Liên hợp quốc - biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn cầu vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng

Cách đây 73 năm, ngày 24-10-1945, Liên hợp quốc (LHQ) - tổ chức quốc tế đa phương đầu tiên, lớn nhất và có ảnh hưởng nhất tới đời sống quốc tế - chính thức được thành lập.

Trong 73 năm qua, LHQ luôn giữ vai trò hàng đầu trong các nỗ lực ngăn ngừa và giải quyết các cuộc xung đột, góp phần to lớn vào việc đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, duy trì hòa bình và xây dựng một thế giới phát triển, ấm no và hạnh phúc. Ngày nay, trước những biến động trên thế giới, LHQ đang đứng trước những yêu cầu cần phải thay đổi cả bên trong lẫn bên ngoài một cách toàn diện.

Nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng

Ngày 26-6-1945, tại thành phố San Francisco (Mỹ), các đại biểu đến từ 51 quốc gia đã cùng ký vào bản Hiến chương LHQ, thành lập nên tổ chức quốc tế đa phương đầu tiên, lớn nhất và có ảnh hưởng nhất tới đời sống quốc tế cho đến nay. Sau 4 tháng kể từ khi bản Hiến chương LHQ được ký kết, đến ngày 24-10-1945, LHQ chính thức được thành lập sau khi Hiến chương LHQ được các nước Trung Quốc, Pháp, Liên Xô, Vương quốc Anh, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ phê chuẩn. Từ đó, ngày 24-10 hàng năm được Đại hội đồng LHQ chọn làm ngày kỷ niệm Hiến chương LHQ.

Ra đời ngay sau sự tàn phá khốc liệt của Chiến tranh Thế giới thứ II, sứ mệnh cao cả của LHQ được ghi rõ trong Hiến chương LHQ là ngăn ngừa một cuộc chiến tranh thế giới mới. Để thực hiện sứ mệnh đó, Điều 1 của Hiến chương LHQ đã chỉ rõ, 4 mục tiêu chính của LHQ gồm: Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế; Thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng về quyền lợi giữa các dân tộc và nguyên tắc dân tộc tự quyết; Thực hiện hợp tác quốc tế thông qua giải quyết các vấn đề quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo trên cơ sở tôn trọng các quyền con người và quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ và tôn giáo; Xây dựng LHQ làm trung tâm điều hòa các nỗ lực quốc tế vì mục tiêu chung.

Các nguyên tắc hoạt động chủ đạo của LHQ được quy định rõ trong Hiến chương LHQ là: Bình đẳng về chủ quyền quốc gia; Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị quốc gia; Cấm đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; Không can thiệp vào công việc nội bộ các nước; Tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế và luật pháp quốc tế; Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình.

Từ 51 quốc gia thành viên khi được thành lập, đến nay, LHQ đã có 193 quốc gia thành viên và trở thành một hệ thống toàn diện gồm 5 cơ quan chính, nhiều cơ quan phụ trợ, 20 tổ chức chuyên môn và 5 Ủy ban Kinh tế - Xã hội đặt ở các khu vực, hàng chục quỹ và chương trình, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, từ giải quyết và ngăn ngừa xung đột, giải trừ quân bị và không phổ biến, chống khủng bố, bảo vệ người tị nạn, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cho đến thúc đẩy dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới, phát triển kinh tế và xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Nhiều thành tựu

Ngày nay LHQ đã trở thành tổ chức toàn cầu rộng rãi nhất với sự tham gia của hầu như toàn bộ các quốc gia độc lập trên thế giới. Vai trò và hoạt động của LHQ được mở rộng về mọi mặt, nỗ lực hoạt động hướng tới thực hiện các tôn chỉ mục đích đã được đề ra, qua đó đem lại những tác động tích cực, to lớn đến đời sống quốc tế và mỗi quốc gia.

Liên hiệp quốc đã phát huy vai trò to lớn của mình, nỗ lực không mệt mỏi để gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột, chiến tranh; thực thi những chuẩn mực cốt lõi của quan hệ quốc tế trong Hiến chương LHQ.

Trải qua những thăng trầm lịch sử, nhất là thời kỳ Chiến tranh Lạnh, LHQ vẫn duy trì là một diễn đàn hòa bình để các bên đối thoại. LHQ tích cực đóng vai trò trung gian hòa giải nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế thông qua thương lượng, sáng kiến giải pháp hòa bình cho hàng trăm cuộc xung đột ở các khu vực, với phạm vi và quy mô ngày càng được mở rộng. Nhờ có sự can thiệp của LHQ, nhiều cuộc xung đột đã được giải quyết.

Trong 73 năm qua, hơn 500 điều ước quốc tế đa phương quan trọng trong nhiều lĩnh vực đã được ký kết, tạo khuôn khổ chung cho việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Những năm gần đây, LHQ đạt được những thành tựu về hợp tác và phát triển toàn cầu, ký kết Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân, cải cách Hệ thống phát triển LHQ, thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ (MDG) 2015 và triển khai Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) 2030; giải quyết các vấn đề toàn cầu về xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ phụ nữ, trẻ em, bảo đảm quyền con người, cải thiện y tế, văn hóa, giáo dục, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu…

LHQ đã thực sự trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết toàn cầu, nơi kết tinh các giá trị tiến bộ nhân văn và hiện thực hóa khát vọng vươn lên vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng.

