Bình thường hóa hay phi hạt nhân hóa Triều Tiên?

(NTO) Cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Trump-Kim ở Singapore hồi tháng 6 vừa qua cũng như nhiều cuộc gặp cấp cao sau đó đã mở ra một tiến trình ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên. Thành quả có được từ Thỏa thuận Singapore là việc ngừng các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn và Triều Tiên trao trả số hài cốt binh sĩ Mỹ còn lại sau Chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, việc thiếu tiến triển trong tiến trình phi hạt nhân hóa hiện nay cho thấy Triều Tiên đang đặt mục tiêu "tiến triển chậm nhất có thể".

Những thách thức thực sự đang chờ đợi khu vực bởi phi hạt nhân hóa Triều Tiên là một lộ trình dài hơi và đầy chông gai, cần phải giải quyết những khó khăn của vấn đề phi hạt nhân hóa, đồng thời phải đối phó với một chế độ bí hiểm, xảo quyệt và khó dự đoán. Những thách thức này cần được giải quyết trước khi có được những tiến triển mang tính kỹ thuật. Mỹ yêu cầu nhanh chóng tiến hành phi hạt nhân hóa theo nguyên tắc: hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng (CVID), trong khi Triều Tiên lại không tỏ ra có thiện chí đó.

CVID không phải là một mục tiêu mang tính thực tế bởi bất cứ thỏa thuận phi hạt nhân hóa nào - dù lớn hay nhỏ, mơ hồ hay rõ ràng - với chế độ hiện nay ở Triều Tiên cũng đều có thể bị đảo ngược. Với việc quá tập trung vào CVID, có một nguy cơ hiện hữu là những tiến triển đạt được gần đây có thể nhanh chóng tiêu tan.

Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong cuộc gặp
tại Singapore (ngày 12-6).

Mục tiêu cấp bách nhất đặt ra trong vấn đề Triều Tiên là phi hạt nhân hóa, nhưng bất cứ nỗ lực nào hướng tới cái đích đó cũng phải phù hợp với một viễn cảnh lớn - theo đó có thể đưa Triều Tiên trở thành một nhà nước bình thường không có vũ khí hạt nhân. Mỹ và các đồng minh không nên đặt mục tiêu lật đổ chế độ cầm quyền hiện nay ở Bình Nhưỡng, mà thay vào đó cần hỗ trợ để nước này thiết lập mối quan hệ bình thường với thế giới bên ngoài cũng như đảm bảo để Triều Tiên trở thành một quốc gia bình thường trong tương lai.

Mặc dù truyền thông "nóng" lên vì những tiến triển ngoại giao gần đây trong vấn đề Triều Tiên, song bất cứ thỏa thuận hạt nhân nào cũng có thể nhanh chóng cho thấy sự "mong manh dễ vỡ". Giả sử Tổng thống Mỹ Donald Trump có được một "thỏa thuận lớn" về CVID với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore, song giá trị thực sự của thỏa thuận đó sẽ như thế nào khi chính Trump hoặc Kim Jong-un vì lợi ích của mình lại từ bỏ nó? CVID đã từng hữu ích vào năm 2003 khi lần đầu tiên xuất hiện trong một thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân non trẻ của Triều Tiên. Ngày nay, Triều Tiên đã trở thành quốc gia có tham vọng hạt nhân và đã thể hiện là một cường quốc hạt nhân.

Mỹ cần phải rất thực tế khi đối phó với một Triều Tiên nhiều khả năng không muốn phi hạt nhân hóa. Triều Tiên có kỹ thuật và nhân lực để lắp ráp các loại vũ khí hạt nhân mới chỉ trong vài tháng hoặc vài tuần. Ngay cả ở thời điểm hiện tại, bất chấp lời hứa hẹn sẽ tiến tới phi hạt nhân hóa, các kỹ sư hạt nhân Triều Tiên vẫn có thể đào tạo một thế hệ chuyên gia về vũ khí hạt nhân cho tương lai.

Vấn đề phi hạt nhân hóa có kiểm chứng cũng đứng trước nhiều thách thức lớn. Trừ phi Kim Jong-un tự nguyện công khai tất cả các kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, nếu không sẽ rất khó để xác định tất cả các cơ sở hạt nhân và tên lửa mà chính quyền Bình Nhưỡng đang sở hữu trên thực tế. Ngay cả khi các thanh sát viên quốc tế và Mỹ được tự do đi lại ở Triều Tiên thì việc xác định các cơ sở làm giàu urani, các bệ phóng tên lửa di động cũng rất khó thực hiện. Ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore ngày 12-6, Bình Nhưỡng dường như cũng đã đánh lừa được Washington về nguồn lực hạt nhân và tên lửa của mình.

Chiến lược "ngoại giao thượng đỉnh" của Kim Jong-un trong nửa đầu năm 2018 đã góp phần làm thay đổi một cách ngoạn mục tình hình chính trị khu vực. Kim Jong-un trước tiên đã tiếp cận chính quyền Moon Jae-in theo xu hướng bảo thủ ở Hàn Quốc, vốn cũng đang nỗ lực hướng tới cải thiện mối quan hệ liên Triều và giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trong thời gian diễn ra Thế vận hội Pyeongchang 2018. Với sự hậu thuẫn của Seoul, Kim Jong-un cuối cùng đã có được một cuộc gặp thượng đỉnh với Trump và tránh được một cuộc chiến tranh cận kề.

Sau đó, nhờ vào tác dụng đòn bẩy của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều, Kim Jong-un đã khéo léo kéo được Bắc Kinh về phía mình khi có 3 cuộc gặp không chính thức với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Qua đó, chính quyền Kim Jong-un cũng có được sự ủng hộ của Bắc Kinh đối với chiến lược hướng tới Mỹ, đồng thời cũng chứng tỏ cho Washington thấy được rằng Triều Tiên vẫn được Trung Quốc "chống lưng". Và ngay cả khi Trump bất ngờ hủy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều đã được lên kế hoạch từ trước thì Bình Nhưỡng cũng đã tạo ra sự ngạc nhiên thứ hai với cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ hai mang đậm dấu ấn chiến lược của Kim Jong-un.

Những tiến triển hậu Thượng đỉnh Singapore cũng có thấy Triều Tiên đã đặt ra lộ trình phù hợp nhất cho họ. Phía Triều Tiên hoàn toàn không cần vội vã bởi không giống như Trump hoặc Moon Jae-in, Kim Jong-un không bị hạn chế về thời gian và theo đó có thể đặt mục tiêu dài hơi hơn. Trong trường hợp xấu nhất, nhưng chưa chắc diễn ra, Kim Jong-un có thể đang tìm cách "câu giờ" của Trump.

Kim Jong-un có thể đang mường tượng về một quốc gia bình thường có vũ khí hạt nhân, nhưng rõ ràng điều này không nằm trong lịch trình của Mỹ hay khu vực. Cộng đồng quốc tế cần thể hiện quan điểm rõ ràng rằng không một thỏa thuận nào như vậy có thể được chấp nhận. Tuy nhiên, bằng việc chỉ tập trung vào vấn đề phi hạt nhân hóa, cộng đồng quốc tế có nguy cơ đánh mất cơ hội lớn hơn, một viễn cảnh quan trọng: dẫn dắt để giúp Triều Tiên hiện thực hóa tham vọng trở thành một nhà nước bình thường, để từ đó gạt bỏ việc sở hữu vũ khí hạt nhân. Cuối cùng, một Triều Tiên bình thường sẽ thực hiện tốt nguyên tắc CVID, nhưng CVID tự nó sẽ không thể mang lại một Triều Tiên bình thường được.