Toàn tỉnh khẩn trương tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ

(NTO) Từ ngày 24 đến ngày 26-11, do ảnh hưởng bão số 9, trên địa bàn tỉnh đã có mưa to đến rất to gây lũ lụt, ngập úng trên diện rộng, khiến nhiều công trình giao thông, thủy lợi, diện tích sản xuất nông nghiệp, thủy sản... trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại nặng nề. Ðể sớm ổn định đời sống cho người dân, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị cùng toàn thể nhân dân vùng thiên tai đang khẩn trương khắc phục hậu quả.

Theo báo cáo nhanh, đến ngày 26-11, mưa lũ không gây thiệt hại về nguời, làm bị sập và hư hỏng 5 nhà dân ở Thuận Bắc, Ninh Hải và Thuận Nam. Về giao thông-thuỷ lợi, mưa lũ đã làm ảnh hưởng đến giao thông đường sắt, tạm ngưng chạy tàu từ ngày 24-11; Công ty CP Đường sắt Thuận Hải đã khẩn trương triển khai phương án tu sửa và thông tuyến vào lúc 24 giờ, ngày 26-11. Đối với các tuyến đường giao thông nội tỉnh, nước lũ làm tuyến quốc lộ 27, 27B sạt lở cục bộ một số vị trí; tỉnh lộ 701 tại km 21+000 (khu vực Mũi Dinh) bị sạt lở mái ta-luy, đất cát, đá rơi xuống nền đường tiềm ẩn nguy hiểm cho phương tiện giao thông qua lại; Tỉnh lộ 702 (đoạn Hiệp Kiết-Bình Tiên) bị sạt lỡ ½ mặt đường gây ách tắc giao thông... và một số tuyến tỉnh lộ liên huyện, liên xã bị nước tràn qua, ngập úng gây ách tắc giao thông. Hiện nay Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành tiến hành khắc phục và xử lý nhằm bảo đảm an toàn giao thông.

Sạt lở trên quốc lộ 27B, xã Phước Thành (Bác Ái) đã được Sở Giao thông vận tải
khẩn trương khắc phục.Ảnh: Lê Thi

Các công trình thuỷ lợi, công trình Đập hạ lưu sông Dinh khu mặt bằng công trình bị ngập sâu 1,5m, khu vực thi công bị nuớc lũ cuốn trôi các loại vật tư, thiết bị như sắt, thép, tủ điện và các loại vật tư khác. Đoạn đê biển thuộc khu phố 8, phường Đông Hải mặt đê bị sụp lún 2 vị trí với tổng chiều dài 40 m, rộng từ 2–4m. Ngoài ra, một số tuyến kè, đường nông thôn trên địa bàn huyện Thuận Bắc, Ninh Sơn, Ninh Hải, Thuận Nam, Ninh Phước, Bác Ái bị sạt lở. Hiện nay các lực lượng chức năng cùng chính quyền địa phương đang đẩy nhanh khắc phục và cắt cử trực 24/24 giờ đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn cho người và phương tiện lưu thông.

Mưa lũ gây ngập lụt nặng ở các địa phương ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, gây thiệt hại cho hoa màu, vật nuôi. Qua thống kê ban đầu ước thiệt hại trên toàn tỉnh gần 50,8 tỷ đồng.

* Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đợt mưa lũ vừa qua gây thiệt hại trên 593 ha diện tích cây trồng các loại; trong đó chủ yếu diện tích lúa, nho, táo tập trung các phường Văn Hải, Đô Vinh. Ngoài ra, mưa lớn kéo dài cũng gây ngập úng 840 căn nhà dân, 3 căn nhà bị sập, nhiều tuyến đường giao thông quan trọng bị ngập. Để người dân sớm ổn định sản xuất và cuộc sống, UBND thành phố chỉ đạo các địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả thiệt hại sau mưa lũ, tập trung nạo vét, gia cố các tuyến kênh mương nội đồng, tổ chức bơm chống tháo nước để nông dân tiếp tục sản xuất; tập trung công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, chính quyền địa phương khẩn trương rà soát lại số diện tích cây trồng bị thiệt hại để kiến nghị cấp trên hỗ trợ cho nông dân.

