Tin thế giới

* Trung Quốc phản ứng việc Nhật Bản cấm sử dụng sản phẩm của Huawei và ZTE.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 7-12 bày tỏ đặc biệt lo ngại về thông tin Nhật Bản có kế hoạch cấm các cơ quan chính phủ mua thiết bị của hai tập đoàn công nghệ viễn thông của Trung Quốc là Huawei và ZTE.

Trước đó cùng ngày, Nhật Bản đề xuất lệnh cấm các quan chức chính phủ sử dụng các sản phẩm viễn thông của Huawei và ZTE do lo ngại vấn đề an ninh mạng. Ngoài ra, các sản phẩm khác được sản xuất trong nước nhưng sử dụng linh kiện do Huawei và ZTE chế tạo cũng bị cấm sử dụng.

Động thái của Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh cựu Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu vừa bị bắt giữ tại Canada và đang phải đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ với cáo buộc vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống Iran. Vụ việc này đã khiến Chính phủ Trung Quốc phản ứng giận dữ.

Năm 2017, ZTE đã suýt sụp đổ sau khi Washington cấm các công ty Mỹ bán phần mềm quan trọng hoặc các thiết bị phần mềm cho tập đoàn này trong 7 năm. Tuy nhiên, lệnh cấm đã được hủy bỏ sau khi ZTE chấp nhận nộp phạt 1 tỷ USD.

* OPEC nhất trí cắt giảm sản lượng dầu.

Ngày 6-12, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã nhất trí một cách khiên cưỡng cắt giảm sản lượng dầu song chưa đưa ra được mức cắt giảm cụ thể.

Khoảng 20 Bộ trưởng dầu mỏ của các nước OPEC và ngoài OPEC đang có mặt ở Vienna để tham dự hội nghị kéo dài 2 ngày nhằm thảo luận cách đối phó với giá dầu lao dốc trong 2 tháng qua. Các bên tham gia sẽ xem xét đề nghị cắt giảm sản lượng dầu khai thác 1 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2019.

Hôm 3-12, Qatar thông báo rút khỏi OPEC vào tháng 1-2019 để tập trung sản xuất khí đốt. Giới đầu tư lo ngại quyết định này của Qatar có thể ảnh hưởng đến hoạch định chính sách dầu mỏ toàn cầu.

* Hạ viện Australia thông qua Dự luật An ninh mạng.

Ngày 6-12, Hạ viện Australia đã thông qua Dự luật an ninh mạng cho phép cơ quan chức năng nước này được tiếp cận thông tin liên lạc được mã hóa của các đối tượng tình nghi là khủng bố và tội phạm.

Đạo luật bao gồm các điều khoản cho phép chính quyền Canberra có thể buộc các nhà cung cấp dịch vụ mạng nội địa và quốc tế, bao gồm các tập đoàn nước ngoài như Facebook và WhatsApp, gỡ bỏ các biện pháp bảo vệ điện tử và giúp các cơ quan này tiếp cận các thiết bị hoặc các dịch vụ.

Theo dự luật trên, nhà chức trách Australia có thể phạt tới 7,3 triệu USD đối với các thực thể và bỏ tù các cá nhân không giao nộp thông tin dữ liệu liên quan tới các hoạt động tình nghi trái phép.