Nâng cao kỹ năng phòng, chống thiên tai cho trẻ em

Tỉnh ta là một trong những địa phương đã và đang chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai. Trong các thành phần của xã hội thì trẻ em chính là đối tượng thường chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ hậu quả do thiên tai gây ra. Với mục tiêu bảo vệ và hạn chế tác động của thiên tai đến trẻ em, những năm gần đây tỉnh ta đã xây dựng phương án phòng chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai lấy trẻ em làm trung tâm. Hoạt động này đã và đang được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đẩy mạnh triển khai tại nhiều địa phương.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, dựa trên phương án của tỉnh, ngành đã ban hành kế hoạch hành động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong trường học tại các địa phương trong giai đoạn 2013-2020. Kế hoạch này dựa trên bộ khung gồm 3 trụ cột: Trường học an toàn, cơ sở vật chất an toàn và quản lý trường học an toàn. Trên cơ sở đó, ngành GD&ĐT đã tiến hành khảo sát các cơ sở giáo dục từ cấp mầm non, tiểu học, THCS đến THPT ở 3 huyện Bác Ái, Thuận Nam và Thuận Bắc. Đây là các địa phương nằm trong vùng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi có thiên tai xảy ra. Đến nay, các trường học đã cơ bản lập kế hoạch, triển khai cụ thể bằng việc lồng ghép các chương trình tập huấn kỹ năng cần thiết về phòng, chống giảm nhẹ rủi ro về thiên tai trong các giờ học cho học sinh.

Bác Ái là huyện có đến 3/4 diện tích là đồi núi, địa hình bị chia cắt mạnh với hệ thống sông, suối dày đặt, độ dốc lớn, lại thường xuyên xảy ra các hiện tượng thiên tai: lũ ống, lũ quét, hạn hán. Đối tượng chịu tác động đầu tiên chính là học sinh. Trên cơ sở kế hoạch hành động của tỉnh, huyện Bác Ái đã lập kế hoạch phòng chống thiên tai rất cụ thể, trong đó việc đưa thiết kế xây dựng các trường học đảm bảo an toàn là một trong những giải pháp quan trọng. Theo đó, đến nay toàn huyện đã có gần 70% đơn vị trường học được kiên cố hóa vững chắc, không chỉ xây dựng môi trường học tập thân thiện mà còn là nơi bảo vệ cho học sinh khi xảy ra thiên tai.

Các trường học ở huyện Bác Ái được đầu tư cơ sở vật chất
đầy đủ, an toàn giúp học sinh yên tâm học tập. Ảnh: N.Sơn

Trường THCS Trần Phú, xã Phước Đại là một trong những trường học được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố của huyện Bác Ái nhiều năm qua. Với hệ thống cơ sở đạt chuẩn, đây vừa là nới học tập cũng là nơi ẩn trú an toàn cho các em khi thiên tai xảy ra bất ngờ. Trong các giờ học, các giáo viên đều lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai để cung cấp cho các em kiến thức nhận diện các loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn. Ngoài ra, hằng tháng, nhà trường còn tổ chức các hoạt động ngoại khóa, huấn luyện kỹ năng phòng chống thiên tai cho các em. Theo cô giáo Nguyễn Thị Hiền, giáo viên của nhà trường thì ở các giờ học ngoại khóa, học sinh được các thầy cô hướng dẫn cụ thể các tình huống mà các em có thể gặp phải khi thiên tai ập đến; thực hành cách thức xử lý tình huống khi bị đuối nước, khi gặp mưa đá, giông sét... Qua các buổi học ngoại khóa đã giúp các em nhận diện được các hình thái thiên tai có thể xảy ra, từ đó có kỹ năng chủ động ứng phó kịp thời. Em Phạm Thị Hiền, học sinh của Trường THCS Trần Phú, chia sẻ: Sau mỗi tiết học về ứng phó thiên tai đã trang bị cho em và các bạn rất nhiều kiến thức bổ ích. Điển hình như khi gặp bạn bị tai nạn ở dưới sông, suối thì mình không nên cứu bạn bằng tay, phải dùng dây hoặc cành cây để kéo bạn lên khỏi mặt nước; hoặc khi thấy trời mưa có gió lốc, sấm sét thì không nên đi ra đường hay núp dưới những bóng cây cao…

Có thể nói, tác động của thiên tai đến học sinh ngày càng nghiêm trọng, thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Và trang bị kiến thức kỹ năng cho học sinh không còn là câu chuyện của ngành GD&ĐT. Nhiều tổ chức quốc tế đã hỗ trợ cho ngành GD&ĐT tỉnh triển khai thực hiện các chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về thiên tai và diễn tập ứng phó cho học sinh. Được biết, trong năm 2017, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Tổng Cục phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức về thiên tai tại Trường THCS Trương Văn Ly, xã Phước Diêm (Thuận Nam) do Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Qua đó, khuyến khích các em chủ động tham gia xây dựng kế hoạch trường học an toàn, ứng phó kịp thời với thiên tai trong nhà trường.

Theo lãnh đạo Sở Lao động-Thương Binh và Xã Hội, từ tình hình thực tiễn về diễn biến các loại hình thiên tai thường xảy ra trên địa bàn tỉnh ta nhiều năm qua, tác động không chỉ đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn liên quan trực tiếp đến trẻ em. Với chức năng nhiệm vụ của ngành, Sở đã tham mưu nhiều văn bản, các chương trình hành động, kế hoạch cho UBND tỉnh đề xuất cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh thực hiện chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 5 năm và hàng năm. Bên cạnh đó, thông qua dự án UNICEF, liên quan đến hợp phần về chương trình bảo vệ trẻ em, sở cũng đã tổ chức được nhiều hoạt động, hội thảo, tập huấn cho nhiều địa phương và khảo sát các vấn đề bảo vệ trẻ em trong vùng hạn hán thiên tai ở các xã Phước Dinh (Thuận Nam), Phướng Kháng (Thuận Bắc), Phước Trung và Phước Thành (Bác Ái). Hoạt động này đang tiếp tục được ngành theo dõi và triển khai chủ động, kịp thời.

Có thể nói, trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, thời gian tới tỉnh ta sẽ còn phải chịu nhiều tác động tiêu cực của thiên tai. Do đó, việc nâng cao nhận thức cho nhân dân trong việc thích ứng, chủ động ứng phó với thiên tai là điều rất cần thiết. Và trong đó, trẻ em chính là đối tượng cần được quan tâm và tăng cường giáo dục kỹ năng thích ứng nhiều hơn nữa, nhằm bảo vệ, tạo môi trường an toàn cho các em học tập và phát triển toàn diện.