Ông Trần Khả, khu phố 10, phường Văn Hải đang thu hoạch ổi sau mưa lũ. Ảnh Mỹ Dung.

* Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiến cứu nạn huyện Ninh Phước, tính đến chiều ngày 27-11, mưa lũ làm ngập úng 3.879,5 ha cây trồng vụ mùa. Trong đó có 3.232 ha lúa đang trổ bông, 104,2 ha bắp, 487,8 ha nho táo, 569,3 ha rau màu các loại, 2 ha cây ăn trái; nước lũ cuốn trôi 15.500 gia cầm. Đối với vùng nuôi trồng thủy sản ở xã An Hải bị nước lũ làm ngập 2 ha ao đìa, cuốn trôi khoảng 100 tấn tôm thịt. Nước lũ làm sạt lở hư hỏng 42.330 m đường giao thông nội đồng, đường liên thôn; sạt lở 4.355 mét các tuyến đê sông Lu, sông Quao, kênh Nam, kênh Chàm và 1.005 m kênh cấp III nội xã: chủ yếu là đường nội đồng và đường liên thôn, nội thôn. UBND huyện Ninh Phước khẩn trương huy động mọi nguồn lực tập trung khắc phục các tuyến đường, kênh mương bị sạt lở bảo đảm việc đi lại, sản xuất của nhân dân. Kiểm tra đánh giá cụ thể diện tích cây trồng bị thiệt hại để có kế hoạch hỗ trợ giống giúp nông dân tái sản xuất trông vụ đông-xuân 2018-2019. Ngay sau khi nước rút, nông dân các địa phương tập trung ra đồng chăm sóc cây trồng, khôi phục sản xuất.

* Theo báo cáo của UBND huyện Bác Ái, tính đến ngày 26-11, nước lũ đã cuốn trôi 12,75 ha cây hoa màu ở xã Phước Tiến, Phước Chính, Phước Hòa; cuốn trôi 6 con bò; sạt lở 2,8 ha đất sản xuất ven sông và 650 m quốc lộ 27B. Hiện nay, công tác khắc phục các đoạn sạt lở trên quốc lộ 27B đã được Sở Giao Thông vận tải triển khai tu sửa để các phương tiện lưu thông dễ dàng. Theo ghi nhận của chúng tôi, lượng nước ở một số đập tràn và sông, suối vẫn khá lớn, bà con địa phương hạn chế qua lại tại các địa điểm trên và chưa chăn thả gia súc đến các triền đồi. Một số diện tích mì bị ngập úng đã được nông dân nhanh chóng thu hoạch sớm để tránh bị hư hại.

* Trên địa bàn huyện Thuận Nam hơn 245 ha cây trồng các loại bị ngập úng; trong đó, cây hàng năm bị ngập trên 115 ha và 130,7 ha cây lâu năm bị đổ ngã, ngập úng. Đặc biệt có hơn 96 ha nho, táo tại xã Phước Nam đang trong thời kỳ ra bông và chuẩn bị thu hoạch bị thiệt hại trên 70%. Tại xã vùng biển Cà Ná, Phước Dinh và Phước Diêm, có 12 lồng bè bị sóng biển đánh vỡ, 18 đìa nuôi tôm, 7 ha nuôi rong sụn của người dân bị sạt lở nghiêm trọng.

Tuyến đường thôn Văn Lâm, xã Phước Nam sạt lở nghiêm trọng.Ảnh: H.Lâm

Ngoài ra, mưa lớn kéo dài cũng đã làm sạt lở nhiều tuyến đường giao thông, thủy lợi trên địa bàn một số xã như: Đường giao thông Văn Lâm-Sơn Hải bị sạt lở 500 mét; tuyến đường ven biển, hướng từ Phước Diêm đi Phước Dinh có 13 điểm bị sạt lở với chiều dài 8 km; nhiều tuyến kênh mương, bờ tràn bị sạt lở, với chiều dài 618 mét…Đến nay, các hộ dân cơ bản đã ổn định về nơi ở, riêng một số tuyến đường bị hư hỏng nhẹ, các địa phương đã tập trung khắc phục nạo vét, san lấp, đến nay nhiều tuyến đường đã đi lại bình thường; huyện cũng đã kiến nghị Sở Giao thông vận tải sớm khắc phục đường giao thông do ngành quản lý. Đồng thời, để bà con sớm khôi phục lại sản xuất, huyện đã phân công cán bộ nông nghiệp trực tiếp hướng dẫn nông dân, khẩn trương khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống.

