Nhân lên niềm tin và kỳ vọng

LTS: Kết thúc năm 2018, tỉnh ta đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội rất đáng ghi nhận, tạo thêm niềm tin vững chắc đối với nhân dân tỉnh nhà. Bước vào năm mới 2019, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ đề ra, với kỳ vọng cùng chung tay xây dựng Ninh Thuận ngày càng phát triển bền vững…

Mừng Đảng, mừng Xuân Kỷ Hợi 2019, phóng viên Báo Ninh Thuận đã có dịp gặp gỡ, trao đổi và ghi nhận ý kiến tâm huyết của một số cán bộ hưu trí trong tỉnh.

* Đồng chí Văn Công An, cán bộ hưu trí phường Phước Mỹ (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm)

Mừng Đảng 89 tuổi và mừng Xuân Kỷ Hợi, nhìn lại bức tranh kinh tế-xã hội tỉnh nhà năm qua có thể thấy rõ sự nỗ lực của các ngành, các cấp và tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong khắc phục hạn chế, khó khăn, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế-xã hội đề ra. Tôi cho rằng kết quả lớn nhất là đã hoàn thành 15/15 chỉ tiêu mà tỉnh đặt ra, trong đó có 3 lĩnh vực nổi trội: Năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), kinh tế biển và du lịch. Sự phát triển du lịch đã chứng tỏ không chỉ các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp mà cả thương mại, dịch vụ cũng đang có chuyển biến mới. Được đầu tư đúng hướng về hạ tầng và dịch vụ phục vụ, có thể nói lĩnh vực du lịch đang có dấu hiệu bứt phá vươn lên.

Điểm đáng chú ý là năm qua, trong bối cảnh không mấy thuận lợi, nào là khô hạn kéo dài trong những tháng đầu năm, cuối năm thì mưa lũ ảnh hưởng mùa vụ, nhưng nông nghiệp vẫn có phát triển riêng, đóng góp vào phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà. Qua thông tin từ các phương tiện truyền thông của tỉnh, ngành, các huyện, tôi được biết đời sống của đa số người dân có nâng lên. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tuy còn mặt hạn chế nhất định nhưng cũng đã đem lại kết quả quan trọng. Bây giờ đi về các vùng nông thôn, kể cả các xã miền núi xa xôi đều có thể nhìn thấy các công trình hạ tầng phục vụ nhân dân như điện, nước sinh hoạt, chợ, trạm y tế, trường học, đường bê tông, kênh mương kiên cố hoá, đó là chưa kể nhiều hồ đập thuỷ lợi đã và đang xây dựng. Sự phát triển giao thông nông thôn và các dịch vụ phục vụ nông nghiệp đang tác động tích cực đến xây dựng nông thôn mới và đời sống văn hóa của người dân.

Tuy nhiên bên cạnh đó, theo tôi vẫn còn một số hạn chế mà tỉnh nhà cần khắc phục để tiếp tục phát triển trong năm tới, trước hết là trong lĩnh vực thuế. Dù vượt chỉ tiêu thu ngân sách, nhưng theo tôi ngành Thuế không chỉ có thu mà còn phải đồng hành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Kế tiếp là ngành công nghiệp, cần có giải pháp thúc đẩy phát triển. Đặc biệt là đầu tư thêm cơ sở vật chất, bố trí hợp lý cơ cấu đội ngũ cán bộ chủ chốt để phát huy năng lực lãnh đạo, quản lý. Tôi tin rằng với những thành quả đạt được, toàn tỉnh sẽ hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu của năm 2019 và các mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.

Đồng chí Trương Nghiệp Vũ,  cán bộ hưu trí  phường Mỹ Bình  (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm)

Nhân dịp mừng Đảng, mừng Xuân Kỷ Hợi-2019, tôi cảm thấy rất phấn khởi trước tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh nhà trong năm qua tiếp tục duy trì ổn định và có chuyển biến tích cực, toàn diện. Tôi ấn tượng khi khâu đột phá về năng lượng tái tạo được Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và đưa vào hoạt động các dự án có quy mô lớn về điện gió, điện mặt trời. Bên cạnh thương mại-dịch vụ tiếp tục phát triển, hạ tầng khu, cụm công nghiệp tiếp tục được quan tâm; một số dự án công nghiệp chế biến cũng đang đẩy nhanh tiến độ. Điều này cho thấy có sự quyết tâm, đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền.

