Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết về tam nông ở Ninh Phước

(NTO) Theo đồng chí Nguyễn Thị Luyện, Bí thư Huyện ủy Ninh Phước, qua gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông), ngành nông nghiệp huyện Ninh Phước đã phát triển vượt bậc và đạt nhiều kết quả quan trọng, đời sống của người dân ngày càng nâng lên, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Ước tính đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người ở Ninh Phước đạt 41 triệu đồng/người/năm, vượt xa mục tiêu năm 2020 (27,5 triệu đồng/người/năm).

Do tình hình từ tháng 6-2009, huyện Ninh Phước chia tách để thành lập thêm huyện Thuận Nam, nên trong thực tế Ninh Phước chính thức triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) từ năm 2010. Theo đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết về tam nông, trước hết là qua thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, đến cuối năm 2017 tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp huyện tăng gần 4 lần so với năm 2010, chiếm tỷ trọng 43,55% các ngành. Giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích canh tác nông nghiệp đã tăng từ 74,5 triệu đồng/ha (năm 2010) lên 168,6 triệu đồng/ha (năm 2017). Trên địa bàn huyện Ninh Phước đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Từ 10 ha năm 2011 tại Phước Hậu, mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa đã nhân rộng lên 4.371 ha tại các xã, thị trấn; duy trì và mở rộng hình thức liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, điển hình như mô hình sản xuất lúa giống trên 400 ha, sản xuất bắp nhân giống 680 ha. Về chăn nuôi, đã hình thành các mô hình chăn nuôi có hiệu quả như: Trồng táo kết hợp nuôi dê, cừu vỗ béo ở các xã, thị trấn; trang trại nuôi heo tập trung từ 600-2000 con/trại liên kết với Công ty CP; nuôi gà lấy trứng quy mô 120.000 con…

Diện tích nho ở Ninh Phước hiện có 442,2 ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Các loại hình dịch vụ ở nông thôn phát triển mạnh như chợ nông thôn, kinh doanh, ăn uống, phục vụ sản xuất, y tế, giáo dục, văn hóa,… góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân sống ở nông thôn. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện được quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp tạo diện mạo mới cho nông thôn, nhất là hệ thống giao thông, hệ thống thủy lợi, y tế, trường học, điện nông thôn…. Cụ thể, về hạ tầng giao thông, đã kiên cố hóa (bê tông) 100% đường giao thông trục xã, 75,8% đường trục thôn, 77,7% đường ngõ xóm, 81,7% đường nội đồng. Về thủy lợi, 100% kênh cấp 1, 80% kênh cấp 2 và 85% hệ thống kênh cấp III do xã quản lý được kiên cố hóa, cứng hóa, đảm bảo phục vụ tưới tiêu. Đến nay đã có 100% thôn, khu phố và 99,9% hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia; 49/66 thôn, khu phố hưởng ứng phong trào thắp sáng đường quê và có 97,97% hộ dân dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,88%, ước cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới đa chiều giảm còn dưới 5% so với dân số toàn huyện.

Đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ năm 2010 đến nay, huyện đã tổ chức 161 lớp, với trên 5.447 lượt hộ nông dân tham gia, bình quân mỗi năm đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 500 lao động nông thôn với các nội dung liên quan luân canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng; kỹ thuật trồng măng tây xanh, bắp lai, táo, đậu xanh; chế biến và bảo quản thức ăn gia súc,…Hằng năm, toàn huyện có trên 3.000 lao động có việc làm thông qua các chương trình đào tạo nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm, vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm, tự tìm việc làm trong và ngoài tỉnh,… Riêng trong năm 2017, huyện đã tổ chức 16 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 501 học viên, giải quyết việc làm cho 3.257 lao động, tăng gấp 1,3 lần so với năm 2010.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), theo đồng chí Nguyễn Thị Luyện, phát huy những thành tựu đã đạt được, hướng đến năm 2020, Ninh Phước đề ra mục tiêu tổng quát là khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Về nông nghiệp, đến năm 2025 đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất từ 10-11%/năm; giá trị canh tác đất nông nghiệp tăng ít nhất 1,5 lần/ha. Về nông thôn, tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn; phát huy hiệu quả các làng nghề truyền thống; đến năm 2030 xây dựng huyện nông thôn mới (NTM) hiện đại theo hướng bền vững, các xã NTM kiểu mẫu. Về nông dân, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm từ 1,2-1,5% theo chuẩn nghèo mới; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2025 gấp 2 lần và năm 2030 gần 3 lần năm 2020.

Để thực hiện mục tiêu trên, Huyện ủy Ninh Phước đề ra giải pháp tập trung xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở nông thôn và phát huy tốt vai trò nòng cốt của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tích cực tham gia thực hiện các chương trình, kế hoạch xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trước mắt tập trung lãnh đạo thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, phấn đấu đến cuối năm nay có 7/8 xã được công nhận đạt chuẩn NTM và đến 2020 huyện công nhận đạt chuẩn NTM.