Lực lượng Biên phòng tỉnh khắc phục sạt lở tuyến đường ven biển
đoạn Mũi Dinh - Cà Ná.Ảnh: X.Bính

* Tại huyện Thuận Bắc, mưa lũ đã làm ngập 127 căn nhà ở xã Bắc Phong, Công Hải và Bắc Sơn…; sạt lở tuyến đường ven biển vào khu dân cư Bình Tiên khoảng 120 m, 50 m tuyến đường ven biển Bình Tiên - Vĩnh Hy, hệ thống thoát nước dọc tuyến đường bị sạt lở 300 m (xã Công Hải); sạt lở trụ cầu thôn Bà Râu (Lợi Hải); sạt lở 10 m ta-luy ở xã Phước Kháng; sạt lở 200m tuyến đường sắt Bắc-Nam; khu vực Dự án Điện gió Trung Nam Solar bị chuyển vị trí 50 trụ móng, giá đỡ bị biến dạng, sạt lở kênh mương dài 160 m, đường vận hành 150 m; trên 78 ha lúa, hoa màu bị ngập; trên 5.540 gia súc, gia cầm bị cuốn trôi… Ước tính thiệt hại do mưa lũ gây ra cho các địa phương khoảng trên 9,2 tỷ đồng. Đến nay UBND huyện Thuận Bắc đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả và hỗ trợ cho dân. Đối với những diện tích lúa và hoa màu bị ngập huyện chỉ đạo cho các địa phương huy động các đội thủy nông tập trung ra đồng tháo nước, nạo vét, gia cố các tuyến kênh mương nội đồng để nông dân tiếp tục sản xuất. Đối với nhà dân bị ngập chỉ đạo cho các xã tập trung lực lượng xuống giúp các hộ dân khắc phục để họ ổn định đời sống.

* Tại huyện Ninh Sơn gần 825 ha diện tích cây trồng chủ yếu là lúa và hoa màu bị ngập úng; lũ cũng cuốn trôi 1 chuồng dê, làm chết 750 gia cầm tại khu vực các xã Nhơn Sơn, Mỹ Sơn. Ngoài ra, tại xã Mỹ Sơn nước lớn còn cuốn trôi 1 tuyến đường dây điện 1 pha kéo qua sông Dinh để phục vụ nông nghiệp với chiều dài khoảng 500 m kèm 12 trụ điện và nổ 1 bình điện 25KVA; tại xã Ma Nới Tỉnh lộ 709 bị sạt lở một đoạn dài 5m, sâu 3m đoạn đối diện Trường THCS Phan Đình Phùng; tràn Hà Dài của xã Ma Nới cũng bị cuốn trôi 10 m, khu vực đập Hà Dài bị sập hoàn toàn gây chia cắt giao thông…

Nhân viên Điện lực Ninh Sơn khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại xã Hòa Sơn (Ninh Sơn).Ảnh: N.Sơn

Đến nay huyện đang tập trung khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra; chỉ đạo các phòng chức năng phối hợp các xã thành lập mỗi địa phương hai tổ bao gồm nhiều lực lượng, vừa kết hợp thống kê các thiệt hại vừa hỗ trợ khắc phục sự cố về nhà cửa, đường giao thông, điện…cho người dân. Đối với 82 hộ dân thuộc 3 xã Hòa Sơn, Mỹ Sơn và Nhơn Sơn ở những khu vực bị sạt lở ngập úng được di dời trước đó cũng đã trở về nhà an toàn và đang được chính quyền hỗ trợ khắc phục thiệt hại… Tuy nhiên sau lũ trên địa bàn xã Ma Nới đã xảy ra một tai nạn đáng tiếc làm một người mất tích, đến 10 giờ sáng, ngày 27-11, các lực lượng chức năng trên địa bàn huyện vẫn đang tích cực tìm kiếm nạn nhân.