Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường mầm non

(NTO) Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 90 trường và cơ sở giáo dục mầm non có bếp ăn tập thể tại trường. Ở lứa tuổi mầm non, các em chưa có ý thức tự bảo vệ sức khỏe cho mình, vì vậy, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) ở bếp ăn tập thể trong các trường mầm non là rất cần thiết.

Chúng tôi đến Trường Mầm non Hoa Sen (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) vào đúng lúc học sinh chuẩn bị ăn trưa. Theo ghi nhận, ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng bữa ăn, bảo đảm chế độ dinh dưỡng cho học sinh, nhà trường cũng luôn quan tâm thực hiện tốt công tác ATVSTP. Khu bếp ăn tập thể được đầu tư xây dựng khang trang theo mô hình một chiều có đường vào, ra riêng nhằm tránh tình trạng thực phẩm bị ô nhiễm chéo. Nguồn thực phẩm được nhà trường lựa chọn từ những cơ sở đầu mối có uy tín và ký hợp đồng cam kết để ràng buộc trách nhiệm. Bếp ăn đều có sổ sách ghi chép theo hướng dẫn và lưu giữ các mẫu thức ăn đề phòng tình trạng ngộ độc thực phẩm. Nguồn nước sử dụng chế biến thức ăn cũng như dùng cho sinh hoạt của cô giáo và các cháu đều là nước máy, đạt tiêu chuẩn y tế. Bà Nguyễn Thị Cúc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thời tiết giao mùa kéo theo nhiều dịch bệnh, do đó nhà trường càng tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh cho trẻ, đặc biệt là đảm bảo ATVSTP. Không chỉ thực phẩm đảm bảo an toàn, việc chế biến thức ăn, quá trình bảo quản thực phẩm đều phải tuân thủ theo quy trình. Nhà trường thường xuyên tổ chức tổng vệ sinh từ khu vực bếp đến phòng học; theo dõi sức khỏe của các cháu, đồng thời trực tiếp tuyên truyền, trao đổi với phụ huynh để cùng giữ vệ sinh, bảo vệ sức khỏe cho các cháu.

Giờ ăn trưa của các cháu Trường Mầm non Hoa Sen.

Là người mẹ có con mới đi học ở trường mầm non năm đầu tiên, chị Nguyễn Thị Hiền, phường Mỹ Bình (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) luôn lo lắng về chế độ ăn uống của con có đủ chất, có đảm bảo vệ sinh không? Nhận thấy tâm lý chung của phụ huynh nên ngoài việc công khai mọi khoản chi tiêu, đóng góp, khẩu phần ăn, thực đơn từng ngày của các bé, Trường Mẫu giáo Ninh Hải luôn chú trọng công tác giữ gìn ATVSTP cho trẻ. Từ việc lựa chọn nguyên liệu thực phẩm, sơ chế, chế biến đều được kiểm soát chặt chẽ; sử dụng nguồn nước sạch để sinh hoạt; thường xuyên vệ sinh bếp, xây dựng cảnh quan môi trường sạch sẽ, thoáng mát và an toàn. Đội ngũ nhân viên làm bếp cũng như giáo viên của trường thường xuyên được tập huấn kiến thức, kỹ năng để đảm bảo ATVSTP trong các bữa ăn. Nhờ quản lý chặt chẽ công tác ATVSTP, nhiều năm qua, nhà trường chưa xảy ra trường hợp bị ngộ độc thực phẩm.

Đảm bảo ATVSTP tại các trường mầm non là mối quan tâm không chỉ của các bậc phụ huynh mà còn của toàn xã hội. Do đó, để làm tốt công tác này, ngay đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường, cơ sở mầm non trong tỉnh thực hiện nghiêm túc văn bản quy định của ngành về đảm bảo ATVSTP. Theo đó, các trường có bếp ăn tập thể phải đảm bảo nguồn gốc thực phẩm rõ ràng, có ký kết hợp đồng ràng buộc trách nhiệm với các đơn vị cung cấp; có lưu mẫu thức ăn trong vòng 24 giờ; đội ngũ nhân viên làm bếp, cấp dưỡng phải được tập huấn kiến thức về ATVSTP và được khám sức khỏe định kỳ; đưa kiến thức về dinh dưỡng, ATVSTP lồng ghép trong các buổi học, treo tranh ảnh, tờ bướm, áp-phích về ATVSTP tại các bảng tin, góc tuyên truyền của nhà trường,…để phụ huynh học sinh cùng có trách nhiệm quan tâm đến sức khỏe của trẻ.

Tuy nhiên, do điều kiện khó khăn, một số cơ sở giáo dục chưa xây dựng bếp ăn đúng chuẩn, đúng quy cách mà đa số tận dụng các phòng học để làm bếp ăn. Hầu hết các trường đều chưa có nhà ăn riêng, phải ăn cơm tại lớp, sau khi học sinh ăn trưa các cháu lại nằm ngủ ngay trên bàn (vừa là bàn học, bàn ăn, chỗ ngủ trưa) nên vẫn chưa đảm bảo ATVSTP theo quy định…

Thiết nghĩ để hạn chế thấp nhất tình trạng ngộ độc thực phẩm, mất ATVSTP các nhà trường cần tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng những bếp ăn đạt tiêu chuẩn. Đồng thời, ngành Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức thực hiện ATVSTP trong các trường, tăng cường công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất với những cơ sở chế biến, cung cấp thực phẩm, các bếp ăn trong trường học, từ đó kịp thời nhắc nhở, có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các cơ sở vi phạm.