Trường THPT Tôn Đức Thắng chú trọng giáo dục đạo đức học sinh

Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, nhiều năm qua, bên cạnh trang bị kiến thức văn hóa, Trường THPT Tôn Đức Thắng còn đặc biệt quan tâm đến công tác giáo dục đạo đức cho học sinh (HS).

Thầy Hứa Đại Khoa, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Giáo dục đạo đức cho HS là một vấn đề không hề dễ. Đó là một quá trình thường xuyên, liên tục và cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và địa phương. Ở Trường THPT Tôn Đức Thắng, công tác giáo chính trị tư tưởng, đạo đức cho HS được tiến hành trong suốt cả năm học với nội dung và hình thức phong phú. Từ đẩy mạnh tuyên truyền, trang bị kiến thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn và những điều HS không được làm gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” hay phong trào “Thi đua làm việc tốt” trong tầng lớp HS...

Học sinh Trường THPT Tôn Đức Thắng tham gia tuyên truyền phòng, chống ma túy.

Nhằm tạo môi trường năng động, tích cực, thân thiện để HS rèn luyện nhân cách, nếp sống văn hóa lành mạnh, gương mẫu, tránh xa tệ nạn xã hội, nhà trường đã quan tâm xây dựng tổ chức đoàn thanh niên vững mạnh. Hằng năm, đoàn trường triển khai nhiều hoạt động sôi nổi như: Thi kể chuyện dưới cờ, thi tìm hiểu về tấm gương Bác Hồ hoặc thi viết về những cá nhân, tập thể trong trường có nhiều hành động đẹp, việc làm ý nghĩa, thiết thực trong rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống hay thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí; thi tuyên truyền ca khúc cách mạng, tổ chức cuộc thi “Sáng mãi tên anh” tìm hiểu về Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Ơn”; tổ chức về nguồn tại các căn cứ cách mạng; quyên góp thăm hỏi, trao quà các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các HS nghèo hiếu học, đồng bào miền Trung bị bão lũ; xây nhà nhân ái cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn…với số tiền hàng trăm triệu đồng. Qua đó, giúp các nâng cao nhận thức chính trị, vun đắp tình yêu quê hương, đất nước, lòng biết ơn đối với các thế hệ cha ông đi trước; đồng thời, mang lại cho các em bài học ý nghĩa về tình thương, lòng nhân ái và sự sẻ chia… Ngoài ra, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, phụ huynh và địa phương cũng là một trong những vấn đề luôn được Ban Giám hiệu nhà trường đặc biệt chú ý.

Thầy Hứa Đại Khoa cho biết thêm: Điều quan trọng trong giáo dục đạo đức nhân cách con người chính là sự thấu hiểu, biết lấy nhu để thắng cương. Ở tuổi các em tâm lý còn rất phức tạp, chưa đủ sự chín chắn và thích thể hiện nên rất dễ mắc lỗi. Do vậy, yêu cầu nhà trường đặt ra cho mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên là hãy đối xử với học trò như với mỗi người con, người em của mình. Nếu HS mắc lỗi hãy thật nhẹ nhàng, quan tâm tìm hiểu nguyên nhân sự việc, biết nhìn vào điểm tốt để động viên, khuyến khích các em phấn đấu rèn luyện trở thành con ngoan trò giỏi. Nhờ vậy, những năm qua, tỷ lệ HS có hạnh kiểm tốt không ngừng được nâng lên. Năm học vừa qua, trường có 78 % tỷ lệ HS xếp loại hạnh kiểm tốt, 16,5% xếp loại hạnh kiểm khá.