Cuộc chiến pháp lý Mỹ - Iran gây ra những tác động khó lường

Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) - tòa án cấp cao nhất của Liên hợp quốc - có trụ sở tại La Hay, Hà Lan, vừa ra phán quyết yêu cầu Mỹ đảm bảo các biện pháp trừng phạt đối với Iran không gây ảnh hưởng đến hàng hóa phục vụ đời sống của con người hoặc an toàn hàng không dân dụng. Diễn biến này đã khiến căng thẳng giữa Mỹ và Iran tiếp tục leo lên những nấc thang mới.

Căng thẳng pháp lý

Trong phán quyết sơ bộ ngày 3-10-2018, ICJ cho rằng Washington cần dỡ mọi lệnh cấm được đưa ra sau khi nước này rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) đối với việc xuất khẩu thuốc men, thiết bị y tế, thực phẩm, hàng hóa nông nghiệp và thiết bị, phụ tùng cần thiết nhằm đảm bảo an toàn hàng không. Theo ICJ, các lệnh trừng phạt nhằm vào hàng hóa phục vụ nhu cầu con người "có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người dân trên lãnh thổ Iran", trong khi các biện pháp trừng phạt nhằm hạn chế nhập khẩu phụ tùng, thiết bị máy bay cũng có thể "gây ảnh hưởng đến an toàn hàng không dân dụng ở Iran và tính mạng của hành khách".

Trong phản ứng ngay sau đó, Iran đã hoan nghênh phán quyết của ICJ. Trong thông báo được hãng thông tấn Tasnim và truyền thông Iran trích dẫn, Bộ Ngoại giao Iran khẳng định: "Phán quyết của ICJ một lần nữa chứng tỏ nước Cộng hòa Hồi giáo là đúng đắn và các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm chống lại người dân đất nước chúng tôi là bất hợp pháp và tàn nhẫn".

Trong khi đó, Mỹ đã chỉ trích phán quyết của ICJ yêu cầu Washington nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran là "không xứng đáng" và cho rằng tòa ICJ "không có thẩm quyền tài phán".

Chia sẻ trên trang Twitter cá nhân ngay sau khi phán quyết của ICJ được công bố, Đại sứ Mỹ tại Hà Lan Pete Hoekstra (Pít Hâu-cơ-xtra) cho rằng đây là trường hợp mà tòa ICJ không có thẩm quyền tài phán để ra quyết định. Ông Hoekstra cũng cho rằng phán quyết của ICJ cũng không chỉ định những biện pháp trừng phạt cần được gỡ bỏ theo yêu cầu của Tehran và đây cũng là một "phán quyết hẹp về những lĩnh vực rất hạn hẹp".

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (Mai Pôm-pê-ô) cũng tuyên bố Mỹ sẽ hủy bỏ Hiệp ước Hữu nghị ký kết năm 1955 với Iran. Trong tuyên bố của mình, Ngoại trưởng Mỹ cho biết Washington sẽ đánh giá các tác động thực tiễn của quyết định trên, đồng thời cáo buộc phía Iran đã vi phạm hiệp ước trên trong nhiều năm qua. Ông Pompeo cũng chỉ trích Iran đang lợi dụng ICJ với mục đích chính trị. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng khẳng định phán quyết của ICJ sẽ không ảnh hưởng tới các hoạt động hỗ trợ nhân đạo của nước này cho Iran.

Tiếp đó, chính quyền của Tổng thống Donald Trump (Đô-nan Trăm) đã rút khỏi hai thỏa thuận quốc tế, gồm Nghị định thư không bắt buộc và Nghị quyết giải quyết tranh chấp theo Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao năm 1961, vốn quy định phán quyết của ICJ mang tính ràng buộc đối với các tranh chấp.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton (Giôn Bôn-tơn) đã chỉ trích ICJ "bị chính trị hóa và thiếu hiệu quả", đồng thời cho biết Washington sẽ xem xét lại toàn bộ các thỏa thuận quốc tế vốn buộc nước này phải liên quan đến các quyết định mang tính ràng buộc của ICJ. Tuy nhiên, "Mỹ sẽ vẫn là một phần trong Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao và hy vọng các bên khác cũng tôn trọng các nguyên tắc quốc tế theo công ước".

