Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, điều trị, cai nghiện ma túy

(NTO) Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền, điều trị, cai nghiện ma túy tại tỉnh ta đã được các địa phương quan tâm, chỉ đạo, thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp cụ thể. Nhờ đó đã tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể ở các cấp, các ngành và toàn xã hội, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Qua số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 770 đối tượng liên quan đến ma túy, tập trung tại 47/65 xã, phường, thị trấn. Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ban, ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống ma túy, giảm thiểu tác hại của hoạt động ma túy đối với đời sống xã hội; giảm tội phạm liên quan đến ma túy…, năm 2018, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội về phòng, chống ma túy. Trong đó, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về tư vấn, điều trị cai nghiện ma túy, kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội xã, phường. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền cho học viên đang cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, thực hiện tuyên truyền trực quan thông qua các cụm panô, áp phích, khẩu hiệu tại các khu vực đông dân cư nhằm tăng cường hiệu quả; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức tuyên truyền các mô hình xã, phường thực hiện tốt công tác cai nghiện; các điển hình cai nghiện thành công; phát huy hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện, tình nguyện viên, các cá nhân, tổ chức xã hội giúp đỡ người nghiện ma túy, người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng.

Các học viên Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh tham gia lao động sản xuất. Ảnh: X.B

Kết quả điều tra cho thấy, số học viên đang cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh hiện nay đang ngày càng trẻ hóa, rất nhạy cảm về tâm lý và chưa hoàn chỉnh về khả năng nhận thức, kiểm soát hành vi và chủ yếu là nghiện các chất ma túy tổng hợp mới dạng Amphetamin (AST). Số lượng này ngày càng tăng cao (trên 95%), trong đó đặc biệt là chất Methamphetamin (thường gọi là ma túy đá), cần sa tổng hợp. Theo lộ trình, đến nay tỉnh ta đã tổ chức thực hiện tiến trình đổi mới công tác cai nghiện ma túy được 5 năm. Trong quá trình thực hiện, luôn bám sát mục tiêu, nội dung Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020. Việc thực hiện điều trị, cai nghiện ma túy của tỉnh chủ yếu được thực hiện tại cơ sở cai nghiện ma túy với việc cung cấp các dịch vụ y tế về chữa trị, cắt cơn giải độc, chăm sóc, phục hồi sức khỏe; tư vấn, giáo dục điều chỉnh hành vi, nhân cách; dạy học nghề, rèn luyện kỹ năng, rèn luyện thể chất, phòng chống tái nghiện… Hằng năm, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh tiếp nhận, quản lý, điều trị khoảng 150-200 lượt người nghiện, chủ yếu là cai nghiện tự nguyện. Tính từ đầu năm đến nay, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đã quản lý, điều trị cho 195 học viên trong đó có 9 nữ; riêng trong tỉnh có 76 học viên/4 nữ. Số học viên đã tái hòa nhập cộng đồng 111 người/8 nữ, trong đó trong tỉnh là 36 học viên/3 nữ. Hiện nay cơ sở đang quản lý, điều trị, cai nghiện cho 77 học viên/1 nữ, trong đó trong tỉnh có 38 học viên.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy, kế hoạch đề ra cho thời gian tới, đó là tiếp tục quán triệt và thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 gắn với Đề án 32 về phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 25/2017/CT-TTg ngày 5-6-2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy trong tình hình mới. Đồng thời tiếp tục bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ, năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trình độ nghiệp vụ chuyên sâu về công tác tư vấn, điều trị nghiện và các công tác có liên quan nhằm đảm bảo các tiêu chí về nghề công tác xã hội; nâng cao tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ với phương châm: gần gũi, thân thiện, cởi mở, chia sẻ và sẵn sàng giúp đỡ học viên trong mọi tình huống trong quá trình điều trị, cai nghiện tại cơ sở cai nghiện ma túy.

* Trên địa bàn tỉnh hiện có 68 mô hình Tộc họ tự quản về an ninh trật tự (trong đó có 65 Tộc họ đồng bào Chăm và 3 Tộc họ người Kinh ở xã Phước Thuận) đều xây dựng quy ước về bảo vệ an ninh trật tự. Thông qua mô hình này, các tộc họ vận động tuyên truyền người thân, người dân trong gia đình, họ tộc tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm, buôn bán người, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

* Từ đầu năm đến nay, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp tổ chức 53 buổi sinh hoạt, họp dân ở cơ sở để tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội, với hơn 12.000 lượt người tham dự; cung cấp cho ngành chức năng 81 nguồn tin có giá trị về tình hình an ninh trật tự giúp cơ quan chức năng gọi răn đe 37 đối tượng vi phạm pháp luật đưa ra kiểm điểm trước dân, nhận cảm hóa, giáo dục 27 đối tượng tại cộng đồng dân cư, qua đó góp phần bảo đảm an ninh trật tự, đẩy lùi tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh.