Qua theo dõi tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây, các xe hoạt động trên tuyến cố định không ký lệnh vận chuyển trước khi vận chuyển khách và xe hợp đồng chạy trá hình có xu hướng tăng trở lại. Đặc biệt là tuyến Phan Rang đi Bình Thuận, các tỉnh phía Nam và TP. Hồ Chí Minh. Đây là tuyến có lượng khách lớn nên các phương tiện thường chạy dù, xuất phát bắt đầu từ sáng sớm và ban đêm tập trung tại các điểm đậu đỗ đón trả khách như: Siêu thị Coop Mart Thanh Hà, chợ Mương Cát, bến xe cũ, ngã ba Long Bình. Có không ít trường hợp xe chạy lòng vòng, đón trả khách trong khu vực nội thị. Một số đơn vị vận tải không có đăng ký chạy tuyến cố định trong ngày, nhưng vẫn đưa phương tiện ra khai thác khách trên tuyến và một số đơn vị vận tải có xe hợp đồng cũng đón, giành khách trên các tuyến xe cố định, gây bức xúc và ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông, cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp vận tải và gây thất thu thuế nhà nước. Đối với các trường hợp xe chạy dù và xe chạy hợp đồng trá hình, chủ phương tiện không mở thiết bị giám sát hành trình và không có dữ liệu trên hệ thống theo dõi xe thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý, nhằm tránh sự theo dõi, xử lý của cơ quan chức năng.
Tái diễn tình trạng đón trả khách tại các “bến cóc” trong đô thị.
Qua phản ánh của một số đơn vị vận tải và theo dõi thực tế của Bến xe khách tỉnh, hiện nay xe giường nằm có phù hiệu xe hợp đồng dài hạn của một số đơn vị vận tải đã lách luật, khai thác khách trên tuyến cố định và cố tình tắt giám sát hành trình để hoạt động; sử dụng phù hiệu hợp đồng dài hạn để trá hình chạy tuyến cố định. Ông Nguyễn Đặng Tân, Trưởng phòng Điều độ-Bến xe khách tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện vẫn còn rất nhiều phương tiện núp bóng “xe chạy hợp đồng”, đón trả khách tùy tiện, không chịu vào bến theo quy định. Khi lực lượng chức năng tăng cường tuần tra xử lý, tình trạng vi phạm này được chấn chỉnh, nhưng khi lực lượng chức năng không có mặt, hoạt động vi phạm lại tái diễn rất phức tạp làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các nhà xe chấp hành tốt quy định của Nhà nước.
Theo Phòng Quản lý phương tiện và Người lái, Sở Giao thông vận tải, toàn tỉnh hiện có 354 xe chạy hợp đồng, 64 xe giường nằm hoạt động tuyến cố định chủ yếu chạy tuyến Phan Rang- TP.Hồ Chí Minh. Về xe hợp đồng trá hình có 2 dạng, xe của đơn vị chuyên chạy hợp đồng và xe của nhà xe chạy tuyến cố định nhưng lấy ra một số xe chạy với hình thức hợp đồng đón khách chạy tuyến cố định. Xe chạy dưới dạng hợp đồng không phải vào bến nên giảm chi phí 2 đầu bến, chạy được mọi lúc, mọi nơi không phải đăng ký theo tài. Trong khi đó, theo quy định, trường hợp đủ hồ sơ thì Sở Giao thông phải cấp phù hiệu hoạt động, không được phép từ chối. Vấn đề hiện nay là phải tăng cường công tác kiểm tra hoạt động phương tiện, nhất là phối hợp với lực lượng CSGT.
Ông Nguyễn Văn Mộc, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải cho biết: Hiện nay việc xử lý xe dù chạy hợp đồng gặp nhiều khó khăn vì Thanh tra giao thông không được dừng xe khi chưa phát hiện được vi phạm của phương tiện. Trong khi đó, xe hợp đồng chạy dù chủ yếu hoạt động vào giờ khuya hoặc sáng sớm, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Khi phát hiện lập biên bản xử lý phương tiện, người dân lại có phản ứng không đồng tình. Về giám sát hành trình phương tiện, các chủ xe viện cớ là do thiết bị hư hỏng, không có sóng và xe không hoạt động nên không báo cho cơ quan chức năng. Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi tăng cường các biện pháp phối hợp xử lý; tiến hành rà soát kiểm tra, kết hợp theo dõi giám sát hành trình, xử lý thu giấy phép những trường hợp vi phạm.
Để vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định, xe hợp đồng thực hiện nghiêm các quy định về vận tải hành khách bằng ô tô và bảo đảm trật tự ATGT, thời gian tới, các lực lượng chức năng và địa phương cần tăng cường sự phối hợp, xử lý tận gốc, kết hợp nhiều biện pháp vừa tuyên truyền vận động nhắc nhở vừa xử phạt nghiêm theo đúng quy định, nhằm chấn chỉnh tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng trá hình đang có xu hướng gia tăng hiện nay.
Anh Tuấn