Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) và sự tham gia chủ động, tích cực của Việt Nam

Trong hai ngày 18 và 19-10-2018, Hội nghị Cấp cao Á- Âu lần thứ 12 (ASEM 12) sẽ diễn ra tại thủ đô Brussels của Bỉ với chủ đề “Châu Á và Châu Âu: Quan hệ đối tác toàn cầu nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu”.

Đây là Hội nghị Cấp cao ASEM đầu tiên trong thập niên thứ ba, đề ra biện pháp nhằm phát huy vai trò ASEM trong thúc đẩy hợp tác đa phương, kết nối Á - Âu, đề cao luật pháp quốc tế, giải quyết các thách thức toàn cầu, duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển của thế giới và hai châu lục. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị.

ASEM - cơ chế hợp tác quan trọng, có quy mô lớn nhất giữa châu Á và châu Âu

Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (Asia - Europe Meeting, gọi tắt là ASEM) được chính thức thành lập ngày 1-3-1996, theo sáng kiến của Singapore và Pháp, với sự ủng hộ tích cực của 26 nhà Lãnh đạo Á - Âu, đặc biệt từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đây là diễn đàn đối thoại không chính thức giữa các nguyên thủ và người đứng đầu Chính phủ của các nước thành viên ASEM, lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) và Ban Thư ký ASEAN.

Mục tiêu của ASEM là tạo dựng "một mối quan hệ đối tác mới toàn diện giữa Á - Âu vì sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn", “tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai châu lục và thiết lập đối thoại chặt chẽ giữa các đối tác bình đẳng”.

Qua 5 đợt mở rộng, ASEM đã tăng từ 26 lên 53 thành viên (22 châu Á và 31 châu Âu), trong đó có 4 Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, 12 nước G20, 4 nước BRICS, đại diện cho 60% dân số thế giới, đóng góp hơn 55% thương mại, 65% GDP và 75% du lịch toàn cầu.

Cơ chế hoạt động của ASEM gồm Hội nghị Cấp cao (đến nay đã trải qua 11 kỳ Hội nghị), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (hiện đã có 13 kỳ Hội nghị), 10 kênh Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành điều phối hoạt động trong các lĩnh vực, và Hội nghị Quan chức cao cấp (SOM). Bộ máy giúp việc có 4 điều phối viên, gồm 2 thành viên châu Á (hiện là Philippines và Pakistan) và 2 thành viên châu Âu (hiện là Áo kiêm Chủ tịch đương nhiệm của EU cùng với Cơ quan đối ngoại và an ninh của EU là điều phối viên thường xuyên). Đến nay, ASEM chưa thể chế hóa và không có Ban Thư ký thường trực.

Về hợp tác ASEM, kể từ Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 11 tại Ulan Bator, Mông Cổ vào tháng 7-2016, tình hình quốc tế diễn biến nhanh và khó lường. Kinh tế thế giới bước vào giai đoạn tăng trưởng mới với tốc độ cao hơn, song vẫn tiềm ẩn rủi ro. Chủ nghĩa bảo hộ, xung đột thương mại, chống toàn cầu hóa tác động không thuận đến đà phát triển kinh tế thế giới và liên kết kinh tế - thương mại. Tình hình chính trị - an ninh quốc tế biến động phức tạp. Các thách thức an ninh phi truyền thống gay gắt hơn. Cộng đồng quốc tế tăng cường hợp tác ứng phó thách thức toàn cầu, thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và Khuôn khổ Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai.

Trước những chuyển biến nhanh chóng và phức tạp của cục diện khu vực và thế giới, ASEM tiếp tục là một trong những cơ chế đối thoại, hợp tác quan trọng, có quy mô lớn nhất giữa châu Á và châu Âu, được các thành viên coi trọng trong nỗ lực phát triển kinh tế, duy trì hòa bình, ổn định, ứng phó với các thách thức toàn cầu.

