Ngành Giáo dục và Đào tạo: Qua 5 năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

(NTO) Qua 5 năm triển khai đưa Nghị quyết số 29- NQ/TW, ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (Nghị quyết số 29-NQ/TW) vào thực tiễn đã tạo sự chuyển biến tích cực, toàn diện đưa sự nghiệp GD&ĐT tỉnh nhà ngày càng phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng tốt nhu cầu phát triển đất nước, địa phương trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Ngay sau khi Trung ương ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, Sở GD&ĐT tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 235- CT/TU và UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 5371/KH- UBND thực hiện chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đồng thời triển khai sâu rộng trong toàn ngành GD&ĐT cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên học tập quán triệt và đề ra chương trình thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Qua 5 năm triển khai, NQ số 29- NQ/TW đã tạo động lực mới, đưa sự nghiệp GD&ĐT tỉnh nhà phát triển toàn diện, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH địa phương, giai đoạn 2013-2018 và những năm tiếp theo. Đồng chí Nguyễn Bá Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 29- NQ/TW, ngành đã tập trung chỉ đạo thực hiện chủ trương đổi mới nội dung, chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa và phương pháp giáo dục chuẩn kiến thức kỹ năng, nhằm phát huy tư duy sáng tạo, tích cực của học sinh. Đồng thời tập trung nâng cao giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, giáo dục thể chất, giáo dục hướng nghiệp cho học sinh- sinh viên gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhờ đó, tình hình an ninh- trật tự ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh bảo đảm an toàn. Học sinh, sinh viên chăm ngoan, nỗ lực thi đua học tập tốt; nhiều em vươn lên đạt thành tích cao trong các kỳ thi tuyển chọn học sinh giỏi, học sinh sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia và thi tuyển vào các trường đại học đạt điểm cao. Đặc biệt chương trình học tập ngoại ngữ, tin học được chú trọng đầu tư thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giáo viên và khả năng học tập của học sinh.

Cơ sở trường lớp được đầu tư xây dựng khang trang, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của học sinh trong tỉnh.

Toàn tỉnh triển khai mô hình trường học mới tại 30 trường tiểu học, với 251 lớp, trên 6.390 học sinh học tập, chiếm 14,8% số học sinh tiểu học trên địa bàn tỉnh. Giáo viên thực hiện hiệu quả đổi mới phương pháp dạy học trong việc hướng dẫn học sinh chủ động tìm hiểu sâu kỹ nội dung bài học, tạo sự tương tác tích cực giữa giáo viên và học sinh trong từng tiết học. Tỉnh ta cũng đã triển khai thực hiện dạy học Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục tại 29 trường tiểu học, với 74 lớp, trên 1.750 học sinh học tập. Đồng thời triển khai thực hiện tốt việc dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS cấp tiểu học với trên 15.900 em, chiếm 27,5% số học sinh tiểu học, theo hướng tăng thời lượng học tiếng Việt thông qua các lớp học 2 buổi/ngày. Học sinh dân tộc Chăm của 24 trường tiểu học gồm 285 lớp, với 7.064 học sinh được học chữ Chăm 2-3 tiết/tuần. Toàn tỉnh quan tâm chăm lo cho học sinh thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách, học sinh DTTS thuộc vùng đặc biệt khó khăn có đủ điều kiện đến trường học tập tốt.

Ngành GD&ĐT tập trung đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập bảo đảm trung thực, khách quan tạo được niềm tin trong xã hội. Đặc biệt qua các kỳ thi THPT quốc gia được tỉnh ta tổ chức chu đáo, bảo đảm diễn ra nghiêm túc, an toàn, đúng quy chế. Công tác ôn tập được chuẩn bị chu đáo gắn với định hướng chọn tổ hợp môn thi phù hợp với khả năng học tập của học sinh đạt kết quả cao. Đơn cử kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, toàn tỉnh có 95,57% số thí sinh tốt nghiệp THPT và trên 64% số thi trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Từ năm 2013 đến 2018, toàn tỉnh có 273 lượt trường học hoàn thành hồ sơ tự đánh giá để xét công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục. Qua kiểm tra đánh giá của Sở GD&ĐT đã công nhận 101 đơn vị đạt chuẩn chất lượng giáo dục cấp độ 1. Toàn tỉnh có 103 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh các cấp học. Các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh duy trì đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và đạt chuẩn về phổ cập giáo dục tiểu học, THCS, xóa mù chữ…

Ngành Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và học tập.

Triển khai đưa Nghị quyết số 29- NQ/TW vào cuộc sống, ngành GD&ĐT chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT. Tính đến nay, toàn ngành GD&ĐT có 10.664 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đảm nhận giảng dạy cho trên 140.300 học sinh các cấp học; trong đó có 7.864 giáo viên trực tiếp đứng lớp đều đạt chuẩn và trên chuẩn nghiệp vụ sư phạm. Từ năm 2013- 2018, ngành GD&ĐT cử 372 lượt cán bộ quản lý, giáo viên tham dự chương trình đào tạo sau đại học, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, quốc phòng- an ninh. Toàn ngành có hàng chục ngàn lượt cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được học tập quán triệt các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghiệp vụ chuyên môn, đáp ứng nhu cầu phát triển GD&ĐT trong thời kỳ mới…

Trong 5 năm qua, tỉnh ta đã huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng cơ sở trường lớp, mua sắm trang thiết bị phục vụ đổi mới sự nghiệp GD&ĐT, đáp ứng nhu cầu học tập của con em tỉnh nhà.

Đồng chí Nguyễn Bá Ninh cho biết thêm: Trong thời gian tới, ngành GD&ĐT tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo, mục tiêu của Nghị quyết số 29- NQ/TW và những nhiệm vụ, giải pháp được cụ thể hóa trong Chương trình hành động số 235 CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Toàn ngành tập trung thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sắp xếp mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ giáo viên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục theo hướng tăng cường phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ cho cơ sở. Thực hiện hiệu quả việc sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp theo đề án đã được phê duyệt. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, kỷ cương hành chính, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo và đạo đức công vụ của cán bộ quản lý giáo dục. Nâng cao chất lượng dạy và học của các cơ sở giáo dục và đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục- xóa mù chữ, kiểm định chất lượng giáo dục. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện sự nghiệp GD&ĐT.