Tuy nhiên, trong bức tranh chung phát triển kinh tế của tỉnh nhà, theo tôi không chỉ lĩnh vực năng lượng tái tạo, mà các lĩnh vực khác cũng cần có nhiều bứt phá và tạo ra kết quả nổi bật. Vì vậy bước vào năm 2019, là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020, tôi nghĩ nên tăng cường xây dựng phát triển kinh tế biển, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của biển tỉnh nhà. Để làm được điều đó, tỉnh ta phải quản lý và quy hoạch lại vùng biển, quyết liệt bảo vệ môi trường biển. Cụ thể là đầu tư mở rộng, hiện đại hóa hạ tầng các cảng biển, trong đó trọng tâm là dành vị thế xứng đáng cho du lịch biển nhằm khai thác hiệu quả, bền vững các bãi biển đẹp ở tỉnh ta như vịnh Vĩnh Hy, khu vực biển Bình Tiên, Cà Ná, Mũi Dinh.

Về nông nghiệp, để phát triển các nông sản đặc thù như nho, hành, tỏi, nước mắm Cà Ná, tôi nghĩ điều cần làm là phải đầu tư đúng mức hàm lượng khoa học công nghệ vào các nông sản ấy. Tôi đề xuất có vai trò nhà nước trong đầu tư công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nho như rượu, mứt nho, nho khô, có thương hiệu và quảng bá rộng rãi. Đối với các đặc sản như hành, tỏi, nước mắm Cà Ná, nên hỗ trợ hình thành các điểm tập trung mua bán ở các chợ trung tâm, vừa phát triển thương mại kết hợp du lịch để mở rộng thị trường tiêu thụ. Phải xác định tạo cơ chế thông thoáng, tạo thuận lợi cho người dân làm ăn, kinh tế tư nhân phát triển tức là tạo cho họ có điều kiện đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh nhà.

Tôi tin rằng với kết quả đạt được năm qua, tỉnh ta sẽ hoàn thành mục tiêu năm 2019 đề ra. Đó là nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất hơn trong thực hiện các lĩnh vực trọng điểm về phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao.

* Bà Mấu Thị Bích Phanh, cán bộ hưu trí ở thôn Ma Hoa, xã Phước Đại (Bác Ái)

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, với nhiều chương trình, dự án hỗ trợ phát triển đã tạo nhiều chuyển biến tích cực về đời sống vùng đồng bào, miền núi. Việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực; góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng về đẩy mạnh giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Từ chủ trương, chính sách đúng đắn đó đã tạo bước phát triển nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, trình độ lao động sản xuất, giáo dục trên địa bàn huyện Bác Ái. Trong năm qua, trên địa bàn huyện đã có nhiều công trình mới được xây dựng, thu hút nhiều dự án đầu tư, kết cấu hạ tầng được cải thiện, các dự án hỗ trợ giảm nghèo đã tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Raglai ngày càng được quan tâm, phát huy giá trị truyền thống.

Qua đây, tôi rất vui mừng và tin tưởng vào sự đổi mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong năm 2019. Mong muốn cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ bà con phát triển sản xuất; đặc biệt là các chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Bước sang năm 2019, tỉnh ta có thêm động lực phát triển khi Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh ta phát triển kinh tế-xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023. Tôi mong muốn tỉnh sớm cụ thể hóa Nghị quyết 115 bằng các chính sách phù hợp giúp người dân, nhất đồng bào dân tộc Raglai ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo nhanh và bền vững. Tôi sẽ cùng với chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền, vận động bà con đoàn kết, phát triển kinh tế, phát huy truyền thống anh hùng để nỗ lực xây dựng quê hương Bác Ái ngày càng phát triển.