Nông dân Ninh Sơn đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp

(NTO) Nhằm thay thế dần sức kéo từ gia súc, giảm thiểu các chi phí đầu tư, rút ngắn thời gian thực hiện các khâu trong sản xuất. Những năm qua, nông dân huyện Ninh Sơn mạnh dạn đầu tư trang thiết bị máy móc, nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Hiệu quả mang lại rất tích cực, góp phần đưa kinh tế địa phương từng bước đi lên theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nếu như trước đây nông dân xã Lương Sơn, địa phương có diện tích canh tác lúa chiếm hơn 70% toàn huyện phải mất rất nhiều thời gian và huy động một nguồn lao động lớn để thực hiện các khâu: từ cày, xới đất, gặt lúa thủ công…thì nay, mọi công đoạn đều được ứng dụng cơ giới hóa, nông dân không phải bỏ ra nhiều công sức. “Canh tác cây lúa hiện nay khác nhiều rồi, lúc trước, người dân phải thuê bò cày đất, thu hoạch thì thuê người cắt, thuê xe chở tăng bo ra khỏi ruộng, thuê máy tuốt…tốn kém nhiều. Bây giờ, khâu nào cũng để máy móc làm, lúa chín thì chỉ cần gọi là có xe chở máy gặt đập liên hợp vào tận ruộng gặt, đóng bao, gom rơm...Tôi tính cũng phải giảm được khoảng 70% công lao động so với trước”- nông dân Đỗ Ánh, thôn Tân Lập 1, xã Lương Sơn so sánh.

Nông dân Ninh Sơn thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp.

Đối với các vùng nông thôn, đặc biệt là khu vực các xã miền núi như huyện Ninh Sơn thì đưa cơ giới hóa vào trong sản xuất rất quan trọng. Với việc giảm thiểu được nhiều chi phí trong đầu tư và không phải vất vả “chạy” công lao động khi đến mùa thu hoạch đã giúp nhiều nông dân nhận ra được lợi ích rất lớn của việc cơ giới hóa. Từ đó mạnh dạn đầu tư các trang thiết bị, máy móc hàng trăm triệu đồng để đưa vào sản xuất. Nông dân Bùi Văn Du ở thôn Núi Ngỗng, xã Nhơn Sơn đã đầu tư gần 1 tỷ đồng để sở hữu chiếc máy cày Kubota đa năng với công suất lớn, có thể gắn các dàn máy cuộn rơm, máy kéo, máy sạ hàng, máy xới đất…cứ đến mùa, tùy theo công việc mà ông thay đổi dàn máy cho phù hợp. Ông cho biết, đầu tư cơ giới rất nhiều cái lợi, quan trọng nhất vẫn là lợi về thời gian và chi phí. Trước đây cày ải đất thuê bò cày mất cả ngày mới xong, nay có máy chỉ hơn 1 giờ xong 1 ha; thu hoạch thì chỉ khoảng 30 phút là máy gặt đập liên hợp đã thu hoạch xong 1 sào lúa; khi rơm khô là đến công đoạn của máy cuộn rơm; khoảng 20 phút là máy cuộn rơm đã dọn dẹp xong 1 sào ruộng và cho ra thành phẩm… Được biết, ngoài phục vụ cho sản xuất gia đình, dàn máy của ông Du còn thu thêm được một khoản kinh phí khác từ việc cho các hộ gia đình khác có nhu cầu thuê để canh tác.

Để tạo sức hút cho nông dân trong việc mạnh dạn áp dụng cơ giới hóa, những năm qua, huyện Ninh Sơn đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân mua sắm các thiết bị nông nghiệp, đầu tư hệ thống kênh mương nội đồng, triển khai các chương trình khuyến nông… nhằm tạo thuận lợi cho việc cơ giới hóa trong sản xuất. Từ đó, không chỉ cây lúa, nhiều loại cây trồng khác như như mía, mỳ cũng dần dần được nông dân canh tác theo hướng công nghiệp hơn.

Theo nông dân Lê Đình Chiến, thôn Triệu Phong 1, xã Quảng Sơn, khi đã xác định nông nghiệp là nguồn thu nhập chủ yếu thì việc cơ giới hóa sản xuất là điều bắt buộc phải hướng tới. Kể từ khi chuyển sang canh tác cây mía, anh Chiến đã mạnh dạn thế chấp ngân hàng, vay vốn đầu tư 520 triệu đồng mua 1 máy làm đất; 1 máy cày vồn, róc hàng trồng mía; 1 máy kéo để vận chuyển vật tư nông nghiệp và 1 máy làm cỏ. Từ năm 2010 đến nay, 10ha mía của gia đình anh đều chuyển sang canh tác theo hướng cơ giới hóa toàn bộ. Ngoài ra, trong năm 2016, từ nguồn vốn hỗ trợ ưu đãi của Dự án IFAD, anh tiếp tục đầu tư 3 hệ thống pin năng lượng mặt trời phục cho việc vận hành hệ thống bơm tưới nước cho toàn bộ 10ha mía. Việc mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua máy móc, đưa cơ giới hóa vào sản xuất đã góp phần giúp gia đình anh giảm mức chi phí đầu tư, gia tăng lợi nhuận trên cùng đơn vị diện tích rõ rệt. Được biết, anh Chiến là một trong những nông dân đi đầu trong việc đưa cơ giới hóa vào canh tác cây mía của xã Quảng Sơn nhiều năm qua.

Ông Dương Đăng Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Hoạt động cơ giới trong sản xuất nông nghiệp của địa phương nhiều năm gần đây được nông dân rất chú trọng. Các loại máy móc nông nghiệp trên địa bàn đã hỗ trợ rất lớn cho nông dân trong sản xuất. Qua thống kê sơ bộ, hiện toàn huyện có 39 máy gặt đập liên hợp, gần 170 máy xay xát sản phẩm nông nghệp sau thu hoạch, máy nghiền cỏ đa dụng và trên 1.100 các loại máy sản xuất trong nông nghiệp khác như: máy bơm, máy phun, máy sấy tự động…Tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất nông nghiệp của nông dân hiện chiếm khoảng 90%, đáp ứng cơ bản tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.