Những chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

(NTO) Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), sớm nhất là Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23-11-2001 của Chính phủ.

Tuy nhiên, qua nhiều năm triển khai thực hiện, các DNNVV vẫn gặp phải những khó khăn, bất cập, chủ yếu là trình độ quản lý, nguồn vốn và nhân lực. Năm 2017, Luật Hỗ trợ DNNVV được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng để các doanh nghiệp phát triển ổn định, lâu dài, với nhiều quy định ưu đãi, góp phần phát triển về số lượng và nâng cao chất lượng hoạt động của các DNNVV trong thời gian tới.

Những nội dung hỗ trợ như sau:

Hỗ trợ tiếp cận tín dụng

Đối với tín dụng thương mại, Luật quy định trong từng thời kỳ Chính phủ có chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng dư nợ cho vay đối với DNNVV; bổ sung quy định các tổ chức tín dụng cho vay đối với DNNVV dựa trên xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp và biện pháp phù hợp khác. Đồng thời, các DNNVV được hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi, tăng cường năng lực quản trị, minh bạch hoạt động để nâng cao năng lực tiếp cận tín dụng.

 Nam Á Bank Ninh Thuận đáp ứng tốt nhu cầu tín dụng của khách hàng. Ảnh Văn Nỷ.

Đối với tín dụng ưu đãi (có cấp bù lãi suất của Nhà nước qua các tổ chức tín dụng), Luật quy định chỉ áp dụng đối với 3 nhóm DNNVV trọng tâm.

Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV cũng được kiện toàn, đổi mới mô hình hoạt động để đáp ứng tốt hơn nhu cầu bảo lãnh của các DNNVV để tiếp cận vay vốn tại các tổ chức tín dụng.

Hỗ trợ thuế, kế toán: Luật quy định DNNVV được áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng chung cho các doanh nghiệp để nuôi dưỡng nguồn thu trong dài hạn, nâng cao khả năng sinh lời, tích lũy của các DNNVV. Việc hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp là có thời hạn. Luật cũng quy định doanh nghiệp siêu nhỏ được áp dụng chế dộ kế toán và các thủ tục hành chính thuế đơn giản.

Hỗ trợ mặt bằng sản xuất: Luật quy định, tùy điều kiện ngân sách địa phương, UBND cấp tỉnh hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho các DNNVV tại các cụm, khu công nghiệp, khu công nghệ cao trên địa bàn. Hỗ trợ này có thời hạn, tối đa là 5 năm. Quy định cơ sở để cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh căn cứ khả năng cân đối ngân sách của địa phương quyết định hỗ trợ các DNNVV trên địa bàn.

Hỗ trợ mở rộng thị trường: Luật quy định cơ sở pháp lý hỗ trợ một số doanh nghiệp trong nước có tiềm lực, kinh nghiệm kinh doanh chuỗi bán buôn, bán lẻ hình thành, mở rộng và phát triển chuỗi phân phối sản phẩm để thúc đẩy sản xuất trong nước và khuyến khích tiêu thụ hàng hóa của DNNVV tại thị trường nội địa; đồng thời các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh thành lập hoặc tham gia thành lập chuỗi phân phối sản phẩm theo hình thức đối tác công tư theo quy định của pháp luật.

Hỗ trợ cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật và khu làm việc chung: Để cung cấp các dịch vụ tiện ích hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp; thiết kế, thử nghiệm, đo lường, phân tích, giám định, kiểm định sản phẩm, hàng hóa, vật liệu; cung cấp không gian làm việc chung, trưng bày sản phẩm và các tiện ích khác cho các DNNVV, Luật quy định các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh thành lập hoặc tham gia thành lập theo hình thức đối tác công tư các cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật và khu làm việc chung. Các doanh nghiệp, tổ chức tham gia thành lập được Nhà nước hỗ trợ về miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thời hạn.

Các nội dung hỗ trợ trọng tâm:

- Hỗ trợ DNNVV chuyển đổi từ hộ kinh doanh: Đây là khu vực có tiềm năng, đóng góp lớn cho nền kinh tế. Nhà nước cần có các chính sách để khuyến khích đối tượng này chuyển sang khu vực chính thức, hoạt động minh bạch, hiệu quả và tiếp cận các nguồn lực kinh doanh tốt hơn. Luật đã quy định các hình thức hỗ trợ cụ thể để khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi sang thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

- Hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: DNNVV là nơi có nhiều cải tiến, khởi nguồn đổi mới, sáng tạo trong kinh doanh. Luật thiết kế các hình thức hỗ trợ nhằm thúc đẩy phát triển DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là tạo khung pháp lý hình thành Quỹ khởi nghiệp sáng tạo để góp vốn thành lập, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, cho phép UBND cấp tỉnh tham gia cùng quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo để thực hiện đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo.

- Hỗ trợ DNNVV tham gia cụm liên kết ngành: Luật đưa ra các hình thức hỗ trợ để thúc đẩy hình thành liên kết giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và các tổ chức khác nhằm giúp doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, tạo ra chuỗi giá trị gia tăng cao và bền vững cho các sản phẩm chủ lực quốc gia, khắc phục được tính nhỏ lẻ, thiếu liên kết, rời rạc của các DNNVV.