Bác Ái: Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao chất lượng dân số

(NTO) Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, Bác Ái luôn xác định công tác dân số-kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là đòn bẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Theo đó, thời gian qua, Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện đẩy mạnh các hoạt động truyền thông hướng tới mục tiêu thực hiện gia đình ít con, khỏe mạnh, không phân biệt giới tính,…từng bước nâng cao chất lượng dân số.

Là nhiệm vụ “then chốt” quyết định đến hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ nên công tác truyền thông luôn được các cấp từ huyện đến cơ sở quan tâm đẩy mạnh với nhiều nội dung, hình thức phong phú. Huyện duy trì thực hiện mô hình truyền thông nhóm tại địa bàn dân cư, hướng đến đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, các cấp cơ sở lồng ghép phối hợp các hội đoàn thể, nhất là Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên triển khai tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về các vấn đề: tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe sinh sản; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi,... Ngoài ra, ngành Dân số huyện còn phối hợp tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, cấp phát các tranh ảnh, tờ bướm tuyên truyền về KHHGĐ. Để trang bị kiến thức về SKSS cho các em vị thành niên, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện còn phối hợp với các trường THCS, THPT lồng ghép hoạt động tư vấn cho  học sinh tại các buổi học ngoại khóa giúp các em hiểu rõ hơn về những vấn đề tâm sinh lý, tình bạn, tình yêu tuổi vị thành niên, thanh niên.. Từ đầu năm đến nay, huyện thực hiện được 33 buổi nói chuyện chuyên đề về tầm soát dị dạng, bệnh, tật bẩm sinh, bình đẳng giới, chăm sóc SKSS vị thành niên... thu hút trên 1.500 lượt người tham gia. Đồng thời ở cơ sở, các lực lượng CTV tích cực rà soát, theo dõi những cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt chú trọng những gia đình sinh con 1 bề, phụ nữ đang mang thai chia sẻ, hướng dẫn cách làm mẹ an toàn, cách sử dụng các biện pháp tránh thai để chị em lựa chọn phù hợp. Nhờ đẩy mạnh truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi dưới nhiều hình thức nên nhận thức của người dân về DS - KHHGĐ ngày càng chuyển biến tích cực... 

Cán bộ Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Bác Ái nói chuyện chuyên đề
về “Mất cân bằng giới tính khi sinh” cho phụ nữ thôn Đồng Dày, xã Phước Trung.

Cùng với việc đẩy mạnh truyền thông, giáo dục về thực hiện các chính sách DS-KHHGĐ, Trung tâm DS- KHHGĐ huyện đã triển khai các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số như: “Tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân”, “Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh” “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi”...Trong đó, triển khai chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ tới các đối tượng được ưu tiên. Từng bước củng cố, kiện toàn bộ máy làm công tác Dân số - KHHGĐ hoạt động hiệu quả, cơ sở vật chất, các trang thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác DS - KHHGĐ được quan tâm đầu tư, đảm bảo cung cấp đầy đủ, kịp thời các biện pháp tránh thai cho người dân.

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên các chỉ tiêu về DS-KHHGĐ những năm qua trên địa bàn huyện cơ bản đạt và vượt kế hoạch đề ra. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện có trên 3.500 người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại, đạt 107% kế hoạch. Trong đó, các biện pháp tránh thai thuốc uống, thuốc tiêm đều đạt trên 95%. Chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn huyện cũng còn nhiều hạn chế, như: Tỷ lệ sinh con thứ 3 tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2017; tỷ lệ một số biện pháp tránh thai, sàng lọc trước sinh và sơ sinh còn thấp...Do thù lao thấp nên một số cộng tác viên thiếu nhiệt tình, ảnh hưởng đến hoạt động dân số; công tác xã hội hóa các phương tiện tránh thai thực hiện còn chậm, do mức sống dân cư trên địa bàn chưa cao.

Anh Cù Đăng Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Bác Ái cho biết: Để hoàn thành mục tiêu duy trì tỷ lệ tăng dân số tự nhiên năm 2018 là 1,62%; tỷ lệ sinh giảm 0,89‰; tỷ lệ sinh con thứ 3 dưới 20,8%, thời gian tới Trung tâm DS-KHHGĐ huyện tập trung truyền thông nâng cao nhận thức người dân. Cụ thể là không nên lựa chọn giới tính khi sinh con, không sinh con thứ 3, đặc biệt tập trung các xã có số người sinh con thứ 3 trở lên cao, đối tượng có con 1 bề, các gia đình khá giả muốn sinh thêm con; duy trì tốt hoạt động các nhóm truyền thông tại cộng đồng, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc ở cơ sở, nâng cao chất lượng dân số.