Thầy cô giáo với sứ mệnh cao quý: “trồng người”

Từ bao đời nay, “tôn sư trọng đạo” vốn được xem là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Ngày Nhà giáo Việt Nam được tổ chức vào ngày 20-11 hằng năm không chỉ là dịp để ngành Giáo dục tôn vinh những người hoạt động trong ngành, học trò thể hiện lòng thành kính “tôn sư trọng đạo” mà còn là dịp để xã hội tôn kính, tri ân những người đã, đang gắn bó với nghề dạy học- nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.

Sứ mệnh cao quý

Nghề dạy học là nghề khai tâm, khai trí, khai đức, đào tạo nên con người, được ví hình ảnh là nghề “trồng người”. Xã hội tồn tại, tiếp nối, phát triển liền mạch, là nhờ ở giáo dục, nhờ người thầy. Bởi vậy dân gian bao đời đã có câu khái quát: “không thầy đố mày làm nên”... Cũng từ lâu xã hội nhìn nhận nghề dạy học là nghề thầm lặng, nhiều hy sinh, người làm nghề dạy học chẳng khác người chèo đò, cần mẫn đưa hết lớp học trò này đến lớp học trò khác, qua khúc sông kiến thức, cập bến bờ trí tuệ, thành người có tri thức để vững bước vào đời.

Sinh viên Trường Trung cấp y tế Ninh Thuận tặng hoa tri ân cô giáo. Ảnh Văn Nỷ.

Cũng có thể nói nghề giáo là một nghề đặc biệt, bởi, đối tượng lao động của người thầy chính là nhân cách, tâm hồn và thể chất con người; công cụ lao động của nghề dạy học, chủ yếu là bằng bản thân, là toàn bộ nhân cách của người thầy; phương pháp lao động của người thầy là phương pháp nêu gương, cảm hoá đối tượng bằng tư tưởng, tình cảm của mình… để tạo ra những “sản phẩm” đặc biệt - là những con người có ý thức, biết vận dụng tri thức, kỹ năng và bắt nhịp với thời đại, biết độc lập, tự chủ và sáng tạo.

Lịch sử dân tộc Việt Nam trải qua những cuộc kháng chiến vĩ đại, và ở trong đó có sự đóng góp không nhỏ của lớp lớp những người thầy giáo, cô giáo đã theo tiếng gọi của lý tưởng cách mạng cao đẹp, cống hiến sức lực và trí tuệ của mình cùng các thế hệ cha anh viết nên bản hùng ca bất tử, khắc ghi tên mình vào trang sử vẻ vang của dân tộc. Trong khi đó, ở nơi hậu phương, vẫn có nhiều thế hệ người thầy tiếp tục truyền lửa đến học trò, để rồi từ bục giảng, chính các thầy cô lại khơi dậy lòng yêu nước, chí căm thù giặc, nuôi dưỡng lý tưởng sống cao đẹp cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên.

Khi đất nước hòa bình, thống nhất, vượt lên bao vất vả, lo toan của cuộc sống thường nhật, hình ảnh người thầy - những người với sứ mệnh cao đẹp vẫn hiện lên sáng ngời, kiên trì thắp lửa, truyền đạt tri thức, sưởi ấm tâm hồn thế hệ tương lai với nghĩa cử cao đẹp “tất cả vì học sinh thân yêu”. Nhiều thầy, cô giáo đã không quản ngại nắng mưa, tình nguyện “cõng chữ lên non”, mang ánh sáng của con chữ đến với học sinh và kiến thức xây dựng kinh tế đến với đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo giúp họ vượt lên rào cản hủ tục, thoát khỏi cái nghèo, cái đói.

Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, với chủ trương coi giáo dục là “quốc sách hàng đầu” của Đảng ta, vị trí, vai trò và trọng trách của người thầy lại càng quan trọng, quyết định trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực của đất nước cũng như hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Và cho đến ngày nay, sứ mệnh cao cả đó của người thầy vẫn không thay đổi vừa đảm đương trọng trách đào tạo ra nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững vừa góp phần không nhỏ vào quá trình hình thành nhân cách con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có tinh thần tự hào với truyền thống văn hoá, lịch sử ngàn năm của dân tộc.

Lịch sử hình thành Ngày Nhà giáo Việt Nam

Tháng 7-1946, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris đã lấy tên là Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục (tiếng Pháp là Fédération Internationale Syndicale des Enseignants – FISE).

Năm 1949, tại một hội nghị ở Warszawa (thủ đô của Ba Lan), Liên hiệp quốc tế các công đoàn giáo dục đã ra bản “Hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương với nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến, xây dựng nền giáo dục trong đó bảo vệ những quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo, đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam, là thành viên của FISE từ năm 1953, đã quyết định, trong cuộc họp của FISE từ 26 đến 30-8-1957 tại Warszawa, lấy ngày 20-11-1958 là ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo”. Ngày này lần đầu tiên được tổ chức trên toàn miền Bắc Việt Nam năm 1958.

Những năm sau đó, ngày lễ này được tổ chức ở các vùng ở miền Nam Việt Nam. Hằng năm vào dịp kỷ niệm 20-11 cơ quan tiểu ban giáo dục thường xuất bản, phát hành một số tập san đặc biệt để cổ vũ tinh thần đấu tranh của giáo giới trong vùng tạm chiếm, động viên tinh thần giáo viên kháng chiến.

Đất nước thống nhất, ngày này đã trở thành ngày truyền thống của ngành Giáo dục Việt Nam. Và ngày 28-9-1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành quyết định số 167-HĐBT về Ngày Nhà giáo Việt Nam. Trong đó có điều khoản quy định, lấy ngày 20-11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Ngày 20-11-1982, là lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tiến hành trọng thể trong cả nước. Từ đó đến nay, đây là ngày truyền thống của ngành Giáo dục để tôn vinh những người làm công tác "trồng người".