Giá cả tiêu dùng đã tăng “phi mã” trong tháng 2-2011

Năm nay do Tết Nguyên đán diễn ra vào tuần đầu của tháng 2-2011 nên đã kéo theo sức mua và giá cả tăng cao. Không những vậy, do chi phí đầu vào sản xuất tăng dưới sự tác động từ nhiều phía, mặt khác vào cuối tháng giá xăng dầu tăng đột biến đã tạo tâm lý “tát nước theo mưa” làm cho một số mặt hàng “bị” đẩy giá lên cao đặc biệt là giá của các mặt hàng lương thực-thực phẩm và dịch vụ ăn uống ngoài gia đình. Vậy cụ thể ra sao?.

Theo số liệu từ Cục thống kê tỉnh cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2-2011 trên địa bàn tỉnh đã tiếp tục tăng với tốc độ “phi mã” và đứng ở mức 2,52% so với tháng trước. Trong đó, chỉ số nhóm hàng hóa tăng 3,2% (nhóm hàng lương thực-thực phẩm tăng 5,71%, nhóm hàng phi lương thực-thực phẩm tăng 0,24%) và chỉ số nhóm dịch vụ tăng 1,42%. Đáng nói là khu vực nông thôn tốc độ tăng đến 2,74% trong khi khu vực thành thị chỉ tăng 2,27%! Nguyên nhân một phần là do tốc độ tăng của giá lương thực-thực phẩm đang cao hơn các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác, một phần do người dân tập trung ăn tết ở nông thôn. Như vậy, nếu so với cùng kỳ năm trước chỉ số CPI trong tỉnh đã tăng 12,71%, đây là mức tăng khá cao so với mức tăng của năm trước, góp phần “cộng hưởng” đưa CPI bình quân của cả nước 2 tháng đầu năm lên 12,24%. Trước thực tế nêu trên, theo phân tích của các chuyên gia về tình hình giá cả tiêu dùng của một số nhóm hàng chính trong tháng 2 như sau: Đầu tiên phải kể đến nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, đây là một trong những nhóm mặt hàng được người tiêu dùng quan tâm nhiều nhất trong những ngày giáp Tết. Nếu như ở tháng 1, chỉ số nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ tăng 1,32% thì bước sang tháng 2 đã nhảy vọt lên 4,65%. Chủ yếu là do giá lương thực chế biến tăng, mặc khác giá các loại thịt tăng ( giá thịt gia súc tăng 8,12%, thịt gia cầm tăng 17,5% ) nên giá thịt chế biến như giò lụa, chả, lạp xường… cũng tăng theo (tăng 10,5%); dầu mỡ ăn và chất béo khác tăng 14,8%; thủy sản chế biến tăng 11,2%; giá rau tăng 1,09%; quả tươi tăng 15,6%. Ăn uống ngoài gia đình tăng 1,62% cũng góp phần làm cho chỉ số giá nhóm này tăng.

Chỉ số nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 5,74%, đây là nhóm có chỉ số giá tăng cao nhất trong 11 nhóm hàng chính. Nhóm này tăng chủ yếu là do rượu, bia (tăng 1,21%), thuốc hút (tăng 7,81%). Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu liệu xây dựng còn tăng thấp với mức 0,42% (giảm 0,86% so tháng trước) do giá điện sẽ tăng vào đầu tháng 3. Nhóm giao thông, bưu chính viễn thông tăng 2,5% nguyên nhân chủ yếu là giá dịch vụ giao thông tăng 28,35%, giá dịch vụ khác cho phương tiện cá nhân như trông giữ xe máy, rửa xe máy… tăng 42,61%; giá xe máy RS tăng lên 500.000đ/chiếc nên đã làm cho chỉ số giá của nhóm này tăng cao so với tháng trước. Chỉ số nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,76% chủ yếu do giá dịch vụ cá nhân như cắt tóc, gội đầu… tăng. Chỉ số nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,26%; các nhóm còn lại vẫn giữ ở mức ổn định và tăng nhẹ so với tháng trước. Chỉ số giá vàng giảm 0,48% trong khi đó chỉ số giá đô la Mỹ tăng 1,54% so với tháng trước.

Chung qui lại, giá cả có xu hướng tăng ở nhiều mặt hàng nhất là các mặt hàng có nguồn gốc nhập khẩu do có sự điều chỉnh tỷ giá và các mặt hàng lương thực-thực phẩm có xu hướng tăng và tiếp tục tăng cao do ảnh hưởng của tết Nguyên đán. Những nguyên nhân trên tác động làm chỉ số giá tiêu dùng tăng cao so với tháng trước.

Qua các diễn biến nêu trên, theo dự báo của các nhà chuyên môn khả năng giá cả tiêu dùng trong tháng 3-2011 sẽ còn tăng cao do giá điện, giá xăng, dầu tăng cũng như một số tác động khách quan khác đối với nền kinh tế nước ta nói chung. Kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu mà Chính phủ đặt ra mới đây bằng Nghị quyết số 11/NQ-CP về các nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Do vậy, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ vấn đề đặt ra hiện nay là không chỉ các cơ quan, đơn vị , địa phương cần tập trung áp dụng việc thắt chặt chi tiêu công… mà ngay cả người tiêu dùng trong tỉnh cũng cần chi tiêu hợp lý, tiết kiệm… nhằm giảm bội chi cho chính gia đình mình.