Tạo bước đột phá từ kinh tế biển

(NTO) Huyện Ninh Hải nằm phía Đông Bắc tỉnh ta, có bờ biển dài khoảng 58 km, có vùng nước sâu trung bình từ 0,8-1 m, độ mặn trung bình 25-30‰ nên có nguồn lợi thủy sản tương đối phong phú, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế thủy sản.

Bên cạnh đó, với địa hình vừa có núi, vừa có biển, lại có cảng biển, khu đóng tàu, hoạt động sản xuất muối nên được coi là vùng đất giàu tiềm năng để phát triển kinh tế biển. Đặc biệt với các cảnh quan bãi biển Bình Sơn-Ninh Chữ, vịnh Vĩnh Hy, Vườn Quốc gia Núi Chúa…Ninh Hải có tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch biển.

Để phát huy lợi thế có biển, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ninh Hải lần thứ XI đã đề ra mục tiêu tổng quát cho giai đoạn 2015-2020 là “tập trung phát triển tiềm năng lợi thế kinh tế biển, trọng tâm là kinh tế du lịch”. Những năm qua, cùng với quy hoạch xây dựng thị trấn Khánh Hải thành đô thị du lịch; xây dựng khu đô thị ven Đầm Nại; tổ chức quy hoạch 3 cụm du lịch (Vĩnh Hy, Ninh Chữ và Thanh Hải), Ninh Hải tiếp tục được đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, một số dự án du lịch trọng điểm trên địa bàn.

Thị trấn Khánh Hải hướng tới mục tiêu trở thành đô thị du lịch biển.

Nhờ các ngành dịch vụ, du lịch biển phát triển khá, số lượng khách du lịch hàng năm tăng bình quân 18,3%/năm; doanh thu du lịch tăng bình quân 28%/năm; thu hút 2.000 lao động. Về giao thông, tuyến đường ven biển, cầu Vĩnh Hy hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả tích cực, khơi thông tiềm năng du lịch trên địa bàn. Các công trình khởi công mới tiếp tục được đầu tư như: Nâng cấp bến cá Mỹ Tân thành cảng loại II, cảng Ninh Chữ lên cảng hỗn hợp (đang tiến hành lập đồ án quy hoạch chi tiết, kêu gọi đầu tư); đầu tư đường 704 kết nối Quốc lộ 1 với thị trấn Khánh Hải, đường vành đai giao thông Bắc Nhơn Hải, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển nói chung, du lịch nói riêng.

Du khách tham quan Vịnh Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải. Ảnh: D.A

Theo hướng tạo bước đột phá từ kinh tế biển, Nghị quyết Huyện ủy Ninh Hải về nhiệm vụ năm 2018 cũng xác định mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế kinh tế biển, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường. Nhìn lại năm qua, ngoài đầu tư một số khu du lịch trọng điểm được quy hoạch, việc cải thiện chất lượng dịch vụ tại các khu du lịch đã thu hút 1,056 triệu lượt du khách, tăng 182.000 lượt du khách trong và ngoài nước đến Ninh Hải tham quan, nghỉ dưỡng; doanh thu dịch vụ du lịch đạt 631 tỷ đồng, tăng 123 tỷ đồng so với cùng kỳ. Riêng Resort Amanơi đón 8.480 lượt khách, trong đó có 6.060 lượt khách quốc tế, doanh thu 171 tỷ đồng. Tìm hiểu tại thị trấn Khánh Hải, chúng tôi được biết những năm qua kinh tế du lịch đang dần chiếm vị trí quan trọng trong bức tranh kinh tế. “Đến đây, khách du lịch thường chú ý thưởng lãm các danh lam thắng cảnh như: Vịnh biển Ninh Chữ, núi Đá Chồng, đầm Nại. Đặc biệt là núi Đá Chồng, một điểm đến hấp dẫn gắn với loại hình du lịch tâm linh”- đồng chí Trương Minh Mẫn, Bí thư Đảng ủy thị trấn cho biết. Dựa vào lợi thế ấy, để đưa các lĩnh vực hoạt động thương mại -dịch vụ - du lịch trở thành ngành chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, Khánh Hải đã tập trung vào 2 lĩnh vực quan trọng, đó là tăng cường công tác quản lý đô thị, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển dịch vụ phục vụ du lịch trên địa bàn.

Diêm dân Ninh Hải thu hoạch muối. Ảnh: V.M

Theo đồng chí Phú Văn Trạng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ninh Hải, để đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, cùng với du lịch biển, trong lĩnh vực kinh tế thủy sản, Ninh Hải đẩy mạnh khai thác, nuôi trồng đạt hiệu quả. Về nuôi trồng thủy sản, nhờ hạ tầng từng bước được nâng cấp, Ninh Hải đạt diện tích nuôi hàng năm trên 600 ha, với tổng sản lượng bình quân 2.700 tấn/năm. Nhiều mô hình được áp dụng nhân rộng như: Nuôi tôm sú kết hợp với hải sâm, rong biển theo VietGAP và chuỗi giá trị; nuôi hàu Thái Bình Dương trong ao đất. Về sản xuất giống, toàn huyện có 190 công ty, cơ sở sản xuất giống với sản lượng tôm giống bình quân 5.426 triệu post/năm. Đối với khai thác thủy sản, cơ cấu thuyền nghề chuyển dịch theo hướng tích cực, ngoài hạ thủy 12 chiếc tàu theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Nghị định 89/2015/NĐ-CP, Ninh Hải đang đề nghị tỉnh phê duyệt 4 dự án hỗ trợ một lần sau đầu tư đóng mới tàu cá theo Nghị định 17/2018/NĐ-CP. Tính đến nay, tàu cá toàn huyện có 878 chiếc/98.413 CV; công suất bình quân 112,08 CV/chiếc, tăng 14,4 CV/chiếc so với đầu năm. Sự tăng thêm năng lực tàu cá đã mang lại hiệu quả đánh bắt, sản lượng khai thác hải sản trung bình đạt 14.000 tấn/năm, riêng năm 2018 khai thác đạt sản lượng 15.050 tấn.

Nhìn chung, trong những năm qua, kinh tế biển, hạ tầng du lịch, giao thông đang được Ninh Hải quan tâm đầu tư phát triển. Để tiếp tục phát huy tiềm năng lợi thế về kinh tế biển; trước hết là phát triển dịch vụ du lịch, Ninh Hải kêu gọi, khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các dự án của một số khu du lịch trọng điểm trong quy hoạch vùng ven biển như: Công trình hạ tầng khu du lịch Ninh Chữ, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Hòn Đỏ... Về thủy sản, tiếp tục khuyến khích ngư dân đầu tư đóng mới và cải hoán tàu thuyền, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản.