Kết quả nghiên cứu đánh giá tính tổn thương trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu cho lưu vực sông Cái và khu vực phụ cận

Nghiên cứu “Đánh giá tính tổn thương trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu (BĐKH) cho lưu vực sông Cái và khu vực phụ cận tỉnh Ninh Thuận” nằm trong khuôn khổ Dự án “Quản lý nguồn nước tổng hợp và Phát triển đô thị trong mối liên hệ với BĐKH tỉnh Ninh Thuận” do Chính phủ Bỉ tài trợ, được triển khai vào tháng 1-2018, đến nay cơ bản đã hoàn thành, đảm bảo đúng tiến độ, đạt được mục tiêu chính là hỗ trợ tỉnh ta trong việc hoạch định chiến lược quản lý và phát triển đô thị, xây dựng kế hoạch hành động chi tiết cho lưu vực sông Cái và vùng phụ cận.

Theo đó, nghiên cứu thực hiện 16 nhiệm vụ, gồm 3 nhóm: Xác định cơ cấu tổ chức và thành phần liên quan; đánh giá tổn thương và nâng cao năng lực thích ứng; đào tạo nâng cao năng lực xác định điểm nóng và đánh giá tổn thương. Sau một thời gian tiến hành điều tra thực địa, thu thập dữ liệu, các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu đưa ra kết luận: Lũ lụt và hạn hán là 2 loại thiên tai nghiêm trọng nhất ở tỉnh ta. Giai đoạn 2010-2015, thời tiết và tình hình thiên tai có sự thay đổi, lũ lụt ít xảy ra, nhưng hạn hán lại kéo dài và nghiêm trọng hơn trước. Khu vực miền núi, địa bàn huyện Ninh Sơn và Bác Ái gia tăng lũ lụt và sạt lở đất, hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra phức tạp; nhiệt độ tăng, hạn hán, thiếu nước vào mùa khô. Khu vực đồng bằng, địa bàn huyện Ninh Hải, Thuận Bắc, Ninh Phước, Thuận Nam bên cạnh những hiện tượng tương tự, thì tình trạng xâm nhập mặn ngày càng vào sâu trong đất liền; khu vực Tp. Phan Rang-Tháp Chàm và huyện Ninh Hải chịu tác động nặng nề hơn của BĐKH do ảnh hưởng của nước biển dâng vào mùa bão làm sạt lở đất, đan xen hạn hán, thiếu nước vào mùa khô.

Một trong những giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu là xây dựng bổ sung công trình thủy lợi

Nghiên cứu đưa ra kết luận: Nguyên nhân hạn hán và suy giảm nguồn nước do tổng lượng mưa hằng năm thấp, phân bố không đều, từ tháng 7 đến tháng 8 hằng năm hầu như không có mưa. Khả năng chống chịu với BĐKH và thiên tai yếu, chỉ từ thấp đến trung bình, mức độ rủi ro còn gia tăng hơn. Đối với tổn thương bởi nguy cơ ngập lụt, vùng chịu ảnh hưởng lớn chủ yếu ở khu vực phía Nam sông Dinh và vùng hạ lưu sông Lu, sông Quao. Dự báo thị trấn Phước Dân và xã An Hải (Ninh Phước) có thể bị tổn thương nặng vào thời gian tới. Đối với tổn thương bởi nguy cơ xâm nhập mặn, khu vực dọc 2 bên sông Dinh từ phường Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) đến xã Phước Sơn (Ninh Phước) chịu tổn thương ở mức trung bình. Mặc dù vậy, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng ít nhiều đến sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Do nguồn nước bị nhiễm mặn nên Nhà máy nước Phước Dân và Hệ thống cấp nước Đông Mỹ Hải không thể khai thác nước ngầm sử dụng, diện tích gieo trồng giảm 13%/năm, năng suất giảm 2,4%.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, chỉ số tổn thương là tổ hợp của 3 tham số: Mức độ phơi lộ, nhạy cảm và khả năng thích ứng, do đó các giải pháp cần tập trung là làm giảm mức độ của các tổ hợp; đồng thời, tăng khả năng thích ứng với BĐKH. Quá trình phát triển kinh tế - xã hội sẽ dẫn tới dân số tăng, cơ sở hạ tầng đô thị, thủy lợi, giao thông, giáo dục, y tế ngày càng phát triển, nên dưới tác động của BĐKH sẽ làm tăng nguy cơ rủi ro thiệt hại. Vì vậy, các nhà khoa học đề xuất với tỉnh cần ưu tiên lập các dự án chi tiết phòng, chống tác động tiêu cực của BĐKH theo hướng bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Xây dưng hệ thống quan trắc về BĐKH, hệ thống cảnh bảo sớm về mưa lũ, hạn hán, xâm nhập mặn; xây dựng công cụ phần mềm hỗ trợ ra quyết định về khả năng đánh giá tổn thương.

Theo đánh giá của Viện Tài nguyên và Môi trường nước Đông Nam Á (cơ quan thực hiện nghiên cứu), với địa phương còn khó khăn như tỉnh Ninh Thuận, hầu hết người dân làm nghề nông, thì tính dễ bị tổn thương đối với BĐKH là rất lớn. Trong khi đó, hệ thống hạ tầng được xây dựng trước năm 2000 nên khả năng chống chịu thiên tai và BĐKH hạn chế. Để ứng phó với BĐKH, giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới là chú trọng nhân rộng các mô hình sản xuất sạch, sử dụng nước tiết kiệm; xây dựng bổ sung công trình thủy lợi, hệ thống kênh nối liên hồi; quản lý phân bổ nguồn nước ổn định, hợp lý. Riêng lĩnh vực phát triển đô thị, nông thôn, coi trọng xây dựng quy chuẩn hạ tầng và nhà ở thích ứng với BĐKH, hướng đến quy hoạch và phát triển đô thị xanh.