Thế giới đảo ngược khi EU và Nga cùng chống Mỹ

Cuộc họp vào ngày 25-9 của Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) tại New York, sự kiện ngoại giao lớn nhất thế giới, đã trở thành nơi Liên minh châu Âu (EU) thể hiện tinh thần đoàn kết cùng Nga và Trung Quốc để chống lại Mỹ.

Những diễn biến liên quan tới Iran cho thấy một sự đảo lộn trên thế giới vì chủ nghĩa đơn phương của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết ông cảm thấy “bối rối và cực kỳ thất vọng”. Trao đổi với báo giới, ông nói: “Đây là một trong những biện pháp phản tác dụng nhất mà tôi có thể tưởng tượng được đối với hòa bình và an ninh khu vực cũng như quốc tế”, sau 7 thập kỷ Mỹ và EU cùng nhau chống lại kẻ thù chung, ví dụ như Nga, với cái gọi là “quan hệ xuyên Đại Tây Dương”.

Một phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Những biện pháp mà ông Pompeo nhắc đến là sáng kiến thành lập “Công ty phục vụ Mục đích đặc biệt” (SPV), một định chế ủy thác với vai trò trung gian, cho phép EU và các nước khác được mua dầu mỏ của Iran và vẫn tránh được các đòn trừng phạt mà Tổng thống Trump áp đặt với nước Cộng hòa Hồi giáo này. Vladimir Yermakov, một nhà ngoại giao cấp cao của Nga trao đổi với báo giới về tuyên bố liên quan đến SPV của Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini: “Tất cả những gì bà Mogherini nói đều cực kỳ tiêu cực”. Nhận định này được ông đưa ra sau khi bà Mogherini chủ trì một cuộc gặp với ngoại trưởng tới từ các nước Nga, Trung Quốc, Iran, Pháp, Đức và Anh tại New York sáng cùng ngày.

Trao đổi báo giới bên cạnh Ngoại trưởng Iran Javad Zarif, bà Mogherini chia sẻ: “Các nước thành viên EU sẽ thành lập một thực thể pháp lý (SPV) để thực hiện các giao dịch tài chính hợp pháp với Iran và điều này sẽ cho phép các doanh nghiệp châu Âu tiếp tục làm ăn với Iran theo đúng luật pháp của EU và cơ chế này cũng để ngỏ với các đối tác khác trên thế giới”. Bà cho biết các chuyên gia của EU sẽ sớm nhóm họp để lên kế hoạch chi tiết. Phát biểu trong cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình CNN hôm 25/9, bà nói: “Liệu có giải pháp thay thế nào khả thi hơn là đàm phán trong bối cảnh xung đột và khủng hoảng trên thế giới như hiện nay? Liệu có lựa chọn nào hợp lý hơn ngoại giao và đối thoại? Chiến tranh là giải pháp tốt hơn chăng?”.

Trong khi đó, EU, Nga và Trung Quốc cùng ra một tuyên bố nhấn mạnh “rất lấy làm tiếc” về quyết định rút khỏi Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) mà Tổng thống Trump đưa ra hồi tháng 5 vừa qua. Họ cho rằng các đòn trừng phạt của Trump đi ngược lại “xu hướng ngoại giao đa phương được Hội đồng Bảo an LHQ cùng đồng thuận”.

Đe dọa về các đòn trừng phạt của Mỹ đã buộc nhiều doanh nghiệp EU như các nhà sản xuất ôtô Đức và Pháp Daimler, Peugeot, và Renault, hãng công nghệ Đức Siemens, hay công ty năng lượng Pháp Total phải từ bỏ các dự án mới tại Iran. Thủ tướng Bỉ Charles Michel tuyên bố sau cuộc gặp với Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại New York rằng EU “không thể chấp nhận việc Mỹ nắm quyền quyết định khu vực mà các doanh nghiệp châu Âu được phép hay không được phép làm ăn”. Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết đang “phối hợp chặt chẽ với các đối tác châu Âu về đề xuất thành lập SPV”.

Mâu thuẫn giữa Mỹ và EU về vấn đề Iran nảy sinh sau khi Tổng thống Trump kích động chiến tranh thương mại với châu Âu và Trung Quốc, tuyên bố ý định rút Mỹ khỏi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương và Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, cũng như đe dọa trừng phạt các doanh nghiệp của Áo, Hà Lan, Đức và Pháp nếu họ đổ vốn đầu tư cho dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga và Đức.

Trong bài phát biểu tại LHQ ngày 25-9, nhà lãnh đạo Pháp Emmanuel Macron đã chỉ trích Trump kích động “chủ nghĩa dân tộc” và “chủ nghĩa bảo hộ”. Về phần mình, Tổng thống Trump tiếp tục đe dọa dùng vũ lực với Iran và chỉ trích dự án Dòng chảy phương Bắc. Trump nhấn mạnh: “Đức sẽ hoàn toàn lệ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga nếu không ngay lập tức thay đổi lộ trình”. Trong khi đó ông lại hoan nghênh Ba Lan vì “dám đấu tranh cho độc lập, an ninh và chủ quyền”, một ngày sau khi Ủy ban châu Âu kiện Ba Lan lên tòa án của EU vì các hành vi can thiệp chính trị trong bộ máy tư pháp và vi phạm các giá trị cũng như luật pháp EU.

Tổng thống Iran cho rằng “đối đầu với chủ nghĩa đa phương không phải là cách thể hiện sức mạnh… Ngược lại, đó là dấu hiệu cho thấy sự thiếu lý trí. Nó phản ánh rằng ông ta không thể hiểu nổi một thế giới kết nối và phức hợp là như thế nào”.

Bài phát biểu của Tổng thống Trump tại LHQ đã khiến nhiều lãnh đạo bật cười khi ông tuyên bố trong suốt 2 năm vừa qua đã đạt được nhiều thành tựu hơn mọi Tổng thống Mỹ trong lịch sử.