Nghề cá vươn khơi trong giai đoạn mới

Những ngày giáp Tết Kỷ Hợi, con đường ven biển từ Bình Tiên, xã Công Hải (Thuận Bắc) đến Cà Ná (Thuận Nam) nhờ phản chiếu nắng xuân nên dường như rực rỡ hẳn lên.

Đứng trên cầu An Đông nhìn về cảng cá Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) hoặc từ cầu Ninh Chữ, thị trấn Khánh Hải (Ninh Hải) dõi mắt xuống bến cá Khánh Hội (xã Tri Hải), có thể thấy tàu thuyền ra vào nhộn nhịp, thấy cả các ao đìa nuôi tôm và các lồng bè nuôi thủy sản phía xa xa. Trước bức tranh phong cảnh hữu tình và cuộc sống sinh động của ngư dân, tôi cảm nhận như biển quê hương ngày càng đổi khác nhờ sự phát triển của nghề cá.

Ngư dân xã Phước Diêm (Thuận Nam) ra khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: Văn Nỷ

Được đánh giá là ngư trường khai thác lớn của cả nước với trữ lượng 120.000 tấn hải sản, vùng biển tỉnh ta có nhiều tiềm năng lợi thế đang dần được đánh thức bởi một số chương trình, dự án đầu tư lớn, trong đó có sự phát triển của năng lực tàu cá. Hiện nay, toàn tỉnh có 2.505 tàu cá, với tổng công suất 415.937 CV, như vậy so với năm 2016, công suất tàu cá đã tăng thêm khoảng 119.929 CV, riêng tàu cá từ 90 CV trở lên tăng từ 980 chiếc (257.044 CV) lên 1.119 chiếc (384.814 CV). Trước xu hướng phát triển tàu thuyền công suất lớn, Chi cục Thuỷ sản (TS) tỉnh đang phối hợp tổ chức tuyên truyền tập huấn, phổ biến cho ngư dân Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu âu về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định và các qui định pháp luật của Nhà nước về khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Trong nghề cá tỉnh nhà, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hải sản cho ngư dân, Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XIII) về “phát triển kinh tế biển giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo” xác định nhiệm vụ trọng tâm là củng cố và phát triển các mô hình dịch vụ khai thác trên biển theo hướng khuyến khích các thành phần kinh tế thành lập các đội tàu cung ứng dịch vụ hậu cần, thu mua sản phẩm khai thác xa bờ. Nghị quyết đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có tổng số tàu thuyền khoảng 2.900 chiếc/380.000 CV; sản lượng khai thác đạt 70.000-75.000 tấn, trong đó khai thác xa bờ chiếm 65%. Theo hướng đó, trong mùa vụ khai thác cá năm 2018, dù thời tiết, ngư trường có những diễn biến bất thường, nhưng ngư dân tỉnh nhà vẫn chủ động đánh bắt hiệu quả với tổng sản lượng hải sản khai thác toàn tỉnh ước khoảng 107.120 tấn, vượt 1,61% kế hoạch và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ tăng sản lượng khai thác, mà kể cả cơ cấu sản phẩm cũng đã chuyển dịch theo hướng tích cực, các loại hải sản như tôm, mực và cá có giá trị kinh tế cao ngày càng khai thác nhiều.

 

Ngư dân Phước Diêm (Thuận Nam) khai thác cá cơm đạt sản lương cao. Ảnh: Văn Nỷ

Theo Chi cục Thuỷ sản tỉnh, nếu phân tích theo từng vụ, tính riêng trong vụ cá nam có khoảng 95% tàu thuyền của tỉnh ta tham gia hoạt động khai thác thủy sản đạt hiệu quả, trong đó có một bộ phận ngư dân tỉnh nhà vươn ra khai thác tại các ngư trường vùng biển Trường Sa- giàn khoan DK1. Ngay trước vụ cá nam, các tàu nghề lưới vây, mành ở các thôn Khánh Hội (xã Tri Hải), Mỹ Tân 1, 2 (xã Thanh Hải) thuộc huyện Ninh Hải đã khai thác đạt hiệu quả cao. Riêng vụ cá bấc cuối năm 2018, ở huyện Thuận Nam một nhóm khoảng 250 tàu cá hành nghề pha xúc của ngư dân xã Cà Ná và xã Phước Diêm đã di chuyển vào khai thác hiệu quả ở khu vực vùng biển từ Côn Sơn đến Phú Quốc (Kiên Giang). Điển hình ở Cà Ná có tàu cá của bà Lê Thị Kim Huệ, Phước Diêm có tàu cá của các bà Trần Thị Bông, Trần Thị Nở, Trần Thị Hoa, Nguyễn Thị Mao và các ông Huỳnh Hồng Huynh, Huỳnh Hồng Đạt mỗi đêm khai thác đạt 5-7 tấn/tàu.

Điều đáng chú ý là từ khi có Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 7-7-2014 của Chính phủ về “một số chính sách phát triển thủy sản”, đi về các miền biển, chúng tôi ghi nhận sự phấn khích của một số chủ tàu cá khi nêu quyết tâm đóng tàu lớn, chuyển dịch nghề vươn khơi xa đánh bắt làm giàu cho gia đình, quê hương và góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị định trên, tỉnh ta đã có 43 dự án vay vốn tín dụng đóng mới, nâng cấp tàu cá (bao gồm 41 dự án đóng mới và 2 dự án nâng cấp) hoàn thành đi vào hoạt động. Việc đóng “ tàu 67” đã tạo chất xúc tác cho nghề cá phát triển, thúc đẩy tàu thuyền khai thác hải sản xa bờ. Đơn cử nếu năm 2016, nghề cá tỉnh ta có 159 chiếc tàu đi khai thác xa (trong đó có 139 tàu khai thác, 20 tàu dịch vụ), thì cuối năm 2018 đã tăng lên 518 chiếc (trong đó có 460 tàu khai thác, 38 tàu dịch vụ). Hoạt động hợp tác khai thác trên biển cũng được đẩy mạnh, hiện tỉnh ta đã thành lập được 170 tổ ngư dân đoàn kết sản xuất trên biển với 1.018 tàu cá tham gia.

Nhận định về sự phát triển của nghề cá tỉnh nhà, theo kỹ sư Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, kết quả đạt được năm qua đã cho thấy tín hiệu mới khi ngư dân tiếp tục đóng thuyền to, tàu lớn và hợp tác liên kết với nhau để vươn ra khơi xa đánh bắt dài ngày trên biển. Bên cạnh yếu tố trên, với hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá tương đối phát triển trên các cảng cá, bến cá đang mở ra triển vọng tạo đột phá cho hoạt động khai thác hải sản của tỉnh nhà trong năm 2019.