Doanh nhân Nguyễn Hữu Tuấn - gắn lợi ích doanh nghiệp với nông dân

“Kinh doanh đối với tôi là niềm đam mê-mục đích không chỉ để được trải nghiệm, sáng tạo, tìm cơ hội và tự mình quyết định hướng đi làm giàu cho bản thân, mà còn là vì mong muốn đóng góp chút sức mình mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho nông dân ở xứ sở nắng gió này…”.

Có lẽ chính sự mạnh mẽ trong cách nghĩ, cách làm, mục tiêu, lý tưởng trong sáng ấy đã giúp cho doanh nhân Nguyễn Hữu Tuấn (ảnh), Giám đốc Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận có những bước đi thành công trên con đường xây dựng sự nghiệp.

Vẫn dáng vẻ tất bật như mọi lần gặp gỡ, nhưng buổi trò chuyện với chúng tôi lần này, anh Nguyễn Hữu Tuấn còn tỏ niềm phấn khởi, thông báo tin vui: Sau bao năm vất vả, Dự án Xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ cây măng tây xanh cũng sắp được thực hiện, dự kiến đến cuối tháng 10 sẽ khởi công. Giai đoạn trước mắt công ty sẽ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, dây chuyền sản xuất trà túi lọc măng tây xanh khép kín công nghệ hiện đại của Đài Loan. Con đường kinh doanh vẫn còn nhiều gian nan lắm…

Việc kinh doanh trà măng tây xanh của anh Tuấn cũng rất tình cờ. Năm 2015, anh Tuấn gặp anh Nguyễn Văn Trinh, ở phường Văn Hải (Tp. Phan Rang- Tháp Chàm) và được biết anh ấy đang sản xuất trà măng tây xanh. Tuy nhiên, việc sản xuất chỉ trong thời gian thử nghiệm, mọi công đoạn đều làm thủ công, chưa có bao bì, nhãn mác. Qua tìm hiểu và biết được công dụng của cây măng tây xanh, anh Tuấn thực sự bị hấp dẫn. Nhận thấy đây là cơ hội tốt để làm ăn, anh quyết định từ bỏ công việc nhân viên ngân hàng, bàn với anh Trinh thành lập doanh nghiệp sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ cây măng tây xanh, mà sản phẩm chủ lực trước mắt là trà. Trong đó, anh Tuấn nhận trách nhiệm đầu tư vốn, việc sản xuất kinh doanh; anh Trinh hỗ trợ kỹ thuật và phát triển vùng nguyên liệu. Công ty TNHH Linh Đan Ninh Thuận ra đời từ đó.

Thời gian đầu thành lập, công ty gặp muôn vàn khó khăn; trong đó nan giải nhất là “bài toán” nguyên liệu. Theo anh Tuấn, mặc dù phong trào trồng măng tây xanh trong tỉnh đã phát triển rất mạnh, nhưng vẫn còn manh mún; kỹ thuật chăm sóc cây trồng của bà con còn nhiều hạn chế, do đó năng suất, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu. Qua khảo sát thực tế, cộng với sự hỗ trợ, tư vấn của một số cơ quan chuyên môn, anh Tuấn quyết định ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với một số hộ nông dân ở xã An Hải (Ninh Phước), phường Văn Hải (Tp.Phan Rang- Tháp Chàm) xây dựng vùng nguyên liệu; sau đó mở rộng ra ở một số địa phương khác trong tỉnh như: xã Lợi Hải (Thuận Bắc), Phước Dinh (Thuận Nam), với diện tích hiện lên đến gần 30 ha. Các hộ dân ký kết hợp đồng được công ty tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng đáp ứng các yêu cầu về chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP; đồng thời cho ký nợ một phần tiền giống và hoàn trả sau khi thu hoạch. Để chủ động hơn về nguyên liệu, công ty còn tự đầu tư trồng 5 ha măng tây xanh tại xã An Hải; hiện đang mở rộng thêm 10 ha tại thị trấn Phước Dân (Ninh Phước). Trung bình mỗi ngày, toàn bộ vùng nguyên liệu cung cấp khoảng 700kg măng tây xanh tươi. Măng tây sau khi thu hoạch, phần ngọn được dùng làm rau ăn xuất đi thị trường các tỉnh; phần gốc được sơ chế, phơi khô để làm nguyên liệu sản xuất trà.

Với nhiều công dụng có lợi cho sức khỏe, mùi vị thanh ngọt nhẹ nhàng dễ uống, chất lượng sản phẩm luôn được bảo đảm, cộng với sự nhanh nhạy, linh hoạt trong kinh doanh, nên chỉ qua 3 năm xuất hiện, trà măng tây thương hiệu Linh Đan nhanh chóng hấp dẫn người tiêu dùng, có mặt trên thị trường tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước; đặc biệt vào được hệ thống siêu thị, nhà hàng tại các thành phố lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, với sản lượng trung bình hơn 20 tấn/năm, tổng doanh thu đạt trên 30 tỷ đồng. Không chỉ tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ nông dân ký kết hợp đồng sản xuất nguyên liệu, công ty còn tạo việc làm ổn định cho gần 20 lao động với mức thu nhập bình quân từ 3-5 triệu đồng/tháng.

Anh Tuấn cho biết thêm: Bước đầu giải quyết được bài toán vùng nguyên liệu, sản lượng tiêu thụ đạt cao, tuy nhiên một trăn trở đặt ra cho công ty trong những năm qua là nhà máy sản xuất. Do nguồn vốn còn hạn hẹp, chưa đủ đầu tư xây dựng nhà máy, nên công đoạn chế biến, đóng gói thành phẩm đều phải thuê một doanh nghiệp khác tại Lâm Đồng thực hiện, chi phí sản xuất hết sức tốn kém làm giảm lợi nhuận. Để nhà máy được khởi công là sự nỗ lực hết mình của bản thân cũng như đồng lòng của tập thể anh chị em trong công ty và hỗ trợ tích cực từ phía các cơ quan chức năng.

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, hiện công ty tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu cũng như các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, để khi đưa nhà máy đi vào hoạt động sẽ tăng sản lượng sản xuất lên gấp 3 lần so với hiện nay. Sau khi đưa dây chuyển sản xuất trà túi lọc vào hoạt động ổn định, công ty tiếp tục đầu tư công nghệ sản xuất các sản phẩm khác: nước giải khát măng tây, các loại mỹ phẩm chiết xuất từ cây măng tây…

Anh Tuấn chia sẻ: Hơn 3 năm đưa công ty đi vào hoạt động, nhưng đối với tôi, mọi thứ dường như chỉ mới bắt đầu, còn quá nhiều việc phải làm và khó khăn trước mắt. Mong rằng với sự nỗ lực hết mình, công ty sẽ ngày càng phát triển, và quan trọng hơn hết mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm có lợi cho sức khỏe, với chất lượng tốt nhất; đặc biệt góp phần tạo thương hiệu cho cây măng tây xanh Ninh Thuận, giúp bà con làm giàu từ loại cây trồng này.