Sự tham gia của Việt Nam trong ASEM

Từ năm 1996, qua hơn 2 thập kỷ tham gia ASEM, Việt Nam luôn là một thành viên tích cực, năng động và có trách nhiệm, ghi những dấu mốc ý nghĩa trong chặng đường phát triển của ASEM. Việt Nam đóng góp nổi bật nhất là việc tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEM 5 (năm 2004), 5 Hội nghị Bộ trưởng trong các lĩnh vực: kinh tế (năm 2001), công nghệ - thông tin (năm 2006), ngoại giao (năm 2009), giáo dục (năm 2009), lao động (năm 2012) và triển khai nhiều sáng kiến trong các lĩnh vực chuyên ngành thuộc ưu tiên của ASEM.

Việt Nam tham gia đề xuất thúc đẩy hai lần mở rộng ASEM (Hội nghị Cấp cao ASEM 5 - năm 2004 và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 9- năm 2009) và cùng các thành viên thông qua nhiều văn kiện và quyết định quan trọng mang tính định hướng trong tiến trình hợp tác ASEM như “Tuyên bố Hà Nội về Quan hệ Đối tác Kinh tế ASEM chặt chẽ hơn”, “Tuyên bố ASEM về Đối thoại giữa các nền văn hóa, văn minh”, và “Khuyến nghị về cải tiến phương thức hoạt động ASEM” (năm 2004).

Đến nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên tích cực nhất của Diễn đàn với đề xuất 24 sáng kiến và đồng bảo trợ 27 sáng kiến về những lĩnh vực thiết thực với địa phương, doanh nghiệp và người dân như văn hóa, y tế, giao thông vận tải, an ninh năng lượng, tăng trưởng xanh, an sinh xã hội, phát triển bao trùm, kinh tế số…

Việt Nam là một trong những nước đi đầu khởi xướng và duy trì cơ chế hợp tác đầu tiên trong ASEM về quản lý nguồn nước là “Đối thoại ASEM về phát triển bền vững”, trong đó tập trung hợp tác tiểu vùng các nước ven sông Mekong - Danube, góp phần nâng hợp tác tiểu vùng Mekong lên tầm liên khu vực. Việt Nam cũng đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt trong ASEM (Điều phối viên hai nhiệm kỳ 1999 - 2000 và 2001 - 2002, Phó Giám đốc Điều hành Quỹ Á - Âu giai đoạn 2008 - 2012). Việt Nam hiện đang phát huy vai trò trong 5 Nhóm hợp tác chuyên ngành mà Việt Nam là thành viên về quản lý nguồn nước, ứng phó thiên tai, đào tạo nghề, giáo dục, phát triền nguồn nhân lực và kết nối công nghệ.

Triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII, Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả của đối ngoại đa phương, trong đó coi trọng Diễn đàn ASEM. Năm 2018, sự tham gia của Việt Nam trong ASEM có nhiều nét nổi bật. Việt Nam đã đăng cai thành công “Hội nghị ASEM về cùng hành động ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm đạt các mục tiêu phát triển bền vững” tại Cần Thơ ngày 19 và 20-6-2018. Đây là sáng kiến đầu tiên về ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với phát triển bền vững trong thập kỷ thứ ba của Diễn đàn, thúc đẩy các lợi ích và quan tâm của Việt Nam trong ứng phó biến đổi khí hậu gắn với phát triển bền vững, góp phần triển khai hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Tháng 11 tới, Việt Nam sẽ đăng cai “Hội nghị Á - Âu về học tập suốt đời gắn với đào tạo nghề, thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” tại Hà Nội.

Việt Nam tích cực tham gia và chủ động đóng góp vào các quan tâm chung của ASEM trong năm 2018, đặc biệt trong các lĩnh vực như kết nối, ứng phó biến đổi khí hậu và thiên tai, quản lý nguồn nước, an ninh lương thực, phát triển bền vững, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, nâng cao quyền năng của phụ nữ, phát triển nguồn nhân lực…