Nông nghiệp Ninh Sơn đổi mới cơ cấu theo hướng phát triển bền vững

(NTO) Ngày 15-9-2016, Huyện ủy Ninh Sơn ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU về việc Tổ chức lại sản xuất ngành Nông nghiệp của huyện Ninh Sơn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 – 2020. Đây có thể xem là một trong những nghị quyết thể hiện nỗ lực đổi mới cơ cấu và tạo bước đột phá cho phát triển nông nghiệp tại địa phương.

Ông Dương Đăng Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Mặc dù những năm qua việc thực hiện Đề án tổ chức lại sản xuất ngành Nông nghiệp của địa phương gặp khá nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết biến đổi bất thường, gây thiệt hại đến cây trồng, vật nuôi. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh, của Huyện ủy và UBND huyện, cùng nỗ lực cố gắng của ngành, chính quyền các xã và nhân dân nên việc triển khai thực hiện đề án đến nay đã đạt những kết quả nhất định. Trong năm 2017, riêng giá trị ngành nông nghiệp toàn huyện ước đạt trên 1.132 tỷ đồng, tăng 6% so với kế hoạch; trong 9 tháng năm 2018, giá trị nông nghiệp tiếp tục tăng 7,1%.

Có thể nói, để ngành Nông nghiệp Ninh Sơn đạt được sự tăng trưởng đều như trên là do hiện nay, toàn huyện đã triển khai thực hiện thành công nhiều mô hình sản xuất cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân và đang từng bước được nhân rộng. Với cây lúa, các mô hình như “1 phải, 5 giảm”; “3 giảm, 3 tăng”; trồng lúa an toàn (lúa hữu cơ)…đang được bà con nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số các xã Ma Nới, Lâm Sơn, Lương Sơn áp dụng vào sản xuất ngày càng nhiều, kết quả mang lại rất tích cực. Các chỉ số về năng suất, sản lượng luôn tăng từ 10-20% qua từng vụ, chi phí đầu tư cũng giảm từ 20 - 40 %. Mới đây, địa phương tiếp tục thí điểm thành công mô hình sản xuất lúa giống quy mô 10ha tại thôn Tân Lập 1, xã Lương Sơn trong vụ hè- thu. Theo đánh giá của Trung tâm Sản xuất giống cây trồng Nha Hố, chất lượng giống lúa sau thí điểm đạt khá tốt, năng suất đạt trung bình trên 60 tạ/ha. Đây có thể là cơ sở để thời gian tới huyện Ninh Sơn liên kết quy hoạch phát triển “tiểu vùng lúa giống” cho huyện và tỉnh.

Nông dân thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn chuyển đổi đất canh tác lúa kém
hiệu quả sang trồng cây đậu xanh cho hiệu quả cao.

Song song với đó, để cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp theo hướng toàn diện ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán, hằng năm, huyện Ninh Sơn chủ động đề ra mục tiêu chuyển đổi khoảng 200 ha diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ngắn ngày như đậu xanh, bắp lai, cây ăn trái và các mô hình rau, củ, quả sạch... Riêng trong 9 tháng năm 2018, đã có trên 140 ha đất lúa kém hiệu quả được thực hiện chuyển đổi thành công với hai loại cây là đậu xanh và bắp lai. Cùng với việc lựa chọn chuyển đổi canh tác các loại cây trồng phù hợp trên từng diện tích đất, hiện nay nhiều mô hình mang tính công nghệ đã và đang được nhiều nông dân ở Ninh Sơn áp dụng đưa vào sản xuất như: Tưới nước tiết kiệm; ứng dụng pin năng lượng mặt trời; sử dụng các loại máy móc trong khâu làm đất, thu hoạch…Đây được xem là tín hiệu đáng mừng trong quá trình từng bước “cơ giới hóa, hiện đại hóa” sản xuất nông nghiệp của huyện.

Bên cạnh cây trồng, vật nuôi là một thế mạnh không thể không nhắc đến của huyện Ninh Sơn trong những năm gần đây. Địa phương cũng xác định đây là một trong những ngành quan trọng trong khâu tổ chức lại sản xuất của ngành Nông nghiệp nên công tác phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ người chăn nuôi phát triển các mô hình theo hướng trang trại luôn được đẩy mạnh và kịp thời. Hiện nay, với tổng đàn hơn 71.000 con gia súc các loại và gần 200 ngàn con gia cầm, sản xuất chăn nuôi của Ninh Sơn không chỉ cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm trong toàn huyện mà còn xuất bán ra các địa phương khác trong và ngoài tỉnh.

Ngoài đổi mới cơ cấu trong sản xuất, chăn nuôi và trồng trọt, một trong những tiêu chí quan trọng để việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp huyện Ninh Sơn hướng đến thành công chính là các sản phẩm nông dân làm ra phải được đảm bảo có đầu mối tiêu thụ. Về vấn đề này, theo ông Dương Đăng Minh, hiện địa phương đã bước đầu liên kết được nhiều đầu mối và đang triển khai việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho nông dân cũng như quy hoạch các tiểu vùng đặc thù để thu hút các doanh nghiệp vào cùng hỗ trợ nông dân phát triển. Có thể kể đến các mô hình như: Hợp đồng bao tiêu trồng bắp, cỏ làm thức ăn cho Trang trại Bò sữa Vinamilk Đà Lạt của gần 50 hộ dân ở các xã: Quảng Sơn, Lương Sơn, Lâm Sơn, Tân Sơn; liên kết bao tiêu cây mỳ của 5 tổ, nhóm với gần 170 hộ sản xuất trên 354 ha với nhà máy thu mua mỳ tại địa phương; quy hoạch vùng trái cây đặc sản Lâm Sơn, với quy mô 400 ha, gắn với phát triển du lịch…

Những kết quả sau hơn 2 năm tổ chức lại sản xuất ngành Nông nghiệp của huyện Ninh Sơn rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy đây cũng chỉ là kết quả bước đầu, sự chuyển biến đã có nhưng chưa thật sự rõ nét. Qua tìm hiểu, phần lớn nông dân vẫn còn sản xuất theo mô hình kinh tế hộ, sản xuất truyền thống là chủ yếu, sự liên kết cùng nhau trong việc tạo ra hàng hóa lớn đưa ra thị trường vẫn còn thiếu; đã có liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp nhưng thiếu tính bền vững, trách nhiệm và lợi ích của các bên chưa được kết nối; một số sản phẩm vẫn loay hoay trong vùng nội địa chưa tìm đầu ra ổn định…

Vì vậy, để việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đạt được những mục tiêu đề ra theo hướng phát triển bền vững, thì rõ ràng huyện Ninh Sơn cần phải tiếp tục tháo gỡ những khó khăn như đã nêu. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền vận động nông dân từng bước đổi mới tư duy sản xuất trong nông nghiệp là rất cần thiết và phải liên tục.