Ủy ban nhân dân tỉnh họp nghe báo cáo Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030

(NTO) Ngày 7-12, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp nghe báo cáo Đề án Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tỉnh giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030.

Tại cuộc họp, đại diện đơn vị tư vấn báo cáo Dự thảo Đề án chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” tỉnh giai đoạn 2018-2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, giai đoạn 2018-2020 tỉnh ta sẽ thực hiện nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại 12 sản phẩm trong danh sách sản phẩm đặc thù của tỉnh đã được công nhận, trong đó nâng cao giá trị ít nhất 5 sản phẩm (dự kiến nho tươi, táo tươi, tỏi, măng tây xanh, nước mắm) có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP quốc gia. Giai đoạn 2021- 2030 đưa chương trình OCOP đi vào chiều sâu, gắn phát triển nông nghiệp với các ngành kinh tế khác, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển tiêu chuẩn hóa ít nhất 30% số sản phẩm hiện có (từ 30-40 sản phẩm), tập trung vào các sản phẩm đặc thù, chủ lực và sản phẩm tiềm năng của tỉnh; triển khai thực hiện phát triển ít nhất 3 làng nghề du lịch (làng gốm Bàu Trúc, làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, làng nghề chế biến nước mắm Cà Ná). Phát triển các điểm du lịch sinh thái như: Du lịch tham quan vườn nho Thái An, Phước Thuận, Mỹ Sơn; du lịch vườn trái cây Lâm Sơn; du lịch Bàu sen Bàu Xít; du lịch sinh thái Homestay Ninh Hải, Bác Ái; triển khai phát triển 5 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh gắn với hoạt động du lịch tại tỉnh…

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Chương trình OCOP có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh, chương trình phải hướng đến mục tiêu phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm đặc thù của tỉnh, hình thành chuỗi giá trị, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân. Thời gian đến, đồng chí đề nghị tiếp tục hoàn chỉnh Đề án Chương trình OCOP tỉnh, trong đó bổ sung các văn bản của Trung ương và của tỉnh liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thể hiện rõ vai trò, lợi ích của người sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp khi tham gia chương trình. Các sở, ngành liên quan tiếp thu, nghiên cứu dự thảo đề án, có văn bản góp ý gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, thẩm định sau đó trình UBND tỉnh phê duyệt.