Nga - Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện

Nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác vững chắc, trong ba ngày từ 5 đến 7-11-2018, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã thực hiện chuyến thăm tới Trung Quốc và tham dự cuộc họp cấp thủ tướng Nga-Trung lần thứ 23. Chuyến thăm được đánh giá là tạo xung lực mới cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Trung Quốc, vốn được đánh giá đang ở "giai đoạn tốt nhất trong lịch sử", trong đó hai nước chia sẻ nhiều lợi ích địa chiến lược và kinh tế.

Khẳng định quan hệ hợp tác vững chắc

Tại cuộc gặp diễn ra ở thủ đô Bắc Kinh, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã thảo luận về quan hệ hợp tác song phương, thiết lập hệ thống thanh toán xuyên biên giới bằng đồng nội tệ ruble (rúp) và Nhân dân tệ (NDT) của hai nước nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ, quan điểm về thương mại quốc tế cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Về hợp tác song phương, Thủ tướng Nga Medvedev cho rằng thương mại hai nước đang phát triển tích cực. Trong năm 2018, kim ngạch thương mại Nga-Trung Quốc có triển vọng đạt mức 100 tỷ USD, tuy nhiên theo ông Medvedev, con số này có thể tăng gấp đôi nếu hai bên tích cực thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực như hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hoàn thiện thương mại điện tử, hệ thống thanh toán.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và người đồng cấp Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Trong khi đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc sẵn sàng phát triển quan hệ hợp tác-đầu tư với Nga trong lĩnh vực dầu khí. Theo ông Lý Khắc Cường, sự hỗn loạn trên thị trường dầu mỏ hiện nay sẽ gây tổn hại đến nền kinh tế thế giới. Ông nhấn mạnh Trung Quốc và Nga là những nhà cung cấp cũng như tiêu thụ dầu khí lớn nhất thế giới. Do đó, Bắc Kinh sẵn sàng cùng với Moskva phát triển quan hệ hợp tác-đầu tư trong lĩnh vực dầu khí. Trung Quốc cũng có kế hoạch phối hợp với Nga thành lập một quỹ khoa học-sáng tạo chung để hỗ trợ hợp tác khoa học-kỹ thuật giữa hai nước và xác định các lĩnh vực phát triển triển vọng.

Về việc thiết lập hệ thống thanh toán bằng nội tệ, Thủ tướng Nga Medvedev cho rằng việc tạo ra các cơ chế mới để thực hiện hoạt động thanh toán chung giữa hai nước là nhiệm vụ cấp thiết nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ. Việc chuyển đổi sang thanh toán bằng nội tệ sẽ giúp giảm đáng kể rủi ro và sự phụ thuộc vào đồng USD, tránh sự biến động tỷ giá và phí chuyển tiền trong thương mại song phương. Nhìn chung, các biện pháp này sẽ nâng cao vị thế của các đồng nội tệ.

Nga và Trung Quốc cũng đã nhất trí sẽ thiết lập hệ thống thanh toán xuyên biên giới bằng đồng nội tệ ruble (rúp) và Nhân dân tệ (NDT) của hai nước nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tạo thêm xung lực mới

Là hai quốc gia láng giềng, Nga và Trung Quốc có nhiều tiềm năng hợp tác to lớn. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác giữa Moskva và Bắc Kinh chỉ thực sự đột phá kể từ năm 2014, thời điểm phương Tây bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine. Nhằm thoát khỏi sự bao vây, cấm vận của phương Tây, Nga đã đẩy mạnh chính sách "xoay trục" sang hướng Đông, trong đó Trung Quốc là một trong những trụ cột. Bước đi này của Nga được Trung Quốc đón nhận tích cực vì Bắc Kinh cũng rất cần nguồn cung nguyên liệu thô từ Moskva để duy trì tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Hơn nữa, hợp tác song phương giữa Nga và Trung Quốc về cơ bản mang tính tương hỗ cao nên hai nước nhanh chóng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chính trị, quân sự và kinh tế. Nga có tiềm lực mạnh về quân sự và Trung Quốc với nền kinh phát triển đã mang tính bổ sung cho nhau.

Trên lĩnh vực chính trị, lòng tin giữa Moskva và Bắc Kinh không ngừng được củng cố thông qua các cuộc tiếp xúc thường xuyên giữa lãnh đạo các cấp, đặc biệt là cấp cao. Trong những năm gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp thượng đỉnh ít nhất 5 lần mỗi năm. Điều này cho thấy lãnh đạo Nga - Trung rất chú trọng phát triển quan hệ song phương. Sự gắn bó chặt chẽ và trực tiếp giữa lãnh đạo hai nước đã đưa quan hệ Nga - Trung Quốc lên tầm cao mới. Hàng loạt hợp đồng kinh tế trị giá hàng trăm tỷ USD được ký kết và thực hiện hiệu quả, trong đó đáng chú ý là thỏa thuận Tập đoàn khí đốt quốc gia Nga Gazprom cấp cho Trung Quốc 38 tỷ m3 khí đốt mỗi năm trong vòng 30 năm, với trị giá ước tính 400 tỷ USD. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển kinh tế và thương mại song phương cũng được áp dụng, như mở rộng thanh toán trực tiếp bằng đồng nội tệ của hai nước, ngân hàng Nga phát hành tín dụng bằng nhân dân tệ, thành lập Quỹ Đầu tư Nga - Trung Quốc trị giá 68 tỷ nhân dân tệ (khoảng 10 tỷ USD)... Nhờ đó, kim ngạch thương mại song phương không ngừng tăng lên. Theo số liệu của Trung Quốc, trong năm 2017, kim ngạch trao đổi thương mại giữa nước này với Nga tăng 20,8%, đạt 84,7 tỷ USD, cao hơn so với năm 2016 (đạt 69,52 tỷ USD). Kim ngạch trao đổi thương mại giữa nước này với Nga trong 9 tháng đầu năm 2018 đã tăng 25,7%, lên 77,15 tỷ USD. Trong năm nay, kim ngạch thương mại Nga-Trung Quốc có triển vọng đạt mức 100 tỷ USD. Hiện Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Nga.

Bên cạnh đó, về hợp tác quân sự, Nga và Trung Quốc cũng trở thành đối tác quốc phòng chặt chẽ. Hai nước tổ chức các cuộc họp định kỳ giữa bộ trưởng quốc phòng, tiến hành một số cuộc tập trận quân sự lớn, đào tạo quân sự, hợp tác sản xuất vũ khí... Nga đã bán cho Trung Quốc nhiều vũ khí hiện đại như hệ thống phòng không S-400 và máy bay tiêm kích Su-35.

Không chỉ tăng cường hợp tác song phương, Nga và Trung Quốc còn thể hiện lập trường thống nhất về nhiều vấn đề quốc tế, trong đó có cuộc khủng hoảng tại Syria, vấn đề hạt nhân Triều Tiên, Iran, chống khủng bố quốc tế... Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa Nga và Trung Quốc tại các diễn đàn hay tổ chức đa phương, như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hay Nhóm BRICS, càng khiến quan hệ hai nước được thắt chặt.

Có thể khẳng định rằng, cả Nga và Trung Quốc đều coi việc thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện là mục tiêu đối ngoại chủ chốt nhằm đem lại lợi ích cho cả hai bên. Chính vì vậy, chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nga Medvedev lần này đã tạo thêm xung lực mới để hai nước thực hiện mục tiêu chiến lược này.