Đông Nam Á "mắc kẹt" trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung

Theo một cuộc khảo sát mới đây, người dân Đông Nam Á dự đoán Trung Quốc sẽ sử dụng khu vực này như một "môi trường thử nghiệm" để mở rộng quyền lực, trong bối cảnh Bắc Kinh và Mỹ đang ngày càng tranh giành ảnh hưởng.

Trong công trình nghiên cứu mang tên "Tình hình Đông Nam Á năm 2019" do Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore công bố ngày 7-1, hơn 2/3 số người dân Đông Nam Á được hỏi ý kiến cho rằng Trung Quốc và Mỹ đang đối đầu nhau trong khu vực. Viện nghiên cứu hàng đầu này đã thực hiện nghiên cứu trong 2 tháng cuối cùng của năm 2018, khảo sát ý kiến của hơn 1.000 người làm việc trong các lĩnh vực chính trị, nghiên cứu, kinh doanh, xã hội dân sự và truyền thông ở 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Báo cáo cho rằng "Trung Quốc đã không ngại thể hiện tham vọng giành lại vị thế của họ trong các vấn đề toàn cầu, và khu vực Đông Nam Á sẽ là 'chiến trường thử nghiệm' của Bắc Kinh về khía cạnh này". Báo cáo cho biết thêm phần lớn những người được hỏi ý kiến lo ngại về việc Đông Nam Á sẽ trở thành đấu trường cho sự cạnh tranh giữa các cường quốc, điều mà họ cho là sẽ làm phân cực thêm đời sống chính trị trong khu vực. Báo cáo có đoạn: "Các quốc gia thành viên ASEAN cần tập trung mọi khả năng xoay sở để tránh trở thành một con tốt trong các trò chơi quyền lực của Trung Quốc hoặc Mỹ".

70% số người được hỏi ý kiến muốn chính phủ của họ thận trọng trong việc đàm phán các dự án trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc để tránh rơi vào bẫy nợ của Bắc Kinh. Sáng kiến này, một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã được các quốc gia Đông Nam Á nghiên cứu cẩn thận sau khi Malaysia đình chỉ một số dự án cơ sở hạ tầng (do Bắc Kinh tài trợ) được cho là không bền vững. Thái độ dè dặt được ghi nhận rõ ở Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và thậm chí cả Campuchia, quốc gia được coi là gần gũi với Trung Quốc, với hơn 70% số người được hỏi ý kiến ở mỗi nước bày tỏ sự lo ngại. Hơn một nửa số người được hỏi ý kiến tỏ ra ít hoặc không tin tưởng vào bất cứ siêu cường nào khi nói đến việc đóng góp cho hòa bình, an ninh, thịnh vượng và quản trị toàn cầu. Gần 3/4 ý kiến coi Trung Quốc là ảnh hưởng kinh tế chính trong khu vực, thể hiện qua vị thế là đối tác thương mại hàng đầu của Đông Nam Á kể từ năm 2009, trong khi chỉ có 7,9% số người được hỏi cho rằng Mỹ có ảnh hưởng kinh tế lớn ở khu vực.

Khái niệm của Mỹ về một liên minh Ấn Độ-Thái Bình Dương để ngăn chặn Trung Quốc đã nhận được phản hồi thờ ơ, với 61,3% số người được hỏi ý kiến cho rằng khái niệm này "không rõ ràng và đòi hỏi sự soạn thảo kỹ lưỡng".

Cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ đã kích động sự ngờ vực đối với cả hai nước, với 39,7% số người được hỏi ý kiến cho rằng mâu thuẫn Mỹ-Trung đã làm gia tăng tình trạng không chắc chắn và 1/5 số người được hỏi ý kiến cho rằng nó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đất nước của họ do sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, hơn 55% vẫn lạc quan về tăng trưởng kinh tế trong năm 2019. Những người được hỏi ý kiến ở các nền kinh tế nhỏ hơn như Lào, Campuchia và Brunei đã tỏ ra lạc quan hơn so với Malaysia, Singapore và Thái Lan. Những người tham gia cuộc khảo sát cũng được hỏi về các vấn đề khác ảnh hưởng đến khu vực. Chưa tới 1/3 tin tưởng rằng các cuộc đàm phán về hiệp định Quan hệ Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực sẽ kết thúc trong năm nay. Các cuộc thảo luận về thỏa thuận thương mại tự do đa phương - liên quan đến ASEAN và 6 quốc gia khác bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ - đã bỏ lỡ một số mục tiêu để kết thúc đàm phán do tranh chấp về các vấn đề thuế quan và và phi thuế quan.

Những người được hỏi ý kiến cũng bày tỏ lo ngại về sự mất đoàn kết trong chính ASEAN. Hơn 72% cho biết họ không cảm nhận được "những lợi ích hữu hình" của ASEAN, mặc dù các quốc gia thành viên tiến hành các cuộc họp thường niên để khẳng định sự hội nhập kinh tế. Malaysia và Singapore, hai thành viên sáng lập của khối, hiện đang bị mắc kẹt trong các tranh chấp về các vấn đề cấp lãnh thổ và nguồn nước. 2/3 số người được hỏi ý kiến mong muốn ASEAN đưa ra chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ và có những hành động "chủ động" để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Myanmar, liên quan đến hơn nửa triệu người tị nạn Rohingya.