Thi đua lao động, sản xuất đầu năm 2019

(NTO) Sau những ngày nghỉ Tết Dương lịch 2019, ngày 2-1, nông dân, ngư dân các địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt “ra quân” lao động, sản xuất đầu năm mới, với quyết tâm đạt thắng lợi mới.

Sau những ngày nghỉ Tết Dương lịch 2019, ngày 2-1, nông dân, ngư dân các địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt “ra quân” lao động, sản xuất đầu năm mới, với quyết tâm đạt thắng lợi mới.

* Trên những cánh đồng ở xã Phước Nam, Phước Ninh, Nhị Hà (Thuận Nam) không khí lao động hết sức nhộn nhịp, bà con tích cực thăm đồng, dọn cỏ, đắp lại bờ ruộng. Chị Quảng Thị Đặng, thôn Văn Lâm 1, xã Phước Nam, chia sẻ: Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, trong 2 ngày qua xuất hiện mưa to làm cho nhiều diện tích lúa mới xuống giống bị ngập. Ngày đầu năm mới, gia đình tôi và nhiều hộ khác tranh thủ ra đồng để tháo nước, phun thuốc phòng ngừa sâu bệnh. Tại những khu vực trồng cây màu, không khí lao động cũng sôi nổi không kém, anh Nguyễn Văn Hùng, ở thôn 3, xã Nhị Hà, phấn khởi: Với 1,2 sào cà pháo đang cho thu hoạch, gần Tết nên giá bán cũng cao hơn so với ngày thường, nhờ đó, gia đình có điều kiện đón Tết năm nay được tươm tất hơn…

Nông dân xã Phước Nam (Thuận Nam) ra đồng chăm sóc lúa đầu năm mới. Ảnh: Hồng Lâm

* Huyện núi Ninh Sơn ngay trong ngày đầu năm mới 2019, theo ghi nhận của chúng tôi, bà con nông dân trên địa bàn tất bật chăm sóc cây trồng. Tại xã Mỹ Sơn, nông dân ra đồng chăm sóc dưa hấu, khổ qua… để kịp cung cấp trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Anh Nguyễn Quốc Phượng, thôn Phú Thuỷ, xã Mỹ Sơn, chia sẻ: Vụ này gia đình sản xuất 2 sào dưa leo và khổ qua, cầu mong thời tiết thuận lợi để cây trồng đạt năng suất cao. Đồng chí Dương Đăng Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Bước sang năm 2019, ngành Nông nghiệp tiếp tục nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm; chuyển dịch cơ cấu sản xuất và cơ cấu cây trồng để nâng cao giá trị sản xuất. Cùng với đó, tập trung chỉ đạo nông dân các xã gieo cấy mùa vụ đúng lịch thời vụ, chủ động ứng phó với thiên tai, dịch bệnh, triển khai kế hoạch xây dựng mô hình cánh đồng lớn, quy mô 100 ha tại thôn Tân Lập 1 và thực hiện mô hình sản xuất lúa VietGAP 10ha tại thôn Tân Lập 2, xã Lương Sơn.

Nông dân xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) chăm sóc cây dưa leo. Ảnh: Phan Hiếu

* Tại huyện Bác Ái, nhờ những ngày qua có mưa và thời tiết mát dịu nên nông dân trên chủ động cày đất để xuống giống bắp và mỳ với tinh thần khẩn trương. Anh Katơr Pu, thôn Suối Rua, xã Phước Tiến, cho biết: Sau vụ mỳ năm 2018 thành công, đầu năm nay, gia đình tiếp tục sản xuất với diện tích 1,5 ha, với thời tiết thuận lợi như hiện nay, tin rằng cây mỳ sẽ phát triển tốt và cho năng suất cao. Trên các cánh đồng lúa trọng điểm của xã Phước Tiến, Phước Chính, Phước Đại, bà con nông dân đang tranh thủ thu hoạch lúa vụ mùa để kịp xuống giống cho vụ đông-xuân 2019. Theo ghi nhận của chúng tôi, tại đồng lúa Trà Co, xã Phước Tiến, có gần 10 ha lúa đã chín rộ được máy gặt đập liên hợp thu hoạch đồng loạt. Chị Chamaléa Thị Thơm, cho biết: Gia đình có gần 3 ha trồng lúa, mặt dù vụ mùa năng suất kém hơn các vụ khác trong năm, nhưng vẫn đạt được 4,8 tấn/ha, trừ chi phí, gia đình thu lãi gần 30 triệu đồng. Sang vụ lúa mới, gia đình tiếp tục đầu tư giống, phân bón, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng và năng suất cây trồng.

