Phiên thảo luận, chất vấn phản ánh được nhiều kiến nghị, trăn trở của cử tri

Ngày 6-12, Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa X họp phiên thảo luận, chất vấn và giải trình, dưới sự điều hành của đồng chí Trần Minh Lực, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Mở đầu phiên họp, đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lần lượt trả lời các nhóm vấn đề theo thứ tự mà đại biểu và cử tri trong tỉnh quan tâm.

Theo đó, đối với nhóm vấn đề mà đại biểu Thái Văn Lai, Phó trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh nêu liên quan chỉ tiêu tỷ lệ che phủ rừng đạt 46% trong năm 2019 liệu có khả thi?. Vấn đề này, đồng chí Trịnh Minh Hoàng cho biết, sau khi kiểm kê Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký quyết định công nhận tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh là 42,7% và thực tế qua kiểm kê trong năm 2018 tổng độ che phủ rừng đã tăng 6%. Bên cạnh đó, theo quyết định mới của Luật Lâm nghiệp, trong năm 2019, diện tích trồng rừng của các dự án được phân bổ 12.470 ha, còn tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra đến năm 2020 đạt tỷ lệ tăng độ che phủ rừng 50%, do vậy việc điều chỉnh tăng tỷ lệ độ che phủ rừng từ 43% như hiện nay lên 46,3% là có cơ sở. Đối với nội dung câu hỏi liên quan tình trạng đánh bắt hải sản sử dụng thuốc nổ gây hủy diệt môi trường biển mà đại biểu Bá Bình Yên, Phó Chủ tịch HĐND huyện Thuận Nam nêu, đồng chí Trịnh Minh Hoàng cho biết, đơn vị sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu và cử tri để phối hợp các ngành, địa phương có hướng giải quyết phù hợp, nhằm ngăn chặn kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác.

Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận, chất vấn. Ảnh: V.Thanh

Liên quan đến việc xây dựng nông thôn mới tại một số địa phương chững lại mà đại biểu Thái Văn Lai phản ánh, đồng chí Trịnh Minh Hoàng thông tin thêm: Trong 17 xã nông thôn mới của tỉnh, so với bộ tiêu chí mới thì chỉ có 1 xã Cà Ná đạt 19/19 tiêu chí. Nguyên nhân việc xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh bị chửng lại là do nguồn lực của tỉnh thấp và sức đóng góp của người dân cũng đạt thấp so với các tỉnh, bên cạnh đó sự vào cuộc của hệ thống chính trị chưa thật sự quyết liệt. Để đảm bảo mục tiêu xây dựng NTM đúng lộ trình đề ra, theo đồng chí Trịnh Minh Hoàng, ngoài nguồn lực đầu tư của nhà nước, các xã cần phối hợp cùng các sở, ngành rà soát lại quy hoạch, đề án xây dựng NTM và tập trung huy động nguồn lực từ nhân dân để đầu tư cho các tiêu chí đạt thấp, còn khó khăn... Riêng vấn đề liên quan đến Dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và sản xuất Quán Thẻ mà cử tri phản ánh, đồng chí Trịnh Minh Hoàng cho biết, hiện nay ngành Nông nghiệp đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh dự án theo quy định hiện hành trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, phê duyệt điều chỉnh dự án, dự kiến chậm nhất đến cuối tháng 12 -2018 bàn giao dự án.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Kiều Như Bổn, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh liên quan việc chuyển đổi cây trồng chưa thật sự bền vững, đồng chí Trịnh Minh Hoàng nêu rõ: Từ năm 2016 đến nay toàn tỉnh chuyển đổi cây trồng được 5.010 ha, đạt 107% so với kế hoạch. Về lâu dài sẽ chuyển đổi các loại cây lâu năm, riêng trong 3 năm qua đã thực hiện hơn 1.000 ha cây ăn quả dài ngày và hơn 4.000 ha cây ngắn ngày, qua đó tiết kiệm nước tưới được từ 40- 60% và hiệu quả đạt từ 8 – 18% so với cây lúa. Tuy nhiên, hiện nay một số nơi, việc thực hiện chuyển đổi cây trồng còn mang tính tự phát chưa gắn với doanh nghiệp để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm. Giải pháp của ngành trong thời gian tới là xây dựng liên kết giữa địa phương, nhà nông và doanh nghiệp để tạo thành các chuỗi giá trị. Tích cực chuyển đổi những vùng khó khăn về nước sang trồng các loại cây phù hợp, gắn với đánh giá chỉ tiêu hoàn thành nhiệm vụ của từng địa phương để có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Tiếp đó, đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Văn Lợi, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách liên quan đến việc tiếp cận cuộc Cách mạng 4.0 trên địa bàn. Theo đồng chí Lê Kim Hùng, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang triển khai ứng dụng xây dựng Chính phủ điện tử và sẽ có dự án triển khai trong năm 2019. Riêng dự án thương mại điện tử đã được Sở Công Thương tập huấn cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Trong năm 2019 và những năm tiếp theo, đơn vị tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo, giao trách nhiệm cụ thể của từng tổ chức, cá nhân để giám sát việc triển khai thực hiện; đồng thời xây dựng kế hoạch để nâng cao năng lực ứng dụng khoa học kỹ thuật trên địa bàn tỉnh, do vậy việc đánh giá tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng 4.0 như báo cáo nêu là phù hợp.

