Hội thảo khoa học quốc tế bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm

(NTO) Ngày 9-12, tại Khách sạn Sài Gòn- Ninh Chữ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm.

Đến dự và chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Thị Bích Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; PGS.TS Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Việt Nam. Đến dự còn có đồng chí Nguyễn Minh Trứ, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và trên 100 đại biểu là các nhà khoa học trong và ngoài nước, nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc.

Đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội thảo. Ảnh: V.M

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Làng Chăm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) có truyền thống sản xuất gốm lâu đời và tiêu biểu không chỉ ở Việt Nam mà cả ở khu vực Đông Nam Á. Gốm Chăm Bàu Trúc tiêu biểu bởi sản phẩm gốm được chế tác hoàn toàn thủ công, nắn bằng tay không bàn xoay. Sau khi chế tác được nung lộ thiên cho ra những sản phẩm gốm độc đáo, mang tính độc bản cao với những nét đặc trưng văn hoá Chăm không lẫn với sản phẩm gốm ở nơi khác. Với mong muốn bảo tồn và phát huy hiệu quả nghề sản xuất gốm và nghệ thuật làm gốm của người Chăm, UBND tỉnh Ninh Thuận được sự đồng thuận và phối hợp chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác xây dựng hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” đề nghị UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

 Các nhà khoa học xem nghệ nhân Chăm Bàu Trúc chế tác gốm bằng tay không dùng bàn xoay. Ảnh: S.Ngọc

Ban Tổ chức hội thảo nhận được 65 tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài nước về bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm. Trong đó có trên 20 nhà khoa học trình bày tham luận tại hội thảo gồm các chuyên đề: Quá trình phát triển và giá trị tiêu biểu của nghệ thuật làm gốm thủ công truyền thống của người Chăm; Mối quan hệ của gốm Chăm với các trung tâm gốm ở Việt Nam và thế giới; Hiện trạng di sản gốm Chăm - sự cần thiết và biện pháp bảo vệ khẩn cấp, kinh nghiệm từ một số làng nghề trên thế giới…

Phát biểu kết luận Hội thảo, PGS.TS Đặng Hữu Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa Việt Nam ghi nhận tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài nước đã góp phần quan trọng làm nên sự thành công của hội thảo. Hội đồng Di sản văn hóa Việt Nam tiếp thu ý kiến đóng góp của các nhà khoa học để xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm” vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

 Các nhà khoa học xem trưng bày gốm Chăm tại Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm. Ảnh: S.Ngọc

* Trước đó, các nhà khoa học đến tham quan, nghiên cứu nghệ thuật chế tác gốm của đồng bào Chăm làng Bàu Trúc và xem trưng bày bộ sưu tập trên 350 hiện vật gồm các dòng gốm Chăm của nhà sưu tầm tư nhân Thái Hùng Lâm được tổ chức tại Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm.