Cơ hội để hóa giải căng thẳng thương mại Mỹ - Trung

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tới đây ở thủ đô Buenos Aires của Argentina vào ngày 30-11 và 1-12-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây được cho là cơ hội để hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc giải quyết những căng thẳng về thương mại giữa hai nước.

"Bóng ma" căng thẳng thương mại

Cuộc gặp thượng đỉnh song phương Mỹ-Trung sắp tới diễn ra trong bối cảnh xung đột thương mại hai nước tiếp tục leo thang căng thẳng thời gian gần đây và chưa có dấu hiệu nhượng bộ của các bên.

Trong hơn 3 tháng qua, Mỹ và Trung Quốc đã liên tiếp triển khai 3 gói áp thuế vào hàng hóa nhập khẩu của nhau và nâng quy mô áp thuế của các bên lên tới 360 tỷ USD với mức áp thuế bổ sung từ 5-25%. Mới đây, Tổng thống Mỹ Trump cảnh báo nếu các cuộc đàm phán trong cuộc gặp sắp tới giữa ông và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị G20 thất bại, ông sẽ áp đặt mức thuế quan 10% hoặc 25% lên gói hàng hóa trị giá 267 tỷ USD còn lại của Trung Quốc. Theo đó, các mức thuế mới sẽ được áp dụng cho các mặt hàng như máy tính xách tay, điện thoại di động iPhones của hãng Apple được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã thực nghiệm mô phỏng trên mô hình máy tính của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và của chính ECB, đặt ra trường hợp Mỹ áp đặt mức thuế 10% trên tất cả các hàng hóa nhập khẩu, các nước bị áp thuế có các biện pháp trả đũa tương ứng. Kết quả cho thấy tỷ lệ tăng trưởng của Mỹ sẽ giảm 2% trong năm đầu của cuộc chiến thương mại, chi tiêu của các hộ gia đình Mỹ sẽ tăng lên, các doanh nghiệp giảm đầu tư và cắt giảm biên chế. Nghiên cứu chỉ ra rằng mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ giảm nhưng Trung Quốc có thể chuyển hướng xuất khẩu sang các nước khác, qua đó sẽ giảm nhập khẩu từ Mỹ của các nước này.

Về phía Trung Quốc, ngày 1-10 vừa qua, lần đầu tiên kể từ khi xảy ra căng thẳng thương mại với Mỹ từ đầu mùa Hè 2018, lãnh đạo Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về sự suy giảm trong phát triển kinh tế đất nước. Theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mặc dù xét về tổng thể, tình hình kinh tế Trung Quốc ổn định, song sự thiếu ổn định đã tăng lên rõ rệt trong sự phát triển của nền kinh tế nước này và các công ty đang phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn. Trung Quốc đang đánh mất đà tăng trưởng vì phải đối mặt với cuộc chiến thương mại với Mỹ, gia tăng các khoản nợ lớn và đồng nội tệ giảm giá. Đồng Nhân dân tệ hồi cuối tháng 10 sụt xuống mức 6,96 NDT/1 USD, gần sát mức 7 NDT/1USD và là mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ trong tháng 10 yếu hơn dự kiến do sụt giảm mạnh về nhu cầu xuất khẩu. Cùng với đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc sụt giảm mạnh.

Không chỉ gây tổn hại cho cả Mỹ và Trung Quốc, các chuyên gia phân tích cũng đưa ra nhận định những tranh cãi thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng làm rung chuyển các thị trường tài chính và phủ bóng đen lên nền kinh tế toàn cầu.

Theo giới chuyên gia, một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - có thể sẽ khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, vốn vừa có dấu hiệu phục hồi sẽ suy giảm trở lại. Cụ thể, nếu bùng phát cuộc chiến thương mại áp dụng các biện pháp trừng phạt về thuế lẫn nhau giữa Mỹ với các nước Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Canada, Mexico, Hàn Quốc thì ước tính trong khoảng thời gian 5 năm (từ 2019-2023), tốc độ tăng trưởng sẽ giảm 2,7% so với trường hợp không xảy ra cuộc chiến thương mại.

Trong khi đó, đánh giá về nguy cơ mà xung đột thương mại Mỹ-Trung gây ra, các chuyên gia phân tích bình luận nếu xu thế này tiếp tục kéo dài, thị trường toàn cầu có thể bị đổ vỡ. Theo các chuyên gia, trong vài thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến xu thế rõ ràng về thị trường thế giới dịch chuyển thực sự có toàn cầu hóa, với sự hình thành của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cùng với các nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc, Nga và nhiều nước khác gia nhập WTO. Toàn cầu hóa cũng đưa tới tái cấu trúc về chuỗi cung toàn cầu, theo hướng kết nối hầu hết các nền kinh tế với nhau. Nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung kéo dài, tính gắn kết thị trường toàn cầu sẽ đối diện với nguy cơ đổ vỡ.

Chính vì vậy, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung lần này được kì vọng có thể tìm kiếm được giải pháp cho tình hình căng thẳng thương mại đang leo thang.

Cơ hội hóa giải

Theo các nhà phân tích, dù căng thẳng thương mại leo thang là vậy, nhưng dường như cả Trung Quốc và Mỹ đều muốn giải quyết vấn đề thông qua đối thoại. Bởi trước cuộc gặp thượng đỉnh lần này, Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành cuộc đối thoại ngoại giao và an ninh 2+2. Cuộc đối thoại 2+2 này đã được hai nước đánh giá là mang tính xây dựng và thẳng thắn, dù không thể tạo được đột phá.

Về phía Trung Quốc, nước này đã cam kết phối hợp với Mỹ bằng phương thức phi đối đầu và ủng hộ đối thoại để quyết thỏa đáng các vấn đề, trong đó có kinh tế và thương mại. Cam kết này một lần nữa thể hiện sự mềm mỏng và linh hoạt của phía Trung Quốc. Rõ ràng, Trung Quốc không muốn chứng kiến nền kinh tế trong nước tiếp tục xấu đi do ảnh hưởng của “bóng ma” mang tên cuộc chiến thương mại.

Trong khi đó tuyên bố của phía Mỹ sau cuộc đối thoại 2+2 rằng Washington không theo đuổi một cuộc "Chiến tranh Lạnh" mới với Trung Quốc và bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác với Bắc Kinh trong nhiều lĩnh vực được coi là bước mở màn cho cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới. Washington nhiều khả năng muốn thăm dò phản ứng của Bắc Kinh sau cuộc đối thoại ngoại giao và an ninh này, để có thể thảo luận sâu hơn cho cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị cấp cao G20. Nói cách khác, Mỹ dù có những động thái cứng rắn cũng không muốn đẩy xung đột giữa hai nước lên đến mức đối đầu khó kiểm soát, bởi đây là kịch bản luôn được đánh giá là gây tổn hại cho cả Mỹ và Trung Quốc.

Chính vì vậy, trong cuộc hội đàm bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ thảo luận nhiều vấn đề, trong đó trọng tâm là thương mại, cuộc chiến thuế quan, chủ nghĩa bảo hộ nhằm tìm giải pháp giải quyết căng thẳng thương mại đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc.

Theo giới phân tích, quan hệ Trung-Mỹ hiện là mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên toàn cầu, bởi vậy việc hai bên kiểm soát ổn thỏa bất đồng trên cơ sở đối thoại xây dựng luôn là giải pháp tối ưu. Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung dự kiến tại Argentina sắp tới có thể coi là "rào chắn" ngăn căng thẳng hai bên vượt qua "ranh giới đỏ", bởi cho dù còn tồn tại sự khác biệt trong nhiều vấn đề, việc duy trì ổn định mối quan hệ ràng buộc này luôn nằm trong lợi ích chiến lược của cả hai.