Cải thiện môi trường kinh doanh: Tăng 'liều' và 'lượng'

Được đánh giá là một trong những nghị quyết dài hơi, có sức sống lâu bền, để lại dấu ấn đậm nét và thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ đang đi vào đời sống; mang lại những chuyển biến đáng kể ở các ngành, lĩnh vực gắn với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đặc biệt, những cải cách về thủ tục hành chính; cung cấp thông tin qua Cửa thông tin điện tử ở nhiều địa phương đang tạo điều kiện thuận lợi, giúp doanh nghiệp phát triển.

Liên tục trong nhiều năm, Báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới đều ghi nhận sự tiến bộ về môi trường kinh doanh của Việt Nam. Theo đó, các chỉ số về gia nhập thị trường, thành lập doanh nghiệp, cấp phép xây dựng, tiếp cận điện năng, đăng ký tài sản, đăng ký thuế...đã cải thiện đáng kể về chỉ số và xếp hạng.

"Riêng trong năm 2018 với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, việc cắt giảm, bãi bỏ điều kiện kinh doanh đã đạt mức 50%, tỉ lệ hàng hoá phải kiểm tra chuyên ngành cũng giảm còn 19,4%... Như vậy, với sự kết hợp giữa áp lực bên ngoài, chỉ đạo bên trên cùng nội tại bên trong của các bộ, ngành đã tạo nên sự thay đổi, chuyển biến. Điều này chứng tỏ những nỗ lực của Chính phủ đã đi đúng hướng" - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung đã khẳng định như vậy tại nhiều hội nghị, hội thảo bàn về các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Các xe chờ làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu Quốc tế Kim Thành (Lào Cai)
trong ngày đầu tiên của năm mới 2019. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng Ban cải cách môi trường kinh doanh, CIEM cho biết, năm 2014, Nghị quyết 19 xác định đến hết năm 2015 Việt Nam sẽ đạt ASEAN 6 trên 5 chỉ tiêu của môi trường kinh doanh theo Doing Business. Những năm sau đó, Nghị quyết 19 cũng xác định mục tiêu đạt trung bình ASEAN 4 trên 10 chỉ tiêu của Doing Business. Riêng năm 2018, đặt thêm mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh ngành logistics và du lịch.

Qua 5 năm thực hiện, thứ hạng các yếu tố môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có những thay đổi sau khi thực hiện Nghị quyết 19. Trong năm 2018, tuy môi trường kinh doanh của Việt Nam giảm 1 bậc so với 2017 nhưng 8/10 chỉ số của Việt Nam lại cải thiện về điểm tuyệt đối như khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện năng…

Từ năm 2014, điểm số môi trường kinh doanh của Việt Nam có sự cải thiện. Cụ thể, xếp hạng thứ 78 vào năm 2014; xếp thứ 90 vào năm 2015; xếp thứ 82 vào năm 2016; xếp thứ 68 vào năm 2017 và xếp thứ 69 vào năm 2018; trong đó, hiệu quả logistics được cải thiện nhiều nhất, từ xếp hạng 53 năm 2007 lên 39 năm 2018.

Bà Thảo phân tích, tuy đã có sự cải thiện nhưng Việt Nam chưa đạt được mức trung bình ASEAN 4. Riêng về cải cách điều kiện kinh doanh, thời gian qua, đã có 15 Nghị định được ban hành nhưng vẫn còn nhiều điều kiện kinh doanh không phù hợp, không cần thiết, khâu quản lý cũng chưa được cắt giảm nhiều.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, thực tế việc triển khai Nghị quyết 19 chưa đạt yêu cầu đề ra, vẫn còn nhiều thủ tục hành chính chưa được cắt giảm triệt để, gây phiền hà cho doanh nghiệp, người dân. Thời gian tới, để đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 19 theo tinh thần của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa, cắt giảm những điều kiện gây khó khăn, trở ngại cho doanh nghiệp để tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng.

Liên quan tới các thủ tục thuế, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam, ông Kenneth Atkinson cho biết, tại Việt Nam, những vướng mắc về thuế thường phát sinh do việc không thống nhất cách giải thích các luật và quy định thuế hay hải quan. Thậm chí ngay cả giữa các phòng, ban ở thành phố và các tỉnh cũng khác nhau. Bên cạnh đó, việc thiếu nhân viên thuế, hải quan dẫn đến việc thanh tra thuế thường diễn ra muộn, có thể lên tới 5 năm sau kì báo cáo. Ngoài ra, vì sai sót trong quản trị của cơ quan thuế nhưng lại áp dụng phạt hành chính lên doanh nghiệp với lỗi thanh toán chậm là thiếu công bằng.

Dây chuyền chế biến sản phẩm tôm hấp chín xuất khẩu tại nhà máy
của Công ty Cổ phần Thủy sản Minh Phú Hậu Giang (Tập đoàn Thủy sản Minh Phú)
tại Khu công nghiệp sông Hậu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Ông Mark Gillin, Trưởng Nhóm Công tác Thuế và Hải quan (Ngân hàng Thế giới) nhận định, Chính phủ Việt Nam thực sự quan tâm đến việc đổi mới môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách hành chính, thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo quan sát, còn những tồn đọng trong việc thực thi chính sách thuế và hải quan làm ảnh hưởng đến động cơ và tâm lý của các nhà đầu tư khi gia nhập thị trường hoặc mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Đây là những vấn đề được đề xuất nhiều lần, nhưng chưa được giải quyết thỏa đáng và trở thành những vướng mắc kéo dài của nhiều doanh nghiệp.

Hay nhiều bất cập khác trong ngành hải quan như đánh thuế hai lần đối với nguyên phụ liệu nhập khẩu và thuế chồng thuế; vi phạm quyền xuất khẩu tại chỗ đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; tình trạng cưỡng chế tiền phạt hành chính và chậm nộp khi mức thuế suất cao hơn bị ấn định cho hàng xuất nhập khẩu tại chỗ....

Ông Mark Gillin khuyến nghị, các doanh nghiệp đưa ra quyết định về giao dịch và đầu tư dựa vào các điều kiện có sẵn hoặc các dự đoán hợp lý trong tương lai, bao gồm cả các điều kiện về thuế. Do đó, Chính phủ cần tạo nên một môi trường kinh doanh thông thoáng, nhưng minh bạch với các chính sách về thuế, hải quan... ổn định và thống nhất.

Đồng quan điểm, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, Nghị quyết 19 cùng các chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cần tiếp tục gia tăng "liều" và "lượng". Các can thiệp trực tiếp thông qua văn bản hay hình thức giảm thuế không còn là phương thức duy nhất của Chính phủ, mặc dù chúng vẫn là các công cụ chính sách quan trọng. Thay vào đó, Chính phủ nên đóng vai trò tạo thuận lợi và dựa vào các chính sách để định hướng thị trường, thúc đẩy doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong dài hạn, các sáng kiến chính sách sẽ mang lại hiệu quả bền vững hơn các biện pháp can thiệp tài chính.

Theo Báo Tin tức - TTXVN