Gia đình anh Katơr Pu, thôn Suối Rua, xã Phước Tiến (Bác Ái) xuống giống cây mỳ. Ảnh: Lê Thi

* Tại huyện Ninh Phước nông dân cũng đồng loạt ra đồng sản xuất ngay những ngày đầu năm mới. Có mặt từ sáng sớm ngày 2-1, chúng tôi chứng kiến trên những cánh đồng thuộc thị trấn Phước Dân không khí lao động rất nhộn nhịp, tiếng máy gặt đập liên hợp, tiếng cười nói của bà con ai nấy đều vui tươi, hớn hở thu hoạch lúa vụ mùa. Chị Hán Thị Ấm, chia sẻ: Gia đình vừa thu hoạch xong 2 sào lúa, năm nay thời tiết không được thuận lợi vào những tháng cuối năm nhưng năng suất cũng đạt trên 6 tạ/sào, với giá bán 5.4000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, thu lãi được hơn 4 triệu đồng/ sào. Hiện tại gia đình đang chuẩn bị làm đất để xuống giống vụ đông - xuân, với tinh thần khẩn trương đảm bảo khung lịch thời vụ. Tại xã Phước Hậu, nhiều nông dân cũng ra đồng thu hoạch lúa, chăm sóc cây nho, táo. Anh Phan Thanh Thu, thôn Phước Đồng, cho biết: Ngày đầu năm cả nhà ra đồng thu hoạch cây trồng vụ mùa, chuẩn bị làm đất sản xuất vụ đông- xuân. 

* Có mặt tại cảng cá Đông Hải, (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) trong sáng sớm ngày đầu năm mới, chúng tôi ghi nhận không khí mua bán nhộn nhịp của các ngư dân. Hàng loạt tàu thuyền chuẩn bị ngư lưới cụ, kiểm tra máy móc, dự trữ lương thực, thực phẩm... rời bến tiến ra biển khơi với hy vọng một năm mới bội thu.  Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn bão số 1 nên một số tàu có công suất lớn chưa thể ra khơi. Những tàu xuất bến dịp này đa số có công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ...Thuyền vào, ngư dân bán các loại hải sản như: mực, cá thóc, cá cờ, ... được giá cao, ngư dân có thu nhập trong chuyến biển đầu năm mới, gương mặt ai cũng phấn khởi, tươi vui. Trên bến cảng tiếng cười nói rộn rã của các thương lái, đang tất bật phân loại, đóng hàng, vận chuyển các loại hải sản. Chị Nguyễn Thị Lan, chủ vựa hải sản ở cảng cá Đông Hải cho biết: Do thời tiết không thuận lợi, nên sản lượng hải sản đánh bắt cũng ít hơn, nên giá tăng khoảng 20% so với ngày thường. Để có đủ hàng cho khách, tôi tranh thủ dậy sớm, kịp đón những tàu hàng đầu tiên để thu mua”. Một năm mới lại về, ngư dân trong tỉnh hy vọng trong năm mưa thuận, gió hòa, tôm cá đầy khoang.

 

Nhộn nhịp mua bán hải sản ngày đầu năm mới tại Cảng cá Đông Hải
(Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: Mỹ Dung

* Sau những ngày nghỉ Tết Dương lịch, các doanh nghiệp trong tỉnh đều “ra quân” sản xuất đầu năm mới.

Tại Công ty TNHH TMXD và SX Nam Thành không khí sản xuất đầu năm mới hết sức sôi nổi. Ông Đoàn Đức Hồng, Phó Giám đốc công ty phấn khởi cho biết: Cùng với các giải pháp mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ, đầu tư trang thiết bị hiện đại vào sản xuất, những năm qua, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty đạt được nhiều kết quả tích cực. Thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải đạt và vượt kế hoạch tỉnh giao. Sản xuất và tiêu thụ 1.900 tấn phân bón hữu cơ vi sinh; 250 tấn phôi nhựa; đạt doanh thu 90 tỷ đồng, vượt 70% kế hoạch năm. Qua đó, tạo việc làm ổn định cho trên 300 lao động, với mức thu nhập bình quân 6,6 triệu đồng/người/tháng. Năm 2019, công ty tiếp tục tập trung các giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu đạt doanh thu trên 90 tỷ đồng và nâng thu nhập bình quân cho người lao động, với mức 7 triệu đồng/người/tháng.

Công nhân Công ty May Tiến Thuận thi đua sản xuất đón chào năm mới. Ảnh: U.T

Không khí lao động trong những ngày đầu năm mới tại Công ty TNHH May Tiến Thuận cũng rất sôi nổi. Ông Nguyễn Khắc Danh, Chủ tịch CĐCS công ty cho biết: Sau những ngày nghỉ Tết Dương lịch, 100% công nhân ao động tại các phân xưởng sản xuất, bộ phận kinh doanh của công ty đều có mặt đông đủ. Năm 2018, công ty nỗ lực thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, bảo đảm tiến độ giao hàng tạo uy tín với đối tác. Đơn vị đã gia công trên 1,7 triệu sản phẩm, đạt doanh thu 173 tỷ đồng, vượt 10% so với kế hoạch đề ra, tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động với mức bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng. Trong năm 2019, công ty phấn đấu nâng mức doanh thu và thu nhập cho người lao động từ 10-20% so với năm 2018.