Nhân Ngày Pháp Luật Việt Nam (9-11)

Ngày Pháp luật - lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật

(NTO) Với việc thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Quốc hội đã lấy ngày 9-11 là Ngày Pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hằng năm, Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Năm 2018 là năm đánh dấu 5 năm triển khai Ngày Pháp luật trên toàn quốc (2013-2018).

Ngày Pháp luật - lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật

Trong đời sống xã hội, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, vừa tạo hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế-xã hội.

Sau 5 năm, kể từ Lễ công bố Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (ngày 9-11-2013), tinh thần Ngày Pháp luật đã được bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và đông đảo nhân dân tích cực hưởng ứng, thực hiện nghiêm túc.

Ngày Pháp luật không chỉ có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong nhà nước pháp quyền, mà còn hướng mọi tổ chức, cá nhân tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn. Ngày Pháp Luật còn đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân, công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội.

Việc triển khai Ngày Pháp luật đã có sức lan tỏa sâu rộng. Đại đa số người dân đều hiểu, đều thực hiện tốt phương châm: sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Người dân biết tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi tham gia các quan hệ pháp luật.

Cũng qua Ngày Pháp luật, nhận thức về vị trí, vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với tính chất là cầu nối đưa pháp luật vào cuộc sống đã được coi trọng, tạo nền tảng phát triển công tác này trong thời gian tới đi vào thực chất, ý nghĩa hơn.

Để Ngày Pháp luật ngày càng phát huy hiệu quả

Để Ngày Pháp luật trở thành một nội dung được quy định trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đã mất khá nhiều thời gian, công sức nhưng để giữ Ngày Pháp luật ngày càng phát huy hiệu quả, được xã hội thừa nhận, tôn vinh mới là điều quan trọng hơn và là trách nhiệm của tất cả mọi người.

5 năm qua, Ngày Pháp luật Việt Nam đã được các bộ, ngành, địa phương hưởng ứng sâu, rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, góp phần quan trọng cho sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trong đó, hiệu quả lớn nhất của việc triển khai hưởng ứng Ngày Pháp luật tại bộ, ngành, địa phương là việc Ngày Pháp luật từ chỗ còn mới mẻ, chưa quen đã dần thẩm thấu vào đời sống xã hội, trở thành ngày hội để toàn dân tôn vinh Hiến pháp, pháp luật. Hằng năm, Ngày Pháp luật đã trở thành sự kiện chính trị-pháp lý quan trọng của đất nước.

Đặc biệt, nhiều bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác hiệu ứng của truyền thông, mạng xã hội để mang đến những luồng gió mới cho Ngày Pháp luật nói riêng, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung.

Các mô hình hưởng ứng Ngày Pháp luật giống như những nhịp cầu nối giữa người dân và pháp luật, giúp cho pháp luật từ một công cụ mang tính quyền lực của nhà nước trở nên gắn bó, gần gũi với mỗi người dân, đi vào từng gia đình, từng địa bàn dân cư và xã hội một cách tự nhiên, giúp cho mỗi người dân không chỉ được bổ sung các kiến thức pháp luật cần thiết mà còn điều chỉnh được từng hành vi cụ thể và hình thành nên kỹ năng xử lý các vấn đề pháp lý.