Phước Đại với mô hình “Cán bộ giúp dân thoát nghèo”

Nhằm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới, đầu năm 2018, xã Phước Đại (Bác Ái) triển khai mô hình “Cán bộ giúp dân xóa đói, giảm nghèo”. Qua 1 năm thực hiện, mô hình đem lại hiệu quả bước đầu, giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Xã Phước Đại có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 11.000 ha, trong đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 1.140 ha. Toàn xã có 5 thôn, với 1.138 hộ/4659 nhân khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 95%. Cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 41,58%. Trước thực trạng đó, giải “bài toán” thoát nghèo hiệu quả luôn được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm. Đầu năm 2018, xã triển khai mô hình “Cán bộ giúp dân xóa đói, giảm nghèo”, với sự tham gia của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, cán bộ thôn và các đơn vị đóng trên địa bàn nhận đỡ đầu các hộ nghèo.

Để mô hình đạt hiệu quả, xã rà soát hộ nghèo ở các thôn để phân công cán bộ phụ trách trực tiếp xuống tận gia đình nhận giúp đỡ, hướng dẫn và hỗ trợ từng tiêu chí đã được xác định, như: Hộ nghèo thiếu vốn, hộ thiếu trình độ kỹ thuật canh tác.. Từ đó, có định hướng hỗ trợ các hộ phát triển kinh tế gia đình phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Cùng với đó, xã còn tuyên tuyền, vận động nông dân thay đổi tập quán sản xuất cũ, tiếp cận các mô hình sản xuất mới để vươn lên thoát nghèo.

Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, cán bộ đã tập trung hướng dẫn các hộ kỹ thuật canh tác cây lúa, cây bắp lai, cây mỳ, chăn nuôi theo hướng tập trung. Xã tạo điều kiện cho 100% hộ nghèo được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội; đồng thời, phối hợp với ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật mới về trồng trọt và chăn nuôi. Nhờ đó, không ít hộ đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, có hiệu quả. Điển hình như hộ anh Katơr Tháo, thôn Tà Lú 1, trước đây gia đình thuộc diện hộ nghèo, được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật canh tác cây mỳ kết hợp phát triển chăn nuôi, cho thu nhập cao, nên đã thoát nghèo.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết trong quá trình thực hiện, địa phương gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự quyết tâm của cán bộ, công chức, nên sau 1 năm thực hiện mô hình bước đầu mang lại hiệu quả và được nhân dân ủng hộ. Trong số 232 hộ dân được giúp đỡ, đã có 53 hộ thoát nghèo. Đồng chí Chamaléa Ong, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Với quyết tâm của chính quyền xã, sự vào cuộc tích cực của cán bộ, công chức, các đơn vị và sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của các hộ nghèo, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 36,38%. Để chương trình đi vào chiều sâu, thời gian tới, xã tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động hơn nữa trong việc đưa cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.