Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn qua thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU

(NTO) Qua 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 24-5-2011 của Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới đến năm 2020”, kết quả tích cực thấy rõ là đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng cao trong hệ thống chính trị và nhân dân. Theo đó, các địa phương đã tập trung thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Trước hết nói về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, được Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, một số địa phương đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất tập trung và xây dựng 13 chuỗi giá trị ngành hàng (bò, dê, cừu, heo đen, táo, nho, chuối, tỏi, lúa, bắp giống, măng tây, mía, khoai mì).

Xã Lợi Hải (Thuận Bắc) quy hoạch cánh đồng Rẫy Sở thuộc thôn Kiền Kiền 1
làm cánh đồng lớn 10 ha trồng măng tây xanh. Ảnh: BT

Các mô hình sản xuất có hiệu quả, mô hình liên kết sản xuất giữa các hộ dân và doanh nghiệp (DN) tiếp tục được triển khai, nhân rộng. Đến nay đã phát triển được 14 mô hình sản xuất cánh đồng lớn, với diện tích 1.325 ha; vận động nông dân chuyển đổi 4.022 ha từ đất lúa sang trồng các loại cây trồng tiết kiệm nước, đặc biệt là các loại cây trồng cạn tại các vùng gò không đủ nước tưới. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015 chuyển được 570 ha; giai đoạn 2016-2017, thông qua Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 11-11-2016 của Tỉnh ủy về “Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, diện tích chuyển đổi tăng lên 3.452 ha, trong đó có 530 ha diện tích chuyển đổi từ các loại đất khác theo mô hình kinh tế nông - lâm kết hợp sang các loại cây ăn trái như bưởi, mãng cầu, bơ...

Bên cạnh đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm cho cây ăn trái, cây trồng cạn với hơn 979 ha diện tích, các đề tài khoa học - công nghệ và dự án ứng dụng công nghệ cao đang được thực hiện. Nổi bật là dự án phát triển vùng nguyên liệu nho rượu quy mô 22 ha có ứng dụng công nghệ cao kết hợp nông nghiệp hữu cơ, cơ giới hóa trong sản xuất, tưới nhỏ giọt có điều khiển tự động, do Công ty TNHH Ladora Farm Ninh Thuận thực hiện trong năm 2017 tại xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn). Ngoài ra, công ty còn liên kết sản xuất bằng hình thức hỗ trợ vốn 120 triệu đồng/ha, hướng dẫn kỹ thuật và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hộ dân trồng nho ở Mỹ Sơn. Tại xã Phước Tiến (Bác Ái) có Dự án Phát triển dược liệu, cây ăn trái chất lượng cao Nitatech (đã xuống giống tháng 10-2018). Đối với vùng ven biển, các xã đã phát huy tốt lợi thế, tiềm năng về nuôi trồng thủy sản và khai thác hải sản. Không chỉ sản xuất tôm giống hàng năm cung cấp hơn 25% tổng nhu cầu tôm giống cả nước, các xã còn phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến hải sản và chuyển dịch cơ cấu tàu cá theo hướng tăng mạnh nhóm tàu từ 400 CV trở lên.

Các cơ sở làm cá cơm hấp tạo việc làm cho nhiều người lao động ở Cà Ná (Thuận Nam). Ảnh: Văn Nỷ

Về đào tạo nghề lao động nông thôn, trong 7 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho 25.735 lao động nông thôn, trong đó học nghề nông nghiệp có 1.681 người, phi nông nghiệp 7.054 người; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 54,28%, trong đó đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 21,3%. Đào tạo nghề nông nghiệp gắn với chuyển giao kỹ thuật, giống trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phù hợp điều kiện từng địa phương đã giúp lao động nông thôn triển khai vận dụng vào thực tế sản xuất. Lao động các nghề phi nông nghiệp gắn với tạo việc làm, sau khi đào tạo đã được DN tuyển dụng. Nhìn chung, quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp với nhiều chính sách hỗ trợ đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, nhờ đó đã giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo, tăng thu nhập. Đơn cử từ thu nhập 11,96 triệu đồng/người/năm (năm 2011) đã đạt 27,4 triệu đồng/người/năm (năm 2017), tăng 2,29 lần đến năm 2018 đạt con số 39,7 triệu đồng/người/năm.

Tuy nhiên, trong quá trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp vẫn còn bất cập, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng chủ yếu chỉ là chuyển đổi luân canh cây ngắn ngày, còn chuyển đổi bền vững sang cây dài ngày chỉ đạt diện tích 946,64 ha, tức đạt 47,32% mục tiêu đến 2020 là 2.000 ha. Về tổ chức sản xuất, tính đến cuối năm 2017, cả tỉnh có 27 xã đạt chuẩn về tiêu chí tổ chức sản xuất, nhưng trong tổng số 71 hợp tác xã (HTX) mới có 11 HTX tham gia chuỗi giá trị sản xuất. Đa số HTX có cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều hạn chế; hoạt động chủ yếu là thực hiện các dịch vụ cơ bản như cung cấp vật tư, làm đất; mô hình HTX sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị, liên kết với DN còn ít; doanh thu, lợi nhuận đạt được còn thấp, bình quân 1,9 tỷ đồng/năm/HTX.

Để khắc phục hạn chế trên, hiện nay UBND tỉnh đang tập trung lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ các HTX đầu tư chế biến góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp của tỉnh gắn với phát triển ngành nghề, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn, tăng thu nhập cho người dân và giảm nghèo bền vững. Qua đó hoàn thiện các tiêu chí tổ chức sản xuất, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, đóng góp thiết thực vào tiến trình xây dựng NTM.