Vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn phát huy hiệu quả

(NTO) Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (NNTN) giai đoạn 2016-20118, cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, góp phần đưa giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng khá, riêng năm 2018 tăng 6,6%.

Đồng chí Hồ Chu Vân, Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Thuận, cho hay: Xác định Nghị định 55 có ý nghĩa quan trọng, nên đơn vị đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cường mở rộng tín dụng phục vụ phát triển NNNT trên cơ sở bám sát định hướng cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Đặc biệt, là chính sách cho vay sản xuất mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao. Để sớm đưa Nghị định 55 vào cuộc sống, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, nhất là hệ thống Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức ký kết quy chế phối hợp công tác với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ đẩy mạnh tuyên truyền cho vay vốn chính sách đến với nông dân.

 

Từ vốn vay ưu đãi theo Nghị định 55 của Chính phủ, nông dân xã Phước Thuận
(Ninh Phước) đầu tư công nghệ tưới tiết kiệm nước phục vụ sản xuất nho có hiệu quả.

Kết quả sau hơn 3 năm thực hiện Nghị định 55, các tổ chức tín dụng đã cho vay 24.551 tỷ đồng, chiếm 23,5% trong tổng doanh số cho vay nền kinh tế tỉnh cùng giai đoạn. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là khách hàng cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh với doanh số đạt 14.196 tỷ đồng; cho vay khách hàng doanh nghiệp với doanh số số 10.155 tỷ đồng; cho vay hợp tác xã (HTX) với doanh số 5,1 tỷ đồng/11 HTX, đến ngày 31-10-2018 có 8 HTX còn dự nợ 1,12 tỷ đồng. Điều đáng nói, chính sách hỗ trợ về nguồn vốn như ưu tiên trong tái cấp vốn và thực hiện giảm dự trữ bắt buộc đối với các tổ chức tín dụng có tỷ lệ đầu tư cho NNNT từ 40% trở nên đã khuyến khích các ngân hàng đầu tư mạnh, góp phần đưa tín dụng đối với lĩnh vực này tăng đều hàng năm và cao hơn với tăng trưởng tín dụng chung toàn địa bàn, năm 2016 tăng 25,2%, năm 2017 tăng 29,13%, năm 2018 tăng 43,4%.

Việc khai thông nguồn vốn phục vụ phát triển NNNT đã giúp nông dân, doanh nghiệp có thêm nguồn lực đầu tư mở rộng sản xuất, áp dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo đột phá thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. Các công nghệ sản xuất tưới nước tiết kiệm và chế biến sản phẩm nông nghiệp được ngành Ngân hàng cho vay để đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy vậy, quy trình thực hiện Nghị định 55 còn gặp những khó khăn, vướng mắc, hạn chế cần sớm khắc phục để chương trình tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn trong thời gian tới. Ông Hồ Chu Vân, khẳng định: Vốn cho vay phục vụ phát triển NNNT là không thiếu, nhưng việc đầu tư, mở rộng tín dụng gặp khó do vốn sở hữu và năng lực tài chính hạn chế, công tác hoạch toán kế toán thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch, thiếu tài sản đảm bảo dẫn đến khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng của doanh nghiệp nông nghiệp còn hạn chế. Trong đó, hạn chế nhất là chất lượng đầu tư vốn cho vay HTX hiệu quả thấp, các ngân hàng chưa mạnh dạn đầu tư do vốn tự có của HTX thiếu, năng lực quản lý hạn chế, thiếu các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi. Đó là chưa kể đến chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành Nông nghiệp còn chậm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thiếu ổn định lâu dài, không theo quy hoạch nên rất khó đầu tư mở rộng tín dụng. Các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa hình thành chưa rõ nét, các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro trong nông nghiệp còn thiếu dẫn đến việc đầu tư tín dụng đối với lĩnh vựa này còn hạn chế.

Giai đoạn 2019-2020, chủ trương của tỉnh là tiếp tục ưu tiên đầu tư tín dụng mở rộng quy mô sản xuất gắn với tăng hiệu quả, tăng năng suất, nâng cao thu nhập và giá trị gia tăng đơn vị sản xuất; tạo chuyển biến rõ nét về mở rộng quy mô sản xuất bình quân của hộ và ứng dụng khoa học và công nghệ đối với các sản phẩm chủ lực; hình thành kết cấu hạ tầng căn bản phục vụ hiệu quả sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn, góp phần tăng trưởng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp. Hướng tới đạt mục tiêu, Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Thuận đề ra giải pháp tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay NNNT nói chung và tích cực triển khai các chương trình tín dụng đặc thù, như: Cho vay nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, phát triển thủy sản. Nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng để tăng cường khả năng cho vay không có tài sản đảm bảo nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp, HTX.