Nhìn lại thế giới 2018: Chiều hướng có lợi cho quan hệ ASEAN-Trung Quốc ở Biển Đông

Bất chấp bất đồng ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, nếu cân nhắc kỹ, có thể thấy rằng, trong năm 2018, những diễn biến tích cực tại Biển Hoa Nam (Biển Đông) nhiều hơn những diễn biến tiêu cực.

Theo mạng tin eastasiaforum.org, Văn kiện đàm phán dự thảo duy nhất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (SDNT) đã được các bộ trưởng ngoại giao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và người đồng cấp Trung Quốc chấp nhận hồi tháng 8. SDNT đưa ra những đề xuất về các lĩnh vực có thể hợp tác và các cơ chế phòng ngừa, quản lý và giải quyết tranh chấp ở Biển Đông giữa các bên.

Mặc dù SDNT là một bước tiến lớn song vẫn còn nhiều điểm gây tranh cãi, bao gồm phạm vi địa lý áp dụng Bộ Quy tắc ứng xử (COC) cuối cùng, các cơ chế giải quyết tranh chấp được ưu tiên, và chi tiết của hoạt động phát triển và khai thác tài nguyên. Thỏa thuận cuối cùng về một COC hiệu quả dường như vẫn còn xa vời.

Dù vậy, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cam kết Bắc Kinh sẽ hoàn tất các cuộc đàm phán về COC trong vòng 3 năm. Tuyên bố của chủ tịch hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 33 tháng 11 vừa qua nhấn mạnh rằng các quốc gia thành viên ASEAN hoan nghênh sự cải thiện hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc, và được khích lệ do đạt được tiến triển trong đàm phán COC về một lộ trình được các bên chấp thuận.

Những diễn biến tích cực khác bao gồm cuộc tập trận hải quân chung ASEAN-Trung Quốc vào tháng 10 và thỏa thuận khung giữa Trung Quốc và Philippines đạt được tháng 11 về vấn đề hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông. Những sự kiện này là dấu hiệu cho thấy quan hệ Trung Quốc và ASEAN đang được cải thiện.

Trung Quốc rõ ràng đang nỗ lực xây dựng lại hình ảnh của mình trong khu vực. “Nhành oliu” Trung Quốc chìa ra cho các nước láng giềng ASEAN được thể hiện rõ qua hàng loạt sáng kiến, trong đó có việc nước này đồng ý theo đuổi đàm phán về COC.

Mối quan hệ Mỹ-Trung ngày càng xấu đi trên Biển Đông là nguyên nhân chính gây bất ổn tại vùng biển nhiều tranh chấp này trong năm qua. Mỹ hiện đang tìm cách duy trì sự thống trị chiến lược đối với khu vực này, trong khi đó, Trung Quốc ngày càng tăng cường thách thức sự thống trị của Mỹ, chống lại điều mà Bắc Kinh cho là nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Tháng 3 và tháng 4 năm nay, cả Trung Quốc và Mỹ đều tiến hành các cuộc tập trận hải quân lớn ở Biển Đông. Trung Quốc đã điều động tàu sân bay và hơn 40 tàu chiến của nước này tham gia các cuộc tập trận. Trong khi đó, Mỹ huy động ba cụm tàu sân bay thực hiện các cuộc tập trận trong khu vực ở nhiều thời điểm khác nhau. Đến cuối năm, xuất hiện các tin tức về việc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã đưa ra kế hoạch thực hiện một cuộc phô trương sức mạnh lớn nhằm vào Trung Quốc. Mặc dù điều này đã không xảy ra, song hai cụm tàu sân bay tấn công đã được huy động để tập trận trong vùng biển của Philippines hồi tháng 11. Sự tập hợp sức mạnh hải quân như vậy của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương là điều hiếm khi xảy ra.

Trung Quốc tiếp tục nâng cấp các cơ sở trên các thực thể của nước này ở Biển Đông, bao gồm một cấu trúc mới trên Đá Bông Bay - khu vực từng là nơi không có người ở - thuộc quần đảo Hoàng Sa. Căng thẳng leo thang hơn nữa khi xuất hiện những tin tức về việc lắp đặt các tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa đất đối không ở 3 trong số các thực thể mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Trường Sa.

Trung Quốc cũng tiếp tục thực hiện nhiều hành động mạnh mẽ khác nhằm củng cố những tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Tháng 4/2018, các tàu bảo vệ bờ biển của Trung Quốc đã xua đuổi các tàu đánh cá của Việt Nam ở khu vực gần đảo Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa, đâm và làm chìm một trong số các tàu cá này. Tháng 5-2018, một tàu hải quân của Philippines đã bị hai tàu của Trung Quốc quấy rối khi đang thực hiện nhiệm vụ cung ứng cho một tàu hải quân Philippines bị mắc cạn ở bãi Cỏ Mây.

Trong khi đó, Mỹ tiếp tục chương trình hoạt động duy trì tự do hàng hải (FONOP) của nước này bên ngoài các thực thể mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, với 4 chiến dịch (tính đến nay) trong năm 2018. Tháng 9-2018, trong một sự kiện đáng thu hút sự quan tâm nhất trong năm, một tàu khu trục của Trung Quốc đã áp sát tàu khu trục USS Decatur của Mỹ, được cho là nhằm mục đích buộc tàu khu trục của Mỹ phải đổi hướng. Tàu khu trục Decatur khi đó đang thực hiện một hoạt động FONOP trong phạm vi 12 dặm hải lý của bãi Ga Ven và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa.

Anh cũng tham gia vào “cuộc chơi” FONOP hồi tháng 8 khi tàu đổ bộ HMS Albion của nước này đi qua các vùng lãnh hải mà Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Mục đích của hoạt động này dường như là nhằm thách thức việc Trung Quốc muốn “ôm trọn” quần đảo Hoàng Sa trong “Đường 9 đoạn” - điều đi ngược lại luật pháp quốc tế.

Mặc dù hoạt động FONOP của tàu Albion đã dẫn tới sự phản ứng mạnh mẽ - vốn đã được dự đoán từ trước - từ phía Trung Quốc, song đây chỉ là một chiến dịch “mềm” so với phần lớn các hoạt động FONOP của Mỹ ở Biển Đông. Tháng 5-2018, hai tàu chiến của Mỹ đi lại trong phạm vi 12 dặm hải lý của nhiều đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, trong khí đó, báo chí đưa tin tằng tàu Albion của Anh không đi vào khu vực thuộc phạm vi 12 dặm hải lý của bất kỳ đảo nào.

Chưa rõ liệu hoạt động FONOP của các quốc gia ngoài khu vực nhằm thách thức Trung Quốc ở Biển Đông có phục vụ mục đích hữu ích nào hay không. Trên thực tế, các hoạt động này có thể đang gây bất ổn cho tình hình có vẻ như ngày càng ổn định tại Biển Đông. FONOP làm gia tăng căng thẳng và sự ngờ vực, từ đó cản trở việc quản lý hiệu quả Biển Đông và các hoạt động diễn ra tại khu vực này. Như Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad từng nói hồi tháng 6-2018: “Tôi nghĩ rằng không nên có quá nhiều tàu chiến. Tàu chiến gây ra căng thẳng”.

Thách thức lớn nhất trong năm 2019 sẽ là duy trì đà của các cuộc đàm phán COC. Đó là trách nhiệm của cả ASEAN và Trung Quốc. Còn đối với các quốc gia ngoài khu vực, họ nên kiềm chế hơn và để các nước trong khu vực tự chăm lo “sân sau” của mình.