi trường giáo dục tốt hay dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng đã trở thành một khái niệm xa xỉ mà chỉ giới giàu có mới đủ khả năng chi trả. Mỗi ngày, thế giới có khoảng 10.000 người chết vì không tiếp cận được dịch vụ y tế mà họ có khả năng chi trả. Ở các nước đang phát triển, một đứa trẻ sinh ra trong gia đình nghèo có khả năng tử vong trước 5 tuổi cao gấp đôi so với đứa trẻ sinh ra trong gia đình giàu có. Ở các nước như Kenya, một đứa trẻ của gia đình giàu có sẽ có trình độ học vấn cao gấp đôi so với đứa trẻ của một gia đình nghèo.

Cần giải pháp cụ thể thu hẹp khoảng cách giàu nghèo

Báo cáo trên của Oxfam được công bố trong bối cảnh các lãnh đạo chính trị và kinh tế thế giới đang tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF 2019) diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ. Bản báo được đưa ra với mục đích kêu gọi sự quan tâm của cộng đồng quốc tế trước tình trạng khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng.

Theo các chuyên gia, để giảm khoảng cách giàu nghèo, các quốc gia cần tăng tốc độ thực hiện xóa đói giảm nghèo bằng những nỗ lực to lớn hơn nữa, như tăng phạm vi lựa chọn và khả năng tiếp cận với các nguồn lực hiện có, kiểm soát tốt hơn các rủi ro, đảm bảo môi trường bền vững cũng như bảo đảm sự tham gia rộng rãi hơn của dân chúng trong quá trình lập kế hoạch và ra quyết định. Việc mở rộng sự lựa chọn trong lĩnh vực phát triển con người là một chiến lược quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của các nước. Người nghèo cần phải có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn nghề nghiệp cũng như lối sống. Đồng thời, người nghèo cũng cần phải được hưởng thụ một cách hợp lý và công bằng các dịch vụ xã hội cơ bản.

Một phần quan trọng trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách giàu nghèo còn là xóa đói giảm nghèo cho phụ nữ, vì đói nghèo tác động tới phụ nữ và trẻ em nhiều hơn nam giới. Phụ nữ có ít cơ hội lựa chọn hơn vì bị hạn chế bởi bổn phận đối với xã hội và gia đình, bởi các giá trị và quan niệm truyền thống về giới tính và phụ nữ bị đặt ở địa vị thấp hơn nam giới, thậm chí bị lạm dụng. Xóa nghèo ở nữ giới là mở rộng điều kiện lựa chọn về nghề nghiệp, việc làm và giáo dục, cũng như quyền sử dụng đất đai và khả năng vay vốn. Vấn đề bình đẳng giới cũng phải được đưa vào chiến lược xóa đói giảm nghèo của mỗi nước…

Với chủ đề “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình kiến trúc toàn cầu trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, Chủ tịch WEF Klaus Schwab cũng đã nhấn mạnh rằng, WEF 2019 cần tập trung xác định một chương trình nghị sự toàn cầu, nhằm hoàn thiện hơn toàn cầu hóa, đồng thời hướng đến những đối tượng bị gạt ra ngoài lề, những người bị thiệt thòi, tổn thương trong quá trình toàn cầu hóa này.

Và quan trọng hơn, các chuyên gia đã khuyến cáo rằng, nếu các chính phủ không tập trung giải quyết vấn đề khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng, thì mục tiêu xóa đói giảm nghèo cùng cực vào năm 2030 sẽ không thể thực hiện được và gần một nửa tỷ người sẽ vẫn phải sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực.

Theo TTXVN