Và cũng nhiều thách thức

Bước sang thế kỷ XXI, thế giới đang chứng kiến sự “chuyển dịch”, biến động sâu sắc trên nhiều mặt, đặt ra những bài toán mới đối với tất cả các quốc gia. Hành tinh của chúng ta đang chuyển động nhanh chóng với động lực mạnh mẽ từ những tiến bộ vượt bậc về khoa học, công nghệ trong cách mạng công nghiệp 4.0 và sự lan tỏa theo xu thế tất yếu của toàn cầu hóa. Điều đó mở ra nhiều cơ hội mới để đưa nhân loại bước vào giai đoạn phát triển kinh tế mạnh mẽ chưa từng có trong lịch sử, góp phần củng cố xu thế lớn của toàn cầu về hòa bình, hợp tác và phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì thế giới cũng đang phải đối mặt với những thách thức mới, rất to lớn. Hòa bình thế giới vẫn chưa được bảo đảm. Tình hình bán đảo Triều Tiên đã có tiến triển, nhưng ở Trung Đông, châu Phi và nhiều “điểm nóng” khác trên thế giới, xung đột và nguy cơ xung đột vẫn hiện hữu, chủ nghĩa khủng bố, vấn đề di cư vẫn đang là sự nhức nhối của nhiều quốc gia...

Tư duy cường quyền đề cao sức mạnh, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, sự gia tăng các biện pháp đơn phương tiếp tục là mối đe dọa đối với hòa bình, ổn định quốc tế. Tình trạng bất công và bất bình đẳng còn tồn tại nhiều nơi trên thế giới; sự phát triển của toàn cầu vẫn có nhiều rủi ro, thiếu ổn định; tác động lan rộng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường; đói nghèo vẫn là một thách thức to lớn, với thực tế còn gần 750 triệu người nghèo đói cùng cực trên thế giới, trong đó có rất nhiều trẻ em, đói không đủ ăn, lạnh thiếu áo ấm, ốm đau không có thuốc uống, nghèo không được đi học...

Một thách thức khác là hiện trên thế giới có 1,8 tỷ người ở độ tuổi từ 10 đến 24, trong đó 90% sống tại các quốc gia kém phát triển. Đây là số lượng dân số trẻ lớn nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, tình trạng bất ổn chính trị, thất nghiệp, bị hạn chế không gian tham gia các hoạt động chính trị và dân sự có thể khiến giới trẻ bị cô lập.

Tình trạng biến đổi khí hậu cũng đang khiến thế giới chệch khỏi con đường hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Khí hậu khắc nghiệt và diễn biến thất thường - hạn hán kéo dài, các cơn siêu bão, lũ lụt và cháy rừng - đã và đang đe dọa những tiến triển chung của nhân loại. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính trong thập niên tới 10 triệu người có thể bị đẩy vào cảnh nghèo đói do biến đổi khí hậu.

Hơn nữa, những cuộc xung đột và tình trạng biến đổi khí hậu đang đẩy số người bị mất nhà cửa trên toàn cầu lên tới mức cao nhất trong lịch sử, việc bảo vệ người tị nạn và người di cư cũng là một thách thức vô cùng quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững nhằm “không ai bị bỏ lại phía sau”…

Trong bối cảnh thế giới ngày càng phức tạp, nhiều thách thức và ngày càng phụ thuộc lẫn nhau thì chủ nghĩa đa phương và LHQ càng khẳng định vai trò quan trọng không thể thiếu. Và có một điều phải khẳng định rằng, không một quốc gia nào, dù đó là các cường quốc giàu mạnh, có đủ sức giải quyết những thách thức to lớn đối với toàn cầu hiện nay, mà điều này đòi hỏi sự nỗ lực, chung tay của mọi quốc gia trên hành tinh.

Trong báo cáo thường niên của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres hồi tháng 8-2018 đã khẳng định, chủ nghĩa đa phương là cách duy nhất để giải quyết các thách thức toàn cầu hiện nay. Theo báo cáo, tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương như "con đường duy nhất để giải quyết các thách thức toàn cầu". Ngoài ra, báo cáo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng quan hệ đối tác với các nước thành viên LHQ, các tổ chức khu vực và quốc tế, cũng như các tổ chức xã hội dân sự để tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề toàn cầu vượt quá khả năng giải quyết của các nước khi đứng riêng rẽ.

Theo Tổng thư ký LHQ Guterres, để vận hành hiệu quả, linh hoạt và tập trung hơn, hiện LHQ đang đứng trước yêu cầu đòi hỏi phải có sự cải tổ và cơ cấu lại tổ chức. Vấn đề cải tổ ở tổ chức quốc tế đa phương lớn nhất thế giới này hiện đang là đòi hỏi bức thiết của bản thân LHQ, cũng như của cộng đồng quốc tế.

Trong những năm tới, Tổng thư ký Guterres khẳng định LHQ cần tiếp tục sáng tạo và đổi mới trong bối cảnh các vấn đề và sự kiện thế giới đang đổi thay từng ngày. LHQ sẽ tiếp tục là một nền tảng tạo điều kiện để các nước thành viên, các tổ chức khu vực và xã hội dân sự tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề toàn cầu mà không nước nào có thể giải quyết đơn độc. Theo ông, "hợp tác đa phương không phải một lựa chọn, mà là câu trả lời duy nhất".