Hệ lụy khó lường

Các nhà phân tích cho rằng, với việc ICJ ra phán quyết yêu cầu Mỹ ngừng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với hàng hóa phục vụ đời sống con người và an toàn hàng không dân dụng, Iran đã giành chiến thắng đầu tiên trong cuộc chiến pháp lý được dự báo sẽ kéo dài dai dẳng giữa Tehran và Washington. Việc ICJ ra phán quyết có lợi cho Iran trong cuộc chiến pháp lý với Mỹ đã góp thêm cho Tehran một tiếng nói quan trọng từ cộng đồng quốc tế. Đặc biệt là sự hợp tác giữa Iran với Liên minh châu Âu (EU) trong việc đối phó với các biện pháp trừng phạt của Mỹ vốn đang tác động đến nền kinh tế của cả nước Cộng hòa Hồi giáo lẫn các nước EU.

Mặc dù phán quyết của ICJ chỉ yêu cầu Mỹ ngừng áp đặt một phần lệnh trừng phạt liên quan tới hàng hóa phục vụ đời sống của con người và đảm bảo an toàn hàng không dân dụng, song có thể nói đây vẫn là một “thắng lợi tinh thần” đối với Iran. Việc Iran hồi tháng 7 vừa qua đệ đơn kiện Mỹ lên ICJ liên quan đến việc chính quyền của Tổng thống Trump tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, là một trong hàng loạt động thái của Tehran nhằm phản đối quyết định của Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Iran và Nhóm P5+1 gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức đã ký kết hồi tháng 6-2015 và gia tăng sức ép đối với Tehran. Iran cho rằng Mỹ đã phớt lờ các nghĩa vụ pháp lý và ngoại giao, vi phạm luật quốc tế khi đơn phương tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran, vốn đã được dỡ bỏ theo thỏa thuận JCPOA mà tới nay Iran và các bên còn lại tham gia ký kết vẫn đang tuân thủ đồng thời vi phạm các điều khoản của Hiệp ước về quan hệ thân thiện và kinh tế (TAER) đã được hai nước ký kết năm 1955. Giới chức Iran cũng nhận định các biện pháp trừng phạt của Mỹ còn có mục tiêu buộc Iran phải đàm phán một thỏa thuận khác.

Trên thực tế việc Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi JCPOA và tái áp đặt trừng phạt Iran không chỉ bị Tehran phản đối mà còn khiến quan hệ giữa Washington với các đồng minh châu Âu như Đức, Pháp, Anh bị tổn hại. EU đã không ủng hộ Mỹ tái áp đặt trừng phạt Iran, trong bối cảnh kết quả các đợt thanh sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) tại Iran đều cho thấy nước này tuân thủ các cam kết theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử.

Chính vì vậy, có thể nhận thấy, phán quyết của ICJ như một sự thừa nhận về tính phi lý của các biện pháp trừng phạt đơn phương của Mỹ đối với Iran. Phán quyết này cũng phần nào cho thấy chính sách của Mỹ trong vấn đề Iran không nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

Cho tới nay, những động thái của Mỹ tăng cường gây sức ép với Iran, đặc biệt sau khi gói trừng phạt đầu tiên nhằm vào hoạt động thương mại trong lĩnh vực xe ô tô và kim loại theo quyết định của Tổng thống Donald Trump có hiệu lực hồi đầu tháng 8, đã khiến nền kinh tế của quốc gia Trung Đông chìm vào khó khăn. Theo thống kê, kể từ tháng 4 đến nay, đồng nội tệ rial của Iran đã mất tới khoảng 50% giá trị và giá cả leo thang. Trong khi đó, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) dự báo nền kinh tế Iran có thể suy giảm 3% trong năm 2018 và 4% vào năm 2019.

Tuy nhiên, phán quyết của ICJ mới chỉ là giải pháp tạm thời, không thể giải quyết toàn bộ vấn đề. Hơn nữa, dù quyết định của ICJ mang tính ràng buộc và các bên không có quyền kháng án, song ICJ lại không có thẩm quyền để thi hành, do đó, không có gì đảm bảo các phán quyết này chắc chắn được tuân thủ. Đặc biệt những phản ứng gay gắt của Mỹ sau phán quyết có lợi cho Iran của ICJ cho thấy Washington sẽ "phớt lờ" phán quyết này, đồng thời cũng khiến cuộc chiến pháp lý giữa Mỹ với Iran trở nên cam go hơn.

Trong bối cảnh đợt trừng phạt thứ hai của Mỹ nhằm vào lĩnh vực dầu mỏ và giao dịch ngân hàng của Iran sẽ có hiệu lực vào ngày 5-11 tới, những phản ứng cứng rắn từ phía Mỹ cũng báo hiệu rằng Washington không từ bỏ chính sách hiện nay với Iran, điều có thể khiến hai nước tiếp tục chìm sâu hơn vào vòng xoáy căng thẳng với những hệ lụy khó lường.