Không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học!

“Tôn sư trọng đạo” vốn là truyền thống quý báu của dân tộc ta, cho nên Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 – 11 hằng năm luôn có một vị trí rất đặc biệt, bởi lẽ đây không chỉ là ngày hội của riêng các thầy, cô giáo mà đã trở thành ngày hội của toàn dân, ngày lễ tôn vinh sự học, tôn vinh những người thầy đáng kính hết lòng vì sự nghiệp trồng người.

Bác Hồ- Người thầy vĩ đại của dân tộc luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của người thầy – những người mở trí, khai tâm cho con người, Bác nói: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”. Bác xem việc dạy học là một nghề đào luyện những thế hệ con người xây dựng xã hội. Tuy sự cống hiến của thầy giáo là rất thầm lặng nhưng nếu trở thành một người thầy giáo tốt là điều vô cùng hữu ích và rất mực vẻ vang. Bác dạy: “…Người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh…”

Giáo viên Trường Cao đẳng nghề Ninh Thuận tích cực truyền đạt kiến thức cho sinh viên. Ảnh Văn Nỷ.

Những năm qua, cùng với cả nước nhiều thế hệ thầy, cô giáo trong tỉnh đã luôn tận tụy với công việc “trồng người”. Đặc biệt, nhiều thầy,cô giáo đã đi theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước đồng thời là lương tâm, trách nhiệm đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, tình nguyện “cõng chữ lên non”, mang ánh sáng của con chữ đến với học sinh và kiến thức xây dựng kinh tế đến đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, giúp họ vượt lên rào cản của đói nghèo, lạc hậu cả trong đời sống, sản xuất để vươn lên thoát nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống…

Cả nước đã và đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, Đảng ta coi giáo dục là “Quốc sách hàng đầu”, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển, trong đó vị trí người thầy được coi là nhân vật trung tâm của quốc sách ấy. Vì vậy, vị trí, vai trò, trọng trách của người thầy đối với nền giáo dục nước nhà càng hết sức quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực của đất nước cũng như hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Sứ mệnh của người thầy hôm nay vừa đảm đương trọng trách đào tạo ra nguồn nhân lực vừa “hồng”, vừa “chuyên”, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vừa góp phần không nhỏ vào quá trình hình thành nhân cách con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có tinh thần tự hào với truyền thống văn hoá, lịch sử ngàn năm của dân tộc… Để làm được điều đó ngoài kiến thức, nhân cách – tấm gương để thuyết phục học sinh và phụ huynh còn phải có lòng nhiệt huyết, tình thương và trách nhiệm – yếu tố quyết định chất lượng giáo dục của nước nhà.

Mỗi dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam ngày 20-11, trước sự quan tâm của toàn xã hội như tiếp thêm sức mạnh, lòng yêu nghề và khát khao cống hiến của các thầy cô đối với sự nghiệp giáo dục, là tấm gương sáng để mọi thế hệ học trò học tập và noi theo, xứng đáng với lời chỉ huấn của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng:“Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”.