Về nội dung chất vấn của các đại biểu Thái Văn Lai, Phó Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh và Bá Bình Yên, Phó Chủ tịch HĐND huyện Thuận Nam yêu cầu người đứng đầu Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết giải pháp duy trì trường đạt chuẩn quốc gia và vấn đề các trường tiểu học ở vùng nông thôn thiếu giáo viên dạy ngoại ngữ. Vấn đề này, đồng chí Nguyễn Bá Ninh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin thêm để đại biểu và cử tri biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 122 trường học đã triển khai học tiếng Anh từ lớp 3, tuy nhiên ngành đang thực hiện theo hình thức xã hội hóa, vì theo quy định học tiếng Anh ở cấp tiểu học là chưa bắt buộc. Riêng các trường tiểu học trên địa bàn Tp.Phan Rang – Tháp Chàm đang tổ chức dạy tiếng Anh cho cấp tiểu học là do thực tế địa phương đang có 34 biên chế giáo viên dạy tiếng Anh, còn các trường tiểu học ở vùng nông thôn thiếu giáo viên dạy tiếng Anh sau khi sắp xếp nên muốn học môn ngoại ngữ, phụ huynh học sinh phải đóng tiền để trả tiền lương cho các giáo viên dạy hợp đồng của nhà trường.

Đối với ý kiến của các đại biểu: Trần Văn Đông, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh và Trần Đỗ Oanh, Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh liên quan đến chỉ tiêu tăng trưởng của ngành Công nghiệp trong năm 2019; ý kiến đại biểu Lê Đình Cẩn, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh liên quan tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy, nhất là ma túy tổng hợp ngày càng tăng cao; ý kiến đại biểu Tô Ngọc Phương, Phó Ban Pháp chế HĐND tỉnh liên quan đến việc lưu trữ hồ sơ địa chính trên địa bàn… Với tinh thần thẳng thắn và trách nhiệm cao, tại phiên họp các đồng chí: Phạm Đăng Thành, Giám đốc Sở Công Thương; Huỳnh Cầm, Phó Giám đốc Công an tỉnh; Hà Anh Quang, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Bùi Anh Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã giải trình làm rõ thực trạng, khó khăn từng vấn đề. Đồng thời, cho biết những giải pháp sẽ tập trung chỉ đạo với từng nội dung cụ thể cũng như quyết tâm mạnh mẽ để thực hiện tốt việc giám sát, triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận phiên chất vấn, đồng chí Trần Minh Lực, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm của các đại biểu đã đặt câu hỏi cụ thể, sát thực tế theo tinh thần đổi mới trong hoạt động chất vấn, phản ánh được những ý kiến, trăn trở, bức xúc của cử tri. Việc trả lời chất vấn của lãnh đạo các sở, ngành đúng chức năng, nhiệm vụ, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, đi thẳng vào vấn đề cử tri quan tâm. Đồng chí yêu cầu các đại biểu nghiêm túc tiếp thu tinh thần trả lời của các đơn vị để có cơ sở tuyên truyền, giải thích lại cho cử tri rõ, hiểu đúng, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Kết thúc phiên thảo luận, chất vấn và giải trình, các đại biểu nghe đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu làm rõ một số kết quả công tác chỉ đạo, điều hành đạt được đã tạo chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2018. Đồng thời, thông tin thêm để đại biểu và cử tri rõ việc UBND tỉnh tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm: Đập hạ lưu Sông Dinh, hồ chứa nước Sông Than, Dự án Môi trường bền vững các thành phố Duyên Hải – Tiểu dự án Tp.Phan Rang – Tháp Chàm; công tác thu hút các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển các dự án từ nguồn vốn ODA, vốn viện trợ phi chính phủ...

Về nhiệm vụ năm 2019, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, đây là năm có ý nghĩa quan trọng, quyết định việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020, do vậy các sở, ngành, địa phương cần phải tận dụng đà phát triển năm 2018 để xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2019 toàn diện, hướng đến đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng đề ra cho năm tới và cả nhiệm kỳ. Để thực hiện hiệu quả các yêu cầu, nhiệm vụ trên, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện tốt 6 nhóm nhiệm vụ và 6 nhóm giải pháp trọng tâm đã được UBND tỉnh đề ra, với quyết tâm phấn đấu cao nhất để thực hiện đạt, vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Chính phủ và HĐND tỉnh giao.