Kỳ vọng phát triển từ cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 115/NQ-CP

(NTO) Ngày 31-8-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP; ngày 2-11, HĐND tỉnh khóa X tổ chức kỳ họp thứ 7 (kỳ họp bất thường) thông qua “Nghị quyết triển khai thực hiện Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 31-8-2018 của Chính phủ về việc thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển KT-XH, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018-2023”.

Việc HĐND tỉnh ban hành nghị quyết, khẳng định tỉnh cam kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi chủ trương của Chính phủ, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh tạo sự bứt phá phát triển nhanh, bền vững KT-XH của tỉnh.

Cụ thể, ngay sau kỳ họp HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù thuộc nhiệm vụ của các bộ, ngành theo Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ; đôn đốc, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương tham mưu triển khai thực hiện ngay để các quyết sách về cơ chế đặc thù đi vào thực tiễn một cách sớm nhất. Việc triển khai được cụ thể hóa bằng các kế hoạch chi tiết với các nội dung, lộ trình, tiêu chí cụ thể và hướng dẫn cách thức thực hiện một cách khoa học, minh bạch, đúng quy định của pháp luật; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thực hiện không đùn đẩy công việc cũng như không để sót việc. Trong quá trình xây dựng các đề án, phương án thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh được quy định tại Nghị quyết số 115/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh cũng chỉ đạo cần thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, gặp gỡ, đối thoại với Nhân dân ở vùng dự kiến thực hiện dự án điện hạt nhân trước đây, tạo khí thế phấn khởi, đồng thuận xã hội.

Ninh Thuận phấn đấu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.
Trong ảnh: Công nhân thi công Dự án Điện gió Đầm Nại (Ninh Hải). Ảnh: N.A.T

Theo đó, khẩn trương xây dựng Đề án Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch sử dụng đất đối với những khu vực có chứa quặng titan chưa bảo đảm điều kiện khai thác, đã được Chính phủ có chủ trương đưa vào dự trữ quốc gia để thực hiện các dự án điện gió, điện mặt trời và các khu đất khác có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư theo chủ trương của Chính phủ; xây dựng phương án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư phù hợp đối với vị trí trước đây quy hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Đồng thời thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất bảo đảm phù hợp, đúng quy định nhằm tạo điều kiện cho Nhân dân tổ chức sản xuất ổn định đời sống; tăng cường công tác quản lý đất đai trình HĐND tỉnh hoặc Thường trực HĐND tỉnh xem xét thông qua hoặc cho ý kiến để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Đối với các đề án, phương án thuộc thẩm quyền, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo xây dựng: Đề án xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước (điện gió, điện mặt trời); phương án xây dựng Tổ hợp điện khí, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) Cà Ná với quy mô phù hợp theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời phối hợp các bộ, ngành Trung ương có giải pháp ưu tiên xây dựng đồng bộ lưới điện truyền tải, tích hợp các dự án điện gió, điện mặt trời vào hệ thống điện quốc gia theo chủ trương của Chính phủ.

Rà soát những khu vực có chứa quặng titan chưa bảo đảm điều kiện khai thác, ảnh hưởng môi trường thuộc “Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1546/2013/QĐ-TTg mà chưa cấp phép thăm dò khai thác đề xuất đưa vào khu vực dự trữ quốc gia để triển khai các dự án điện gió, điện mặt trời. Đối với những dự án khai thác titan đã cấp phép, thì có phương án xử lý phù hợp, không để ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Phối hợp các bộ, ngành Trung ương và các cơ quan đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện Dự án thủy điện tích năng Bác Ái theo chủ trương của Chính phủ.

Lập đề án kiến nghị bổ sung các Khu du lịch Bình Tiên-Vĩnh Hy, Cà Nà-Mũi Dinh vào các khu du lịch quốc gia thuộc Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo các Quyết định số 201/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 2350/2014/QĐ-TTg của Thủ tuớng Chính phủ và chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 115/NQ-CP; đồng thời, tập trung rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch chi tiết các khu vực ven biển, nhất là khu vực đô thị ven biển, vùng ven biển của tỉnh; hoàn tất thủ tục kiến nghị bổ sung xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) vào danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2018-2020 theo Quyết định số 131/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đề xuất áp dụng tỷ lệ cho vay lại 10% đối với các dự án ODA quan trọng, cấp bách đang hoàn tất thủ tục để triển khai thực hiện trong giai đoạn 2018-2023 thuộc các chương trình dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, phúc lợi xã hội hoặc các lĩnh vực khác không có khả năng thu hồi vốn; đề nghị Trung ương hỗ trợ 100% vốn đối ứng cho các dự án ODA phần cấp phát triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp như quy định đối với các tỉnh Tây Nguyên. Đề xuất bố trí vốn dự phòng ngân sách Trung ương kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 thực hiện một số dự án quan trọng, cấp bách: Thanh toán dứt điểm vốn đầu tư dự án tuyến đường ven biển; đầu tư dự án liên thông giữa hồ chứa nước Tân Giang và hồ chứa nước Sông Biêu; dự án Nâng cấp mở rộng quốc lộ 27 (đoạn 12 km còn lại). Các đề án, phương án này thời gian hoàn thành trong quý IV năm 2018 để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định.

Chỉ đạo, đôn đốc hoàn tất các thủ tục đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư công đối với 6 dự án quan trọng, cấp bách kiến nghị đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết số 115/NQ-CP. Hoàn tất thủ tục để tiếp nhận, quản lý dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1998/TTg-NN và Nghị quyết số 115/NQ-CP. Ưu tiên nguồn lực ngân sách địa phương đầu tư hạ tầng kỹ thuật, xã hội và các chính sách tín dụng cho 2 xã Vĩnh Hải (Ninh Hải) và xã Phước Dinh (Thuận Nam).

Ngoài ra, UBND tỉnh chỉ đạo lập các đề án xây dựng và phát triển Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại tỉnh; đề án Kiến nghị bổ sung các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh vào Quy hoạch tổng thể cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; đề án Kiến nghị các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ để phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực có lợi thế của tỉnh trong lĩnh vực nông, lâm-ngư nghiệp và công nghiệp chế biến thành các sản phẩm có chất lượng tốt, quy mô lớn, có sức cạnh tranh trên thị trường, phục vụ nội tiêu và xuất khẩu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tin rằng, với tinh thần trách nhiệm, sự quyết tâm cao của người đứng đầu, nỗ lực của các ngành, các cấp, sự đồng thuận của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả hệ hống chính trị để tỉnh triển khai thực hiện thắng lợi, toàn diện các nội dung Nghị quyết số 115/NQ-CP, tạo sự bứt phá, đưa Ninh Thuận phát triển nhanh và bền vững.