Chuyên gia Mỹ:

Thế giới sẽ có 50 triệu người “tị nạn môi trường”

Một thập kỷ tới, bán cầu Bắc sẽ phải tiếp nhận làn sóng 50 triệu người “tị nạn môi trường” vì thiếu lương thực, hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu trên Trái Đất.

Đó là lời cảnh báo của các chuyên gia môi trường tại Hội nghị khoa học thường niên của Hiệp hội vì sự tiến bộ khoa học Mỹ (AAAS) bế mạc ngày 21-2 ở Oa-sinh-tơn (Washington). Giáo sư Cri-xti-na Ti-ra-đô (Cristina Tirado) thuộc Đại học Tổng hợp California cho biết vào năm 2020, Liên hợp quốc dự báo sẽ có khoảng 50 triệu dân tị nạn môi trường. Khi con người không được đáp ứng đủ các điều kiện sống tối thiểu, họ sẽ di cư. Biến đổi khí hậu đang tác động đến cả an ninh lương thực và an toàn lương thực.

Nam Âu đã và đang cảm thấy sự gia tăng mạnh mẽ làn sóng người di cư đều đặn đến từ châu Phi, nhiều người trong số đó bất chấp nguy hiểm tính mạng vượt qua eo biển

Gi-bran-ta (Gibraltar) từ Ma-rốc đến Tây Ban Nha hoặc đi tàu biển từ Li-bi và Tuy-ni-di tới Italia. Dòng người di cư gần đây tăng mạnh sau khi xảy ra biến động chính trị ở Tuy-ni-di.

Khái niệm “người tị nạn môi trường” do tiến sĩ No-man Mai-ơ (Norman Myers) thuộc Đại học Oxford (Anh) đưa ra năm 2001. Chuyên gia này gọi đây là một “hiện tượng mới” do biến đổi khí hậu tạo ra. Trong một bài viết đăng trên tạp chí “Xã hội Hoàng gia Anh” năm đó, ông Mai-ơ nêu rõ có những người không thể kiếm sống lâu dài trên mảnh đất quê hương họ do tình trạng hạn hán, đất xói mòn, sa mạc hóa, nạn phá rừng và các vấn đề môi trường khác, cùng với đó là những khó khăn do sức ép dân số và sự nghèo khổ cùng cực.