Băn khoăn chuyện chọn nghề

Thời gian nộp hồ sơ dự thi Đại học, Cao đẳng đang đến gần, và đây là thời điểm mà nhiều phụ huynh, học sinh đang băn khoăn trong việc lựa chọn ngành học, trường học dự thi.

Việc lựa chọn ấy không chỉ là ước mơ, sở thích hay dựa vào năng lực của mỗi học sinh mà đôi khi còn là mong muốn, nguyện vọng thậm chí là sự áp đặt của cha mẹ.

Thiếu thông tin về các trường và ngành học

Đây là thực trạng chung mà hầu hết học sinh lớp 12 ở tỉnh ta đang gặp phải hiện nay. Theo thăm dò của chúng tôi, đến 90% học sinh được hỏi đều trả lời nhu cầu tư vấn cần thiết nhất lúc này là thông tin cụ thể về các ngành học, trường học… Phạm Quang A., học sinh Trường THPT Chu Văn An cho biết: Em muốn làm việc trong môi trường kinh doanh, ngân hàng. Em học giỏi Toán, Lý… nhưng cụ thể chưa biết nên chọn ngành gì và trường nào để vừa hợp với sức học của mình, đồng thời có thể thực hiện được ước mơ.

Giờ thực hành của học viên Trường Trung cấp Nghề. Ảnh: Văn Miên.

Đáp ứng nguyện vọng này của học sinh, nhiều trường Đại học đã phối hợp với các Đoàn trường THPT tổ chức ngày hội hướng nghiệp, tư vấn lựa chọn ngành nghề cho học sinh. Tuy nhiên, những buổi tư vấn như vậy chưa đáp ứng được nhu cầu đa số của học sinh. Bởi nó chỉ mang tính quảng bá về chính trường đến tư vấn, còn thông tin về các ngành khác, trường khác thì các em không được giải đáp chính xác.

Một thực tế cho thấy, là rất nhiều học sinh đỗ đại học, lên giảng đường rồi mới vỡ lẽ ra về ngành học của mình. Bởi khi đăng ký dự thi các em chỉ “tưởng tượng” và nhầm lẫn qua những cái tên như: Quản trị kinh doanh, SP Công nghệ, Kinh tế chính trị…, thậm chí nhiều em khi đăng ký ngành học nhưng chưa biết rõ là tốt nghiệp chuyên ngành đó mình sẽ làm những công việc gì.

Chọn được ngành học rồi,việc chọn trường cũng rất quan trọng. Điều này phụ thuộc vào khả năng (điểm chuẩn của các trường khác nhau), kinh tế (học phí) và quan trọng là cả học sinh và phụ huynh đều muốn biết cách dạy, cách học, chất lượng đào tạo của trường mà mình muốn thi vào. Hiện nay, những thông tin này còn rất ít, ngay cả trên mạng internet cũng rất hiếm có trường nào cung cấp cụ thể, đầy đủ.

Ước mơ nhưng thiếu tự tin vào năng lực

Đây cũng là điều mà rất nhiều học sinh gặp phải, nhất là với nhiều học sinh ở các vùng nông thôn, miền núi, điều kiện học tập không được đầy đủ và tốt. Em Thảo Nguyên, học sinh lớp 12 ở huyện Ninh Phước tâm sự: Em muốn thi vào ngành Sư phạm tiếng Anh, nhưng không tự tin lắm vào năng lực vì ở đây em có thể giỏi nhất trường, nhưng so với các bạn học sinh trường chuyên, các thành phố có điều kiện tốt hơn thì chắc chắn còn thua xa, khả năng đỗ của em rất thấp… Em Mỹ Linh, ở xã Phước Hà, huyện Thuận Nam cũng có một ước mơ ấp ủ từ bé là được trở thành một nhà ngoại giao. Thế nhưng em rất thiếu tự tin, đơn giản vì em chưa có được một chút thông tin gì về việc ngành này: sẽ học ở đâu, trường gì?... Chỉ biết là ai cũng nói: “Khó lắm”!

Hầu hết các ngành học đều có cả hệ đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp. Vì vậy, “cánh cửa ước mơ” sẽ không hoàn toàn đóng lại với tất cả học sinh xét thấy mình không đủ năng lực đỗ đại học. Với những em có được thông tin chính xác, nhiều bạn đã chuẩn bị rất tốt tâm lý, kiến thức… quyết định đi đường vòng, chậm nhưng chắc chắn.

Lựa chọn theo quyết định của gia đình

Trong khi bạn bè cùng khóa đang băn khoăn trong việc lựa chọn ngành học, trường học dự thi, thì Nguyễn Thanh Thảo, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn lại ngồi im. Thảo nói: “Nhiều khi em cũng muốn được suy nghĩ, lựa chọn như các bạn, nhưng ba mẹ và anh trai em đã quyết định giúp em rồi. Lý do ba mẹ em chọn là ngành dễ xin việc và trường đó có anh trai em đang học, sẽ thuận lợi và cũng đỡ tốn kém hơn”. Thảo vẫn may mắn hơn nhiều học sinh khác bởi ngành mà ba mẹ chọn phù hợp với khả năng và khối thi em đang học. Thực tế, có rất nhiều học sinh giỏi Văn, Sử, Địa nhưng ba mẹ lại bắt thi khối A, B, Không ít em thích học các ngành Kinh tế nhưng gia đình muốn thi Sư phạm cho đúng truyền thống gia đình. Nhiều cha mẹ còn bắt con phải thi vào trường đại học hay cao đẳng có anh, chị đang theo học, hoặc chọn trường ở những tỉnh, thành phố có người quen cho tiết kiệm chi tiêu. Về mặt nào đó, quyết định này cũng hợp lý nhưng sẽ bất cập khi con em họ không thích, hay không đủ khả năng thi vào ngành học, trường học đó.

Được tư vấn, cung cấp thông tin đầy đủ và được lựa chọn đúng ngành học, trường học theo sở thích, đó là nguyện vọng của hầu hết các học sinh lớp 12 hiện nay. Chỉ có chính bản thân học sinh mới có thể biết chính xác lực học và khả năng của mình. Thay vì áp đặt, ép buộc, các phụ huynh chỉ nên gợi ý, tạo tâm lý thoải mái cho con em mình. Gia đình, nhà trường nên cùng phối hợp để định hướng cho các em. Tránh tình trạng nhiều em coi việc đi thi đại học như một chuyến đi chơi xa, du lịch “đi cho biết, thi cho biết”.