Nâng cao ý thức cộng đồng phòng, chống bệnh tay chân miệng

(NTO) Hiện nay, bệnh tay chân miệng (TCM) trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng gia tăng, dự báo nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng là rất lớn. Ngành Y tế khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh ghi nhận 580 ca mắc TCM, tăng gần 68% so cùng kỳ. Đặc biệt trong 2 tháng trở lại đây, số ca mắc bệnh tăng vọt. Địa phương có số ca nhiễm bệnh cao: Tp. Phan Rang- Tháp Chàm 198 ca, Ninh Phước 125 ca, Ninh Hải 117 ca, Thuận Nam 80 ca… Trẻ mắc bệnh dưới 3 tuổi chiếm gần 80%. Số trường hợp mắc TCM nặng có nguy cơ tử vong cao, khoảng 100 trường hợp. Các bệnh phẩm gửi phân lập vi rút tại Viện Pasteur Nha Trang phát hiện một số trường hợp dương tính với Enterovirut 71, đây là chủng có động lực cao dễ gây biến chứng nặng và tử vong.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 14 ngày 4-9-2018 về tăng cường công tác phòng chống bệnh TCM trên địa bàn tỉnh năm 2018. Trên cơ sở chỉ đạo của tỉnh, Sở Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra tình hình, công tác phòng ngừa tại 9 xã, phường có số ca nhiễm bệnh cao. Đối tượng kiểm tra tập trung vào các trường mẫu giáo, nhà trẻ và những hộ dân có bệnh nhân mắc… Ngoài ra, Sở Y tế đã cung cấp 90 kg cloramin cho các trạm y tế để xứ lý các ổ dịch.

Đoàn kiểm tra dịch bệnh TCM của Sở Y tế kiểm tra, hướng dẫn phòng ngừa dịch bệnh
cho các nhà trẻ, mẫu giáo phường Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm).

Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Bệnh TCM là do một nhóm virút đường ruột Enterovirus gây nên, lây lan rất nhanh, chủ yếu qua đường tiêu hóa, trực tiếp qua tiếp xúc giữa người bệnh với người lành hoặc lây lan qua vật dụng có dính chất tiết mũi họng, dịch ở các bọng nước, phân của người bị bệnh. Theo nghiên cứu, có trên 70% người lành mang mầm bệnh nhưng không biểu hiện. Đến nay chưa có vắc-xin phòng ngừa; biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là thường xuyên vệ sinh khu vực sinh sống và vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là thường rửa tay sạch bằng xà phòng.

Tuy nhiên, qua đợt kiểm tra của Sở Y tế vừa qua cho thấy, mặc dù ngành Y tế, cũng như chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, nhiều người dân vẫn chưa có ý thức, cũng như kiến thức đầy đủ để phòng bệnh. Điển hình như tại phường Đông Hải (Tp.Phan Rang- Tháp Chàm), đây là địa phương có số bệnh nhân mắc TCM cao, khi được hỏi, nhiều trẻ tại một số cơ sở mầm non cho biết bé không được hướng dẫn rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Việc vệ sinh phòng học, đồ chơi cho trẻ chưa được thực hiện đúng cách. Cụ thể là nhiều hộ dân, nhà trẻ chỉ vệ sinh nhà ở, phòng học, đồ chơi cho trẻ bằng xà phòng thông thường, trong khi đó cần phải dùng xà bông, dung dịch sát khuẩn mới giúp phòng ngừa bệnh… Hay như tại xã Phước Dinh (Thuận Nam), nhiều hộ gia đình không có nhà vệ sinh, có thói quen phóng uế bừa bãi; phân của trẻ em được đổ vào thùng rác… Việc làm này chính là nguyên nhân dẫn đến mầm bệnh phát tán trong môi trường sống và gây bệnh.

Ngoài ra, nhiều phụ huynh cho rằng đối tượng mắc bệnh chủ yếu tập trung ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi và mắc bệnh do lây nhiễm từ các trẻ khác, do đó hết sức chủ quan nghĩ rằng chỉ cần vệ sinh sạch sẽ cho trẻ là có thể phòng ngừa bệnh mà không quan tâm vệ sinh cơ thể chính bản thân, nhất là rửa tay thật sạch bằng xà phòng khi gần gũi, chăm sóc trẻ. Đây cũng chính là nguyên nhân quan trọng lây bệnh cho trẻ em.

Công tác tuyên truyền cho người dân về phòng ngừa dịch bệnh còn nhiều hạn chế. Qua tìm hiểu được biết, hoạt động truyền thông, tuyên truyền phòng, chống bệnh tại các địa phương chủ yếu là trên hệ thống loa truyền thanh. Tuy nhiên, thời điểm, thời lượng phát sóng chưa phù hợp; ngoài ra, tại nhiều vùng chưa được đầu tư lắp đặt hệ thống truyền thanh nên nội dung cần truyền đạt chưa có tác động mạnh và chưa đến được với nhiều người dân.

Như vậy, điều quan trọng nhất trong công tác phòng dịch bệnh đó là chính người dân cần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa. Để làm được điều này, ngoài sự nỗ lực của ngành Y tế, rất cần sự chung tay vào cuộc của chính quyền các cấp, ban, ngành, đoàn thể tích cực hơn nữa trong công tác truyền thông, giáo dục, vận động tạo đột phá thay đổi hành vi, thói quen giữ gìn vệ sinh môi trường, khu vực sinh sống, cho chính bản thân và con em của mình. Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh, nhấn mạnh: Trong trường hợp phát hiện trẻ mắc bệnh với các triệu chứng: sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, sổ mũi, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày, sau vài ngày xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, ở bàn chân, bàn tay, đôi khi gặp cả mụn nước, bọng nước ở mông, các bậc phụ huynh cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế địa phương để được chẩn đoán, điều trị và hướng dẫn phương pháp chăm sóc đúng cách. Đối với trẻ mắc bệnh nhẹ, mức độ 1 (chỉ loét miệng hoặc tổn thương da) không nhất thiết điều trị tại bệnh viện để tránh lây nhiễm mà chỉ cần cách ly, điều trị tại nhà theo sự hướng dẫn của nhân viên y tế địa phương. Tuy nhiên cần phải theo dõi mọi diễn biến bệnh của trẻ, các trường hợp có biểu hiện bệnh nặng như sốt cao, khó thở… cần phải đưa trẻ đến bệnh viện để điều trị, xử lý kịp thời để phòng tránh biến chứng và có thể tử vong.