Chuyển biến trong công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản

(NTO) Năm 2018, ngành chức năng trong tỉnh tăng cường công tác quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, thu được nhiều kết quả. Tình trạng thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh gây lo lắng cho người tiêu dùng vì thế đã được ngăn chặn.

Theo báo cáo, toàn tỉnh hiện có 2.214 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và các sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Với quyết tâm tạo ra môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, trong năm, ngành chức năng tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra, qua đó cấp 560 giấy xác nhận kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), 2 giấy chứng nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, 58 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATVSTP. Đối với những cơ sở chạy theo lợi nhuận sản xuất hàng kém chất lượng đều bị công khai “nêu tên, chỉ mặt” để người tiêu dùng nhận biết, xa lánh; đồng thời, yêu cầu chủ cơ sở vi phạm cam kết không sử dụng các loại hóa chất cấm trong sản xuất thực phẩm, đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch và thực hiện việc truy xuất nguồn gốc. Nổi bật cho hoạt động này là đợt thanh tra vào đầu năm đã rút giấy phép đăng ký kinh doanh của một số cơ sở vi phạm. Sau đợt thanh tra, trên địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đã hình thành các điểm bán rau sạch, thịt heo sạch; một số hộ, cơ sở sản xuất xây dựng vùng trồng nho, măng tây xanh, rau; nuôi heo, bò theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo nguồn cung ứng hàng thực phẩm sạch cho các chợ, siêu thị.

Cơ quan chức năng kiểm tra điều kiện đảm bảo ATVS thực phẩm
ở cơ sở chế biến thực phẩm trên địa bàn Tp. Phan Rang – Tháp Chàm.

Xác định làm tốt công tác quản lý chất lượng ATVSTP là góp phần giữ gìn sức khỏe cho người dân, nên được các cấp, ngành, quan tâm thực hiện có kết quả. Năm nay, ghi nhận có bước đột phá trong việc đưa ra các biện pháp quyết liệt nhằm đảm bảo nhóm sản phẩm tươi sống, các lò giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ tuân thủ quy trình sản xuất sạch. Thực hiện Đề án Xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh có 6 cơ sở được xây mới, nâng cấp, đi vào hoạt động có hiệu quả, Đặc biệt, Cơ sở giết mổ gia súc tập trung Đức Hòa ở phường Mỹ Đông (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), công suất giết mổ 200 con/ngày, đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo ra mặt hàng thực phẩm sạch. Thành công trong thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến mặt hàng thực phẩm đã giải phóng được khu giết mổ gia súc ở phường Mỹ Hương xuống cấp, gây mất vệ sinhmôi trường. Theo báo cáo, toàn tỉnh có 77 cơ sở, điểm giết mổ gia, gia cầm; trong đó, có 70 điểm nhỏ lẻ, nằm xen kẽ trong khu dân cư tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất vệ sinh. Để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát ở những điểm giết mổ không đảm bảo quy trình kỹ thuật, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch; số lượt cơ sở kiểm tra, bị xử phạt tăng 1,5 lần so với năm 2017. Thông qua kiểm tra, đơn vị chức năng lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn chủ các cơ sở giết mổ nâng cao ý thức chấp hành vệ sinh thú y.

Đồng chí Trương Văn Sa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông - lâm sản và thủy sản, cho biết: Qua các đợt thanh tra, đa phần các hộ chấp hành tốt những tiêu chí về ATVSTP, kết quả của các mẫu thực phẩm kiểm nghiệm cũng được thông báo công khai để người tiêu dùng biết. So với năm 2017, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng giảm nhiều, tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATVSTP tăng. Công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành phát huy hiệu quả do được chú trọng đầu tư tăng cường về năng lực và đổi mới phương pháp tổ chức thực hiện theo hướng kết hợp thanh tra theo kế hoạch với thanh tra đột xuất. Qua đó, đã giải quyết nhiều vấn đề bức xúc kéo dài như sử dụng chất cấm trong chế biến các mặt hàng thực phẩm. Để đảm bảo cung ứng đủ các mặt hàng thực phẩm sạch phục vụ Tết Kỷ Hợi 2019, ngành chức năng, các địa phương đã xây dựng kế hoạch thanh tra, hướng trọng tâm vào lấy mẫu thực phẩm kiểm tra chất lượng, các điều kiện đảm bảo ATVSTP tại các cơ sở chế biến